Cẩm khê đổi mới công tác đào tạo nghề
PTĐT - Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Cẩm Khê đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, tổ chức các chương trình dạy nghề phù hợp với điều kiện thực tế và nhu cầu lao động của thị trường.
PTĐT - Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Cẩm Khê đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, tổ chức các chương trình dạy nghề phù hợp với điều kiện thực tế và nhu cầu lao động của thị trường. Sau khi được dạy nghề, nhiều lao động đã áp dụng kiến thức được học vào thực tiễn, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo tại địa phương.
Thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, giai đoạn 2016-2020, huyện Cẩm Khê đã mở 56 lớp đào tạo sơ cấp nghề cho gần 1.500 học viên. Trong đó có 28 lớp đào tạo về nông nghiệp, 28 lớp đào tạo phi nông nghiệp. Để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đảm bảo học nghề xong có việc làm ổn định, phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu với UBND huyện ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, kêu gọi các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh vào đầu tư xây dựng, phát triển sản xuất trên địa bàn. Đồng thời, tiến hành rà soát, khảo sát nhu cầu học nghề của người dân và nhu cầu tuyển dụng của các công ty, doanh nghiệp lớn trên địa bàn để chủ động điều chỉnh phương pháp, chương trình giảng dạy theo phương châm “lý thuyết đi đôi với thực hành”. Qua đó, giúp các học viên dễ hiểu, dễ áp dụng những kiến thức, kỹ năng mới học vào thực tế để tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống.
Chị Trịnh Thị Phương ở khu xóm Trong, xã Thụy Liễu cho biết: "Trước đây, gia đình chủ yếu dựa vào đồng ruộng và chăn nuôi, sản xuất chỉ dựa trên kinh nghiệm nên năng suất không cao. Chính vì vậy, ngay sau khi tham gia lớp đào tạo nghề may do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện mở, tôi đã được nhận vào làm tại Cụm Công nghiệp Cẩm Khê với thu nhập khoảng 8 triệu đồng/tháng tùy từng công việc. Từ khi có cái nghề trong tay, gia đình đã thoát nghèo, cuộc sống cũng đã ổn định hơn trước rất nhiều”.
Ông Bùi Bá Đạt - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Cẩm Khê cho biết: "Các lớp dạy nghề trên địa bàn huyện đã tạo cơ hội cho lao động nông thôn, nhất là lao động ở các xã còn nhiều khó khăn có điều kiện nâng cao kiến thức, có thêm nghề mới, tự tin trong phát triển kinh tế gia đình, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân tại địa phương. Trong năm nay, chúng tôi sẽ tiếp tục làm tốt công tác khảo sát, dự báo nhu cầu học nghề của lao động để có phương án phối hợp với các sở, ban, ngành, các đơn vị tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn, góp phần đáp ứng nguồn nhân lực để thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.Quốc Đại
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/202103/cam-khe-doi-moi-cong-tac-dao-tao-nghe-175664