Cam Lộ giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội từ nguồn vốn chính sách

Đồng hành với chính quyền địa phương và người dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), nhất là trong công tác giảm nghèo, nâng cao thu nhập, thời gian qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Cam Lộ đã có nhiều nỗ lực giúp nông dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi một cách thuận lợi nhất. Nhờ nguồn vốn này đã tạo được việc làm cho hàng ngàn lao động, giúp nông dân xây dựng được các mô hình kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội.

Lãnh đạo Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Quảng Trị và huyện Cam Lộ kiểm tra mô hình phát triển kinh tế từ vốn vay ưu đãi tại xã Cam Tuyền -Ảnh: ANH VŨ

Lãnh đạo Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Quảng Trị và huyện Cam Lộ kiểm tra mô hình phát triển kinh tế từ vốn vay ưu đãi tại xã Cam Tuyền -Ảnh: ANH VŨ

Cách đây 5 năm, vợ chồng chị Lê Thị Xuân Tuyền ở thôn Thượng Nghĩa, xã Cam Nghĩa từ TP. Đà Nẵng trở về quê mở xưởng may công nghiệp chuyên gia công hàng xuất khẩu. Để mở được một xưởng may có quy mô ở nông thôn đối với một phụ nữ trẻ như chị Tuyền không phải là dễ nếu không có nguồn vốn ưu đãi từ Phòng giao dịch NHCSXH huyện.

“Chi phí để mở xưởng may ban đầu khá nhiều do phải mua sắm thiết bị máy móc hiện đại mới đảm bảo kịp tiến độ đơn hàng nhưng vợ chồng tôi chỉ có được ít vốn. Rất may có Phòng giao dịch NHCSXH huyện Cam Lộ cho vay 200 triệu đồng với lãi suất ưu đãi, gia đình tôi mới có được cơ ngơi như ngày hôm nay. Bây giờ xưởng may của tôi đã tạo việc làm cho trên 30 lao động, trong đó có nhiều chị em là lao động từ các tỉnh phía Nam trở về do COVID-19. Những công nhân ở đây được trả lương theo sản phẩm, ngoài ra hằng tháng còn có thêm tiền chuyên cần 300.000 đồng/người, tính ra tổng thu nhập của mỗi công nhân từ 5 - 9 triệu đồng/ tháng tùy tay nghề”, chị Tuyền bộc bạch.

Xác định vai trò quan trọng của nguồn vốn tín dụng đối với phát triển kinh tế-xã hội, thời gian qua, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Cam Lộ đã chủ động bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ chương trình giảm nghèo, nghị quyết Ban đại diện Hội đồng quản trị các cấp và các kế hoạch, nhiệm vụ của NHCSXH tỉnh giao; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội, tập trung triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp nhằm đưa nguồn vốn chính sách đến tận người dân để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, đào tạo nghề, giải quyết việc làm gắn với chương trình xây dựng NTM.

Để đảm bảo hoạt động của điểm giao dịch tại các xã, thị trấn phát huy hiệu quả, tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ, tiết giảm chi phí và thời gian cho khách hàng, Phòng giao dịch đã thường xuyên kiểm tra, củng cố hoàn thiện các điểm giao dịch theo đúng quy định.

Đến nay, toàn huyện có 8 điểm giao dịch xã, thị trấn, đạt 100%. Hoạt động của tổ giao dịch đã đi vào nền nếp và hoạt động có chất lượng, được cấp ủy và chính quyền địa phương quan tâm và các tổ chức hội nhận ủy thác, tổ tiết kiệm và vay vốn, Nhân dân đồng tình ủng hộ.

Công tác điều hành chỉ tiêu kế hoạch tín dụng được thực hiện theo hướng linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương và từng chương trình tín dụng, vốn chính sách được ưu tiên cho các xã có tỉ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao tiếp tục theo chuẩn nghèo các giai đoạn.

Kết quả thực hiện tổng nguồn vốn ước đến ngày 30/4/2024 đạt 431.888 triệu đồng, tăng 264.271 triệu đồng so với năm 2014. Trong đó, nguồn vốn trung ương 398.257 triệu đồng, chiếm 92,21% tổng nguồn vốn, tăng 235.947 triệu đồng so với năm 2014; nguồn vốn ngân sách địa phương 33.631 triệu đồng, chiếm 7,56% tổng nguồn vốn, tăng 28.328 triệu đồng so với năm 2014.

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, đã có 23.934 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn tại NHCSXH với số tiền gần 431.701 triệu đồng, góp phần giúp cho trên 2.560 hộ thoát nghèo; giải quyết việc làm cho trên 3.176 lao động; hỗ trợ cho 1.613 học sinh, sinh viên trang trải chi phí học tập; hỗ trợ cho hơn 10.829 lượt hộ xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, góp phần hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng NTM. Ngoài ra, hỗ trợ 328 hộ nghèo được vay vốn làm nhà ở; 46 hộ vay vốn làm nhà để phòng tránh bão lụt; 95 hộ được vay vốn nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ...

Cùng với đó, NHCSXH huyện Cam Lộ còn triển khai cho vay kịp thời các chương trình theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và Nghị quyết số 181/NQ-CP của Chính phủ với dư nợ 70.277 triệu đồng. Trong đó, cho vay giải quyết việc làm hỗ trợ tạo việc làm 917 lao động với số tiền 44.000 triệu đồng; cho vay đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để mua máy tính, thiết bị học trực tuyến 15 học sinh với số tiền 157 triệu đồng; cho vay nhà ở xã hội 66 hộ, số tiền 25.400 triệu đồng; cho vay phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 18 hộ với số tiền 720 triệu đồng...

Ông Nguyễn Thanh Bắc, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện Cam Lộ cho biết, thời gian đến, huyện sẽ tiếp tục tham mưu các cấp ủy đảng, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; bố trí thêm nguồn lực ủy thác qua NHCSXH huyện để tăng thêm nguồn vốn nhằm mở rộng đối tượng cho vay; chỉ đạo, hướng dẫn UBND các xã, thị trấn tổ chức điều tra và quản lý chặt chẽ số hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác ngay từ đầu năm. Hằng tháng chủ động điều chỉnh, bổ sung kịp thời danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách khác để có căn cứ xác nhận đối tượng vay vốn NHCSXH. Việc giải ngân cho vay các chương trình tín dụng phải tuân thủ đúng quy trình, đúng đối tượng thụ hưởng; tập trung cho vay các mô hình phát triển kinh tế của từng địa phương. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để phát huy hiệu quả nguồn vốn, đảm bảo cho vay đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích...

Mục tiêu đặt ra của huyện Cam Lộ là sẽ xây dựng địa phương trở thành huyện NTM nâng cao vào năm 2025. Để hoàn thành mục tiêu này, ngoài sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, sự chung tay góp sức của người dân, thì sự đóng của nguồn vốn tín dụng chính sách là rất quan trọng. Bởi mỗi nguồn vốn ưu đãi đến với người dân sẽ tạo điều kiện cho họ phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và nâng cao đời sống, tác động tích cực làm cho diện mạo nông thôn ngày thêm khởi sắc.

Anh Vũ

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/cam-lo-giai-quyet-viec-lam-dam-bao-an-sinh-xa-hoi-tu-nguon-von-chinh-sach-186416.htm