Cấm nghệ sĩ, KOLs lệch chuẩn như thế nào cho hiệu quả?
Trao đổi với Zing, PGS TS Bùi Hoài Sơn cho rằng cấm, hạn chế nghệ sĩ, người có tầm ảnh hưởng vi phạm pháp luật là giải pháp phù hợp với bối cảnh hiện nay.
Cấm như thế nào để thiết thực, hiệu quả?
Trao đổi với Zing, PGS TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng nếu các nghệ sĩ lệch chuẩn được phép trình diễn công khai, các nội dung tiêu cực có thể gây hại đến sự phát triển tâm lý và đạo đức của công chúng, đặc biệt là trẻ em, thanh niên.
Bởi thế, cấm, hạn chế nghệ sĩ, người có tầm ảnh hưởng vi phạm pháp luật là giải pháp phù hợp với bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, theo PGS TS Bùi Hoài Sơn, cần đào sâu gốc rễ và vấn đề nhận thức của nghệ sĩ.
"Bên cạnh việc ban hành các bộ quy tắc ứng xử, các nghệ sĩ cần được giáo dục và đào tạo về giá trị đạo đức và văn hóa, giúp họ hiểu rõ hơn về vai trò và trách nhiệm của mình trong việc sáng tạo ra các sản phẩm nghệ thuật và giải trí", ông nói.
Đồng quan điểm, một chuyên gia truyền thông chia sẻ với Zing, về mặt pháp lý, cơ quan chức năng nên đưa ra những biện pháp, chế tài phù hợp. Các chế tài phải có tính nghiêm ngặt, độ răn đe cao. Ví dụ, trước đây có những vụ việc rất lớn nhưng tiền phạt vi phạm nhỏ. Bởi thế, nhiều nghệ sĩ, KOLs dễ bất chấp sai phạm, vì tiền phạt so với lợi nhuận “không đủ nặng”.
Theo chuyên gia, vấn đề cấm sóng cũng nên được làm đồng bộ, triệt để, tránh trường hợp nơi này bị cấm nhưng nơi kia vẫn được mời hay đài truyền hình này cấm, đài kia lại mời. Một người bị hạn chế các hoạt động nên được thực hiện trong phạm vi rộng, không nên xử lý cục bộ hoặc một khu vực, dễ khiến họ không tuân thủ nghiêm.
"Trong khi đó, các cơ quan truyền thông, các nền tảng mạng xã hội cũng nên có định hướng rõ ràng, lên án nghệ sĩ, KOLs sai phạm để nâng cao ý thức cộng đồng", chuyên gia nhấn mạnh.
Vì sao nghệ sĩ bị phản ứng mạnh vẫn có nhiều lời mời biểu diễn?
Có nhiều trường hợp, các nghệ sĩ vi phạm đạo đức, pháp luật nhưng vẫn có lời mời biểu diễn, gây ồn ào. Đây cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm.
PGS TS Bùi Hoài Sơn nêu quan điểm: "Nhiều người xem sản phẩm của các nghệ sĩ như một loại hàng hóa trong ngành công nghiệp giải trí. Việc có scandal có thể tăng sự chú ý và tạo ra hiệu ứng quảng cáo miễn phí cho các nghệ sĩ này, giúp họ thu hút thêm sự quan tâm của khán giả".
Đo lường trên khía cạnh giá trị truyền thông, độ tiếp cận của những người vướng scandal thường rất cao. Do đó, về mặt tác động, những ồn ào đôi khi lại có hiệu quả quảng bá. Bởi thế, càng được chú ý thì nghệ sĩ vướng scandal càng được mời ở một số loại sự kiện.
"Các đơn vị tổ chức sự kiện vẫn muốn mời các nghệ sĩ nổi tiếng, dù cho họ có gặp phải scandal hay không, bởi vì họ có thể thu hút đông đảo khán giả và mang lại lợi nhuận cho tổ chức", PGS.TS Bùi Hoài Sơn phân tích.
Trong khi đó, theo nhiều chuyên gia truyền thông, trong phạm vi biểu diễn, việc nghệ sĩ nhận được show có thể còn đến từ mối quan hệ riêng của nghệ sĩ. Có thể vì nể nang, vì tiền bạc hoặc một vài yếu tố khác, họ xuất hiện hoặc được mời. Thậm chí, vài trường hợp nghệ sĩ scandal chấp nhận biểu diễn không cát-xê. Đó là hệ thống chằng chịt nhiều mối quan hệ.
Ngoài ra, nhiều nghệ sĩ có mong muốn chuộc lỗi, sửa lỗi, sợ bị lãng quên hoặc mong muốn kiếm tiền,... họ nhận show với giá thấp để có thể được mời nhiều trở lại.
Cuối cùng, do sự phản ứng của công chúng và cộng đồng mạng có thể chỉ là tạm thời, không kéo dài. Khi sự việc đã được quên đi hoặc giảm nhiệt, các nghệ sĩ này có thể trở lại hoạt động một cách bình thường.
"Bởi thế, các cơ quan chức năng cần xem xét nhiều yếu tố, kể cả đo lường quảng cáo, việc tiếp cận, kinh doanh của các nhãn hàng và các show diễn để đưa ra những điều luật phù hợp. Ai cũng có thể sửa sai và trở lại, nghệ sĩ vướng scandal cũng vậy nhưng cũng cần tránh tình trạng nghệ sĩ càng bị tẩy chay lại càng đắt show", chuyên gia truyền thông nhận định.