Cam Lộ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi

Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, bên cạnh ổn định diện tích các vùng chuyên canh nông sản chủ lực, huyện Cam Lộ khuyến khích, hỗ trợ các hợp tác xã (HTX) và người dân từng bước hình thành những mô hình trồng các loại cây trồng mới có quy mô và sự liên kết trong sản xuất, tiêu thụ.

 Các sản phẩm nông sản hàng hóa tiêu biểu của huyện Cam Lộ - Ảnh: PV

Các sản phẩm nông sản hàng hóa tiêu biểu của huyện Cam Lộ - Ảnh: PV

Ông Trần Kim Thắng ở xã Cam Tuyền cho hay, nhận thấy cây chè vằng sau khi chế biến thành sản phẩm cao được người tiêu dùng ưa chuộng và đem lại nguồn thu nhập cao cho nhiều hộ gia đình, năm 2019 ông quyết định thanh lý 0,6 ha rừng kém chất lượng, mua giống chuyển qua trồng loại cây này. Đây là loại cây dược liệu bản địa dễ trồng, phù hợp với vùng đất gò đồi, ít sâu bệnh, chu kỳ khai thác dài và sản phẩm làm ra dễ tiêu thụ. Sau một năm là có thể thu hoạch và 1 năm thu 2 đợt, bán cho các cơ sở chế biến với giá bình quân 10.000 đồng/ kg, tính ra 1 sào 1 năm thu được khoảng 10 triệu đồng, tức là 1 ha gần 200 triệu đồng. Còn ông Trương Anh Tuấn ở xã Cam Hiếu chia sẻ, gia đình ông có khu đất vườn nằm gần bìa rừng rộng 2,8 ha nhưng lâu nay chủ yếu trồng cây lâm nghiệp và các loại cây trồng truyền thống như khoai, sắn, trồng theo kiểu tận dụng, không có quy hoạch rõ ràng nên hiệu quả mang lại không cao. Trong 1 lần sang Thái Lan thăm người thân, có dịp tham quan một số trang trại trồng ổi, tìm hiểu kỹ thuật trồng, chăm sóc, nhận thấy đây là cây trồng có khả năng phù hợp với đất đai quê mình, ông đã hỏi mua giống để mang về trồng thử nghiệm. Đầu tư rất nhiều công sức, thuê máy cày ủi, san lấp mặt bằng và chở đất phù sa nơi khác về, ông tạo dựng được một khu vườn trồng ổi khoảng 0,5 ha, phần đất còn lại ông đào hồ vừa nuôi cá vừa có nguồn nước tưới cho ổi. Từ chỗ ban đầu trồng thử nghiệm vài chục cây, thấy có hiệu quả, ông đã tự nhân giống và đến nay trồng hơn 300 gốc. Mấy năm trở lại đây, mỗi năm ông thu hoạch được gần 5 tấn quả, với giá bán 1 kg từ 20.000- 25.000 đồng, mang lại thu nhập hơn 100 triệu đồng.

Có thể nói, trong bối cảnh giá mủ cao su, hồ tiêu giảm sâu và kéo dài, những năm gần đây, người dân ở huyện Cam Lộ đã thực hiện đa dạng hóa cây trồng bằng cách chuyển đổi những diện tích đất trồng rừng kém hiệu quả, có độ dốc thấp và cải tạo vườn tạp, trồng cây dược liệu và cây ăn quả. Thực tế cho thấy, giá trị kinh tế mang lại trên một đơn vị diện tích cao gấp 2- 3 lần so với các loại cây trồng khác, mở ra hướng mới khai thác dư địa, sinh thái vùng gò đồi để phát triển các sản phẩm đặc thù địa phương. Định hướng của huyện Cam Lộ trong thời gian tới là phát triển cây dược liệu thành hướng đi mũi nhọn, sản xuất chuyên canh vùng nguyên liệu tập trung trước mắt khoảng 200 ha cung cấp nguyên liệu cho làng nghề cao dược liệu Định Sơn và các cơ sở chế biến trên địa bàn, tạo ra sản phẩm đặc trưng, riêng có của địa phương. Đồng thời, khuyến khích người dân thành lập HTX, tổ hợp tác, liên kết, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau về kỹ thuật, mở rộng diện tích cây ăn quả. Mới đây, huyện đã đầu tư gần 2 tỉ đồng để trồng 17 ha cây ăn quả hữu cơ công nghệ cao tại hai xã Cam Nghĩa, Cam Thành và thị trấn Cam Lộ, trong đó có 6 ha sầu riêng, 1 ha chôm chôm, trồng mới 2 ha và chăm sóc thâm canh 8 ha ổi lê Đài Loan. Đây là những cây trồng mới đã được người dân trồng thử nghiệm cho thấy phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu ở địa phương, hiệu quả kinh tế cao.

Cùng với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện Cam Lộ chỉ đạo tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng hiệu quả và bền vững. Trong đó, ngoài phát triển đàn dê, nuôi lợn theo mô hình khép kín, nuôi chim trĩ, bồ câu Pháp, cá nước ngọt, huyện tập trung nhân rộng mô hình chăn nuôi bò theo hướng thâm canh. Huyện đã phối hợp với Trường Đại học Nông lâm Huế chọn xã Cam Tuyền là nơi để tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn trồng cỏ, nuôi bò nhốt. Với cách làm này, người dân từng bước khắc phục tình trạng chăn nuôi thả rông, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh, đặc biệt bò sinh trưởng nhanh, mang lại nguồn thu nhập cao và hiện tại mô hình này đã nhân rộng ở nhiều nơi trên địa bàn như các xã Cam Thủy, Cam Thành, Cam Hiếu. Để tiếp sức cho người dân phát triển mạnh phong trào trồng cỏ nuôi bò, ngoài sự hỗ trợ của địa phương, huyện Cam Lộ đã tranh thủ sự tài trợ của tổ chức Chia sẻ Dân sự toàn cầu với tổng số tiền hơn 2,2 tỉ đồng, tạo điều kiện cho 135 hộ nông dân nghèo, hộ nông dân có người khuyết tật được vay vốn để chăn nuôi bò sinh sản, mỗi hộ được vay từ 16 - 18 triệu đồng trong thời gian 3 năm, lãi suất 0,2%/năm.

Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Trần Anh Tuấn nhấn mạnh: Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, những năm qua, huyện Cam Lộ đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề về phát triển các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực, có thế mạnh của địa phương. Đồng thời chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với các xã hướng dẫn người dân các biện pháp thâm canh để tăng năng suất, sản lượng, áp dụng quy trình sản xuất, chăn nuôi an toàn để tăng chất lượng, đẩy mạnh sơ chế, chế biến nhằm tăng giá trị sản phẩm, xây dựng thương hiệu để tăng tính cạnh tranh trên thị trường và liên kết tiêu thụ để tăng doanh số hàng hóa bán ra. Nhờ vậy đã từng bước thay đổi tư duy sản xuất và tập quán canh tác, hướng đến sản xuất hàng hóa tập trung, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm có thế mạnh của địa phương và nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích hoặc một chu kỳ chăn nuôi. Cùng với ổn định diện tích những vùng chuyên canh trồng lúa hơn 3.000 ha, trồng cây công nghiệp với hơn 4.200 ha cây cao su, hơn 400 ha hồ tiêu, 700 ha lạc và gần 17.000 ha rừng, huyện chỉ đạo đưa vào canh tác một số loại cây trồng mới như sắn dây, nghệ, chè vằng, cà gai leo, ngưu tất và một số loại cây ăn quả phù hợp với đất đai, khí hậu. Chăn nuôi phát triển cả về số lượng và chất lượng, gắn với an toàn dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh môi trường. Trên địa bàn đã hình thành được 25 trang trại chăn nuôi tập trung. Toàn huyện đã có 7 sản phẩm nông nghiệp địa phương được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 - 4 sao, chiếm 36,8% sản phẩm OCOP của toàn tỉnh. Nhiều sản phẩm đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, ở các siêu thị cao cấp và đạt nhiều giải thưởng danh giá về chất lượng, tạo cơ sở thực tiễn vững chắc để xây dựng Cam Lộ trở thành vùng tập trung sản xuất, chế biến sản phẩm OCOP và dược liệu trong tương lai. Nhờ đa dạng hóa và chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp đã góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người của huyện Cam Lộ năm 2020 đạt gần 50 triệu đồng, tỉ lệ hộ nghèo còn 2,85%.

Trong giai đoạn 2021-2025, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Cam Lộ lần thứ XVI xác định tiếp tục tạo sự đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Theo đó, hiện nay huyện đang đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng ở nông thôn, chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp phù hợp với đặc điểm sinh thái của từng vùng, hình thành các vùng chuyên canh, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, đổi mới hình thức hợp tác sản xuất, thu hút doanh nghiệp liên doanh, liên kết đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sạch, sản phẩm hữu cơ gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, tiếp tục xây dựng thương hiệu và thương mại cho các sản phẩm đặc trưng, có lợi thế cạnh tranh. Mục tiêu đề ra là tạo vành đai trang trại chăn nuôi và cây ăn quả 2.500 - 3.000 ha, vùng hồ tiêu hữu cơ 500 ha, vùng lạc, rau màu thâm canh 1.200 ha.

Bá Thuần

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=156777&title=cam-lo-tich-cuc-chuyen-doi-co-cau-cay-trong-vat-nuoi