Cảm nghĩ về những hoạt động cách mạng của Bác Hồ tại Hong Kong (Trung Quốc)
Nhân kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023) và trong không khí toàn Đảng, toàn dân ta đang đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phóng viên TTXVN tại Hong Kong (Trung Quốc), đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Bình Đàm, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Hong Kong, lắng nghe ông chia sẻ cảm nghĩ về những hoạt động cách mạng của Bác Hồ kính yêu tại mảnh đất này hơn 90 năm về trước.
Đầu năm 1933, Bác Hồ (với bí danh Tống Văn Sơ) đã thoát khỏi nhà tù của thực dân Anh tại Hong Kong, vượt qua những năm tháng sóng gió nhất của cuộc đời cách mạng để trở về tiếp tục hoạt động phụng sự Tổ quốc, nhân dân. Để có kết quả này, ngoài những nỗ lực to lớn của Bác thì sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế là rất quan trọng, cụ thể ở đây là vợ chồng luật sư Loseby và những người bạn. Một trong số đó là bà Stella Benson, phu nhân của quan Phó Thống đốc Hong Kong Thomas Southon.
Sự giúp đỡ của bà Stella Benson đối với Bác bắt nguồn từ việc trong những ngày đầu giam giữ, Bác bị bọn quản lao đối xử rất tồi tệ. Luật sư Loseby cùng vợ tìm đủ mọi cách để chăm sóc Người. Bà Stella Benson, phu nhân của quan Phó Thống đốc Hong Kong Thomas Southon là người bạn của vợ chồng luật sư Loseby, nghe kể chuyện và thấy bạn mình giàu lòng ưu ái đối với Bác như vậy, bà Benson cũng động lòng mà theo vào thăm người tù kỳ lạ này ở trong nhà lao.
Qua tiếp xúc với Bác, bà Benson rất khâm phục “tài nói tiếng Anh và thái độ lịch thiệp” của Bác. Trở về nhà, bà Benson liền hỏi chồng: “Tại sao lại bỏ tù một con người có văn hóa như vậy, mà đó lại là người ngoại quốc?”. Ông Thomas Southon trả lời là do lệnh của quan Thống đốc. Bà đề nghị chồng mình đến nhà lao để làm quen với người Việt Nam Tống Văn Sơ này. Quả là đối với ông Phó Thống đốc cũng như các chính khách người Anh ở đây, Bác đã để lại trong họ những ấn tượng tốt đẹp. Thế rồi phu nhân Phó Thống đốc và vợ luật sư Loseby đã cùng đến vận động ông William Peel và nói với vị Thống đốc này không nên nghe theo những người ngoài mà xử tệ với Bác. Đây là những tiền đề quan trọng giúp cho quá trình xét xử Bác diễn ra thuận lợi và buộc thực dân Anh phải trả lại tự do cho Bác rời Hong Kong.
Ông Phạm Bình Đàm cho biết những ấn tượng Bác Hồ để lại cho người tiếp xúc đã tạo thiện cảm và sự ủng hộ của họ đối với Bác. Ấn tượng của những người công tác trong ngành ngoại giao về Bác là nhà hoạt động ngoại giao xuất sắc trong thực tiễn và là Người tạo ra trường phái Ngoại giao Hồ Chí Minh đặc sắc, toàn diện với tầm tư duy chiến lược và tư tưởng đổi mới.
Đối với những cán bộ ngoại giao hiện nay cần luôn ghi nhớ và làm theo những lời căn dặn của Bác: “Do ta làm ngoại giao chưa được bao lâu nên cái gì đối với ta cũng mới, do trình độ văn hóa và tri thức ngoại giao của chúng ta còn hạn chế nên người làm công tác ngoại giao phải cố gắng nhiều. Chỉ có qua học tập, qua sự cố gắng của từng cá nhân và cả ngành thì công tác ngoại giao mới đáp ứng nhu cầu của đất nước” vì chính bản thân Người là một tấm gương về tinh thần học tập, trong đó có học ngoại ngữ cũng như tìm hiểu phong tục tập quán của sở tại.
Theo ông Phạm Bình Đàm, thực hiện được những lời căn dặn rất cụ thể, giản dị mà lại vô cùng sâu sắc, và vẫn mang tính thời sự nóng hổi này của Bác, chính là thiết thực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Từ đó có những đóng góp vào công cuộc đổi mới xây dựng đất nước và bảo vệ vững chắc tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại như Nghị quyết của Đảng đã đề ra.