Cảm nhận của người dân về dấu mốc 15 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô
Hôm nay (1/8), đánh dấu sự kiện chính trị quan trọng với Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Thành phố kỷ niệm 15 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô theo Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12. Đây là quyết định mang ý nghĩa lịch sử, thể hiện tầm nhìn chiến lược, mở ra thời kỳ phát triển mới cho Hà Nội. 15 năm qua, quy mô kinh tế, kết cấu hạ tầng, đời sống, thu nhập của người dân đều đạt được những kết quả vượt bậc. Tại thời khắc đặc biệt, phóng viên báo Lao động Thủ đô đã có các cuộc trao đổi với người dân về cảm nghĩ của họ trước sự kiện này, để thêm minh chứng tính đúng đắn cũng như thành quả Nghị quyết 15 mang lại.
Ông Phan Quang Bính (xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội): Diện mạo nông thôn thực sự đã có những đột phá
Thường Tín là huyện ngoại thành phía Nam Thủ đô Hà Nội, vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa với nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển. Tôi cho rằng, sau 15 năm sáp nhập địa giới hành chính về với Thủ đô Hà Nội, diện mạo huyện Thường Tín có chuyển biến rõ nét. Nhiều dự án được đầu tư xây dựng cả về hệ thống cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm; các công trình phúc lợi xã hội khác, đã đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện Thường Tín nói riêng, của Thủ đô Hà Nội nói chung.
Thực tế đã khẳng định tính đúng đắn, giá trị lịch sử, ý nghĩa thực tiễn, lâu dài của chủ trương mở rộng địa giới hành chính đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội mang tính bền vững trong tương lai.
Tại huyện Thường Tín, từ khi sát nhập, nhiều làng nghề truyền thống tiêu biểu như: Tiện gỗ ở Nhị Khê; bánh dày ở Quán Gánh (xã Nhị Khê); sơn mài ở Duyên Thái; thêu ở Quất Động; điêu khắc ở xã Hiền Giang; xương sừng Thụy Ứng, xã Hòa Bình; bông len ở Trát Cầu, xã Tiền Phong; mộc cao cấp ở Vạn Điểm; sinh vật cảnh ở Hồng Vân; cây cảnh ở Vân Tảo… đã có điều kiện phát triển hơn. Những năm qua, các làng nghề truyền thống phát triển mạnh mẽ đã góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn trên địa bàn huyện Thường Tín, đời sống người lao động từng bước được nâng cao, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động… góp phần quan trọng đối với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Công tác xây dựng nông thôn mới, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đạt kết quả tích cực, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, khang trang. Thường Tín là một trong những huyện của Thành phố sớm được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Đến nay, huyện đã có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và có xã Hồng Vân đủ điều kiện trình Thành phố công nhận nông thôn mới kiểu mẫu. Nhiều xã điều kiện kinh tế khó khăn nhưng tỏ rõ sự quyết tâm phấn đấu rút ngắn thời gian về đích nông thôn mới kiểu mẫu.
Đặc biệt, mới đây, khi huyện Thường Tín là một trong các địa phương của Hà Nội có dự án đường Vành đai 4 đi qua, đã tiến hành khởi công. Người dân chúng tôi càng kỳ vọng sự thay đổi về diện mạo hạ tầng quê hương, góp phần phát triển kinh tế ra bên ngoài.
Chị Vũ Thị Liên (Đài Truyền thanh huyện Chương Mỹ): Dấu mốc để tạo ra chặng đường phát triển
Thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII về điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, từ ngày 1/8/2008, huyện Chương Mỹ trở thành 1 trong 30 đơn vị hành chính thuộc Thành phố. Sau 15 năm hợp nhất, Hà Nội đã có những bước phát triển to lớn xứng đáng với niềm tin yêu, sự kỳ vọng mà Đảng, Nhà nước và đồng bào cả nước đã trao gửi. Trong niềm vui chung ấy, huyện Chương Mỹ đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Trong niềm vui chung của Thủ đô Hà Nội, sau 15 năm về Thủ đô, được sự quan tâm đầu tư của Thành phố cùng các cấp, các ngành, Chương Mỹ đã có những chuyển biến toàn diện trên các mặt công tác và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Kinh tế phát triển, đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên, an ninh - quốc phòng ổn định, vững chắc.
Nếu như năm 2008 tổng giá trị sản xuất toàn huyện Chương Mỹ chỉ đạt 6.766 tỷ đồng, thì đến năm 2022, tổng giá trị sản xuất của huyện đạt 31.116 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 8,8 triệu đồng năm 2008, lên 68,5 triệu đồng/người/năm, năm 2022. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp.
Đặc biệt, từ một huyện chưa có xã nào đạt chuẩn nông thôn mới (năm 2008) đến nay, huyện Chương Mỹ có 30/30 xã đạt chuẩn nông thôn mới, huyện đã được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020; đến hết năm 2022 huyện có 5 xã về đích nông thôn mới nâng cao. Năm 2023, huyện tập trung chỉ đạo 6 xã phấn đấu được công nhận xã nông thôn mới nâng cao và xã Thủy Xuân Tiên phấn đấu được công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Bên cạnh đó, công tác văn hóa - thông tin, thể dục thể thao của huyện sau 15 sáp nhập địa giới hành chính có nhiều tiến bộ; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số được triển khai đồng bộ, tích cực, hiệu quả. Huyện Chương Mỹ đã triển khai thực hiện Nghị quyết về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn huyện Chương Mỹ giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; triển khai thực hiện Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”; kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 18 của Thành ủy về “Chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn huyện. Các hoạt động về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử được quan tâm chỉ đạo triển khai đồng bộ, tích cực, hiệu quả…
Có thể khẳng định, 15 năm qua cùng với sự quan tâm, lãnh đạo, tạo điều kiện thuận lợi của thành phố Hà Nội là sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu quyết tâm không ngừng vượt qua mọi khó khăn của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện. Đặc biệt là tinh thần đoàn kết, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, năng động, sáng tạo của tập thể lãnh đạo huyện, để đưa huyện Chương Mỹ có những bước chuyển mình mạnh mẽ, sánh vai với các quận, huyện của Thủ đô, xứng đáng với truyền thống của quê hương anh hùng và tô đẹp thêm vùng đất cửa ngõ phía Tây Nam của Thủ đô Hà Nội.
Anh Nguyễn Quang Hinh (Bí thư chi đoàn thôn Thượng 1, xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội): Kết cấu hạ tầng càng ngày càng hiện đại, tính kết nối cao
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12, của Quốc hội, tôi nhận thấy rằng, huyện Mỹ Đức đã tích cực khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất trên tất cả các lĩnh vực. Kết quả phát triển kinh tế, xã hội của huyện đến năm 2022 đã đạt được một số kết quả đáng chú ý như: Duy trì tăng trưởng kinh tế đạt mức cao; cơ cấu kinh tế vẫn tiếp tục có sự chuyển dịch mạnh; sản xuất tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản đảm bảo tiến độ chất lượng công trình; công tác chỉnh trang đô thị và vệ sinh môi trường có nhiều đổi mới, khu trung tâm huyện luôn đảm bảo khang trang, sạch sẽ…
Điển hình như, công tác quản lý và duy trì vệ sinh từ huyện đến cơ sở được quan tâm chú trọng. Trong những năm qua, huyện đã triển khai xây dựng hệ thống chiếu sáng tại các khu trung tâm các xã, thị trấn, tuyến đường trục chính trên địa bàn huyện. Duy trì, vận hành và cải tạo, sửa chữa hệ thống đèn led chiếu sáng đô thị trên các tuyến phố thị trấn Đại Nghĩa. Xây dựng công trình công viên cây xanh thị trấn Đại Nghĩa, rộng 5,0 ha và vườn hoa bờ sông Đáy trên địa bàn thị trấn Đại Nghĩa. Thường xuyên chỉ đạo các lực lượng chức năng và UBND thị trấn Đại Nghĩa thực hiện quản lý và đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường khu vực vườn hoa bờ Sông Đáy trên địa bàn thị trấn Đại Nghĩa…
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng của huyện phát triển đột phá, tạo đà cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân cơ bản được cải thiện và phát triển. Đặc biệt, trong 15 năm qua, huyện Mỹ Đức đã mở được nhiều lớp dạy nghề, tạo được nhiều việc làm mới cho người lao động, thúc đẩy sản xuất phát triển; thực hiện tốt các chính sách xã hội, giảm nghèo bền vững. Sự nghiệp văn hóa - giáo dục, y tế cũng có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân từng bước được nâng lên.
Tôi hi vọng rằng, phát huy những thành tựu đã đạt được, trong thời gian tới, chính quyền và nhân dân trong huyện sẽ đồng lòng, chung tay xây dựng huyện Mỹ Đức, Thủ đô Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại.
Anh Nguyễn Minh Chung (phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội): Quyết định lịch sử để Thủ đô phát triển xứng tầm
Khu nhà tôi nằm sát vành đai 2 nên tôi chứng kiến rất rõ sự đổi thay của nơi đây từ khi Thành phố hoàn thành và tổ chức thông xe đường Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - cầu Vĩnh Tuy, thực tế cho thấy các công trình hạ tầng giao thông khi bám sát đúng tiến độ và đưa vào hoạt động đã góp phần không nhỏ vào công cuộc chung xây dựng Thủ đô Hà Nội văn minh, xanh, sạch, đẹp. Ngày 1/8/2008, thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội khóa XII, Hà Nội chính thức hợp nhất với tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã thuộc huyện Lượng Sơn, tỉnh Hòa Bình. Quyết định lịch sử này đã tạo cho Hà Nội những điều kiện phát triển mới, xứng tầm với vị trí Thủ đô.
Thủ đô Hà Nội hôm nay đã có một diện mạo tươi đẹp, hiện đại, năng động nhưng vẫn giữ được những giá trị truyền thống văn hóa lịch sử trường tồn của đất Thăng Long nghìn năm văn hiến.
Không chỉ nổi bật với các công trình mới, đi cùng lịch sử, những di tích mãi trường tồn trong lòng Hà Nội, trở thành những điểm đến nổi bật tạo nên nét quyến rũ khó cưỡng như Đàn Xã tắc được quy hoạch gọn gàng nằm giữa lòng Phố Thị, hay các ngôi chùa như chùa Một Cột xây lần đầu năm 1049, chùa Láng từ thế kỷ XII, chùa Quán Sứ, chùa Kim Liên xuất hiện vào thế kỷ XVII… đều là những nét chấm phá để thể hiện một Hà Nội hiện đại nhưng không kém phần cổ kính.
Tôi tin tưởng rằng, Hà Nội sẽ phát huy truyền thống vẻ vang, những danh hiệu cao quý được cả nước và bạn bè thế giới tôn vinh, phấn đấu không ngừng để dẫn đầu, trở thành tấm gương cho cả nước noi theo; xứng đáng là Thủ đô anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng.
Chị Nguyễn Thu Huyền (xã Lại Yên, huyện Hoài Đức, Hà Nội): Điều quan trọng người dân được thụ hưởng từ sự phát triển mang lại
Thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội, từ ngày 1/8/2008, Hoài Đức quê hương tôi chính thức trở thành một huyện thuộc thành phố Hà Nội. 15 năm qua, cùng với niềm phấn khởi, tự hào được là công dân của Thủ đô, chúng tôi thật sự vui mừng khi chứng kiến sự đổi thay, phát triển của quê hương mình, hòa nhập với sự phát triển của Thành phố, kéo theo đó, mức sống, chất lượng cuộc sống của người dân cũng được nâng lên.
Thay vì những con đường gạch, đường đất sình lầy năm xưa, giờ đây, hầu hết các tuyến đường trên địa bàn huyện đều đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đồng bộ với hệ thống chiếu sáng, đảm bảo kết nối với trung tâm hành chính các xã trên địa bàn huyện và các huyện lân cận. Trước đây, người dân phải sử dụng nước giếng đào, giếng khoan trong sinh hoạt, thì giờ đây, chúng tôi được sử dung nước sạch. Qua thông tin báo chí, tôi được biết là 100% các xã, thị trấn của huyện Hoài Đức đều có hệ thống cung cấp nước sạch, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt 92%...
Trước đây, khái niệm nhà văn hóa, trung tâm văn hóa khá xa lạ với người dân Hoài Đức, nhưng hiện nay, huyện có 1 khu trung tâm văn hóa - thể thao huyện, cùng với đó, nhiều trung tâm văn hóa xã cũng như nhà văn hóa thôn, tổ dân phố, nhà sinh hoạt cộng đồng của tổ dân phố dần dần được thành lập, là nơi người dân giao lưu văn hóa văn nghệ, đọc sách, sinh hoạt cộng đồng từ đó nâng cao nhận thức, hiểu biết, đời sống văn hóa, đời sống tinh thần.
Cùng với nhiều khu đô thị mới được xây dựng tạo cho Hoài Đức bộ mặt khang trang, hiện đại, xanh - sạch - đẹp, Hoài Đức còn có nhiều tuyến đường giao thông lớn như đường vành đai 3,5; đường Đại Lộ Thăng Long… đi qua. Đặc biệt mới đây, Hoài Đức vinh dự được đón Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội về khởi công xây dựng đường Vành đai 4 - Dự án quan trọng, có nhiều lợi ích không chỉ với Thủ đô mà còn với vùng kinh tế Bắc bộ và Vùng Thủ đô. Với sự kiện này, người dân chúng tôi càng kỳ vọng sự thay đổi về diện mạo hạ tầng quê hương, góp phần phát triển kinh tế ra bên ngoài.
Còn rất nhiều những đổi thay của Hoài Đức quê hương tôi cũng như nhiều địa phương khác thuộc vùng mở rộng của Thủ đô trong 15 năm qua mà thật khó có thể kể ra hết được, song nói gọn lại là tôi cũng như nhiều người dân Hoài Đức luôn phấn khởi, tự hào khi được là công dân Thủ đô và thấy niềm tin mà mình khởi lên từ ngày Hà Nội mở rộng địa giới hành chính là hoàn toàn đúng đắn, chính xác, rằng chủ trương mở rộng địa giới hành chính của Thủ đô có ý nghĩa thực tiễn, lâu dài và mang tính bền vững trong tương lai. Chủ trương này mang lại lợi ích cho Thành phố, cho đất nước và người hưởng lợi đầu tiên là chính những người dân.