'Cẩm nang' xóa bỏ hủ tục tại thành phố Hà Giang

BHG - Đám cưới không tổ chức linh đình, không thách cưới cao. Đám tang không kéo dài quá 48 giờ; hạn chế tối đa giết mổ gia súc, gia cầm, ăn uống dài ngày; các phường trên địa bàn thành phố “Nói không với vòng hoa, bức trướng”, “Nói không với rải tiền vàng xuống đường”... Đó là những kết quả bước đầu, nổi bật của thành phố Hà Giang trong việc thực hiện Nghị quyết số 27 của BCH Đảng bộ tỉnh về “Thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2022-2025, hướng đến năm 2030”.

Tại thành phố Hà Giang, bên cạnh những phong tục truyền thống tốt đẹp, còn một số phong tục, tập quán không còn phù hợp với xã hội ngày nay, đã biến tướng thành những hủ tục, gây lãng phí thời gian, tiền của, hao mòn sức khỏe của nhân dân, làm mất an ninh trật tự thôn xóm, phá hoại môi trường, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục của dân tộc... Chính vì lẽ đó, ngay khi Nghị quyết 27 được ban hành, BCH Đảng bộ thành phố Hà Giang đã thành lập BCĐ và ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và đặc biệt chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền về về xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của nhân dân các dân tộc, xây dựng nếp sống văn minh trong từng thôn, xóm, tổ dân phố.

Hội thi tuyên truyền “Xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh lần thứ Nhất” tại xã Phương Thiện.

Hội thi tuyên truyền “Xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh lần thứ Nhất” tại xã Phương Thiện.

Kết hợp giữa “xây và chống” trong xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, gắn với gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc các dân tộc là quan điểm chỉ đạo của Đảng bộ thành phố Hà Giang. Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, thành phố Hà Giang đã tổ chức 15 lễ hội truyền thống tại 3 xã Phương Độ, Phương Thiện và Ngọc Đường, như: Lễ hội văn hóa dân tộc Dao thành phố Hà Giang lần thứ nhất, lần thứ hai tại thôn Cao Bành, xã Phương Độ; Lễ hội Bàn Vương tại xã Phương Thiện, Ngọc Đường; Lễ hội cúng Làng, cúng Rừng gắn với việc trồng, bảo vệ rừng; Lễ hội Lồng Tồng tại 3 xã; Lễ phát động xây dựng Nông thôn mới gắn với việc tuyên truyền, vận động xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tại chợ xã Phương Thiện…

Bí thư Đảng ủy xã Phương Thiện, Lê Xuân Mạnh cho biết: “Nhằm đa dạng các phương pháp tuyên truyền, vừa qua xã Phương Thiện đã tổ chức cho ra mắt tập thơ “Hồn quê bản noọng” gồm 45 bài thơ (lời Việt và lời Tày), của 5 nhóm tác giả là Hội viên Hội Nghệ nhân dân gian xã. Nội dung là những vần thơ được phổ sang làn điệu hát Then, hát Cọi, rất gần gũi, dễ hiểu, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong công tác tuyên truyền Nghị quyết số 27 trên địa bàn xã. Qua tập thơ đã góp phần cổ vũ phong trào Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa tại khu dân cư”. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự đồng thuận, đón nhận của người dân, Nghị quyết 27 như làn gió mới mang theo không khí tích cực, vui tươi đến với các bản làng, thôn xóm.

Hát Then trong Lễ hội Lồng Tồng của người Tày, thôn Châng, xã Phương Thiện.

Hát Then trong Lễ hội Lồng Tồng của người Tày, thôn Châng, xã Phương Thiện.

Ông Đàm Văn Bông, đảng viên thôn Lâm Đồng, xã Phương Thiện (Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh) cho biết: “Đồng bào dân tộc Tày, Dao đã sinh sống lâu đời tại xã Phương Thiện. Những phong tục, tập quán, văn hóa, tín ngưỡng đã ăn sâu trong tiềm thức của nhân dân, trong đó có những phong tục, tập quán, những lễ hội là nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào mỗi dân tộc được nhân dân lưu truyền và sử dụng thành thạo như hát Then, hát Cọi, lễ hội xuống đồng, lễ hội Bàn Vương… cần được giữ gìn và phát huy. Tuy nhiên, có những phong tục, tập quán biến tướng thành hủ tục như thách cưới cao, giết mổ nhiều gia súc, gia cầm trong tiệc cưới, việc tang, ăn uống linh đình; lợi dụng việc cúng bái để hành nghề mê tín dị đoan… Người dân ai cũng biết đó là những hủ tục cần loại bỏ, nhưng không ai dám thực hiện trước, bởi những ràng buộc về gia đình, dòng họ, ai cũng sợ bị cô lập. Từ ngày có Nghị quyết 27, cấp ủy, chính quyền xã coi đó như là “cẩm nang” để lãnh đạo, chỉ đạo, còn nhân dân đồng thuận đón nhận và hưởng ứng tích cực”.

Để phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, BTV Thành ủy Hà Giang đã chỉ đạo các chi, Đảng bộ trực thuộc đưa các nội dung thực hiện Nghị quyết 27 vào nội dung sinh hoạt của chi bộ, các đoàn thể và coi đây là nhiệm vụ bắt buộc đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Qua đó đã phát huy được vai trò, trách nhiệm của các Bí thư chi bộ và các tổ chức chính trị-xã hội ở cơ sở, với những kết quả thiết thực, cụ thể. Ông Lý Văn Bậu, Bí thư chi bộ thôn Cao Bành, xã Phương Thiện chia sẻ: “Trước kia khi người Dao có con gái gả chồng thường thách cưới cao, khoảng 80 đồng bạc trắng (trị giá khoảng 80 triệu đồng). Thực hiện Nghị quyết 27, chi bộ và các đoàn thể đã tổ chức họp, đến từng gia đình tuyên truyền hệ lụy của việc thách cưới cao, rằng sau này chính cặp vợ chồng mới cưới sẽ phải “kéo cày” trả nợ cho khoản vay mượn để mua bạc trắng. Nhờ kiên trì tuyên truyền, thuyết phục, đến nay toàn thôn Cao Bành đã hưởng ứng thực hiện, chỉ thách cưới 30 đồng bạc trắng. Cùng với đó, chi bộ, các đoàn thể trong thôn cũng vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu khác. Đồng thời nâng cao ý thức gìn giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, đặc biệt là chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; các chỉ thị, nghị quyết của tỉnh, thành phố, của xã về phát triển KT-XH, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình”.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Bùi Huy Hoàng cho biết: Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 27, các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị đã tích cực triển khai thực hiện nghiêm túc nghị quyết, đã có những cách làm hay, phù hợp với thực tế từng xã, từng thôn, từng dân tộc. Đã tổ chức thành công các hội thảo, hội thi các cấp về tuyên truyền “Xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh” và nhận diện được các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu trong việc cưới, việc tang để lãnh đạo, chỉ đạo, vận động nhân dân từng bước loại bỏ. Cùng với đó, vận động nhân dân tích cực lao động sản xuất, giữ gìn vệ sinh môi trường, tham gia xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh, xóa đói, giảm nghèo bền vững… Qua thực hiện nghị quyết, đời sống của nhân dân từng bước được nâng lên, bà con phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền. Nhiều nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng truyền thống của các dân tộc được bảo tồn và phát huy.

Bí thư Đảng ủy xã Phương Thiện, Lê Xuân Mạnh kiến nghị: “Qua thực tiễn tại cơ sở, để thực hiện nghị quyết tốt hơn nữa, mong rằng Tỉnh ủy, Thành ủy Hà Giang tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, thống nhất các nội dung trên phạm vi toàn tỉnh. Xem xét thành lập tổ khảo sát, soạn thảo để tham mưu cho tỉnh ban hành thống nhất việc nhận diện các hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu cần xóa bỏ. Đồng thời xác định đâu là những giá trị, nét đẹp văn hóa truyền thống cần lưu giữ, bảo tồn và phát huy. Khuyến khích, đặt hàng hoặc hỗ trợ kinh phí cho các nhà thơ, câu lạc bộ thơ ca nghiên cứu, sưu tầm, sáng tác và xuất bản các tập thơ lời Việt, lời Tày, Mông, Dao… để đưa vào tuyên truyền thực hiện nghị quyết; khôi phục lại tiếng nói, chữ viết chuẩn, những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Tày”.

Bài, ảnh: VĂN NGHỊ

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202405/cam-nang-xoa-bo-hu-tuc-tai-thanh-pho-ha-giang-0a77dd0/