Cảm nhận cuộc sống trọn vẹn

Đối diện với các tác động tiêu cực do lạm dụng mạng xã hội, một bộ phận giới trẻ hình thành xu hướng 'lowkey movement' - hướng đến sự tối giản, kín đáo trên các cộng đồng trực tuyến

Gần đây, Nguyễn Xuân Yến Nhi - sinh viên Trường Đại học RMIT Việt Nam, ngụ TP HCM - ưu tiên dành thời gian nhiều hơn cho gia đình, bạn cũng như tìm kiếm cho bản thân những trải nghiệm mới.

Thoát khỏi "thế giới ảo"

Ngoài nhu cầu kết nối, giữ liên lạc thì không ít người nghiện mạng xã hội (MXH) chỉ vì muốn gây sự chú ý và được người khác công nhận. Đây là hội chứng FOMO (viết tắt từ "fear of missing out" - cảm giác lo sợ bị bỏ lỡ các tin tức, xu hướng nổi bật…). Yến Nhi cũng từng rơi vào hoàn cảnh như vậy khi xem MXH là một phần không thể thiếu và dành hàng giờ liên tục cập nhật thông tin, hình ảnh ở trang cá nhân. Khi nhận ra mặt trái của MXH, Yến Nhi quyết tâm thay đổi. Thay vì đắm chìm trong không gian số, Yến Nhi ưu tiên tương tác trực tiếp với bạn bè, người thân và đồng nghiệp. Bên cạnh đó, Yến Nhi cũng chú trọng rèn luyện thể chất thông qua việc tập yoga và tham gia các hoạt động ngoại khóa ở trường. "Tôi muốn cảm nhận cuộc sống mỗi ngày sinh động, trọn vẹn hơn là để ý đến những bình luận vô bổ" - Yến Nhi tâm sự. Cô cũng dần bỏ được thói quen dùng điện thoại chụp mọi lúc, mọi nơi, tỉ mỉ chỉnh sửa, sau đó đăng lên trang cá nhân và chờ đợi sự tương tác. Những phút giây đáng nhớ giờ đây được lưu giữ bằng máy ảnh phim, từng tấm ảnh mộc mạc vẫn đem lại cảm xúc tròn đầy.

ThS Huỳnh Hồ Đại Nghĩa, giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP HCM, cho biết: Ở các quốc gia phát triển, trào lưu "lowkey movement" khá rõ nét trong giới trẻ. Xu hướng này phản ánh sự thay đổi trong cách tiếp cận của họ với MXH và cuộc sống số. Ở Mỹ, Nhật Bản và một số nước châu Âu, nhiều bạn trẻ hạn chế sự hiện diện trên MXH hoặc chỉ "bật mí" những gì thật sự cần thiết. Họ chuyển từ chia sẻ liên tục mọi khía cạnh đời sống sang tập trung vào các cột mốc quan trọng. Nhiều người sử dụng tài khoản ẩn danh hoặc chỉ trao đổi với nhóm nhỏ thân thiết. Họ ít đầu tư công sức gây ấn tượng trên MXH mà dành thời gian bên người thân, các hoạt động thể chất hoặc sáng tạo như thiền định, đọc sách và các câu lạc bộ, sinh hoạt tập thể.

Ths Huỳnh Hồ Đại Nghĩa cho biết: "Nhiều người trẻ ở các quốc gia phát triển chuyển sang sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội mang tính chất riêng tư hơn như Discord, Telegram, hoặc các nhóm kín trên Facebook. Điều này cho phép họ duy trì kết nối mà không phải đối diện với những sự chú ý không mong muốn".

Ths Huỳnh Hồ Đại Nghĩa cho biết: "Nhiều người trẻ ở các quốc gia phát triển chuyển sang sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội mang tính chất riêng tư hơn như Discord, Telegram, hoặc các nhóm kín trên Facebook. Điều này cho phép họ duy trì kết nối mà không phải đối diện với những sự chú ý không mong muốn".

Tìm lại chính mình

Với Nguyễn Thị Xuân Ngọc (23 tuổi, giáo viên trường nhạc, quê Đà Lạt), "lowkey moment" giúp cô thấy an toàn và thoải mái, có thì giờ trau dồi kỹ năng mới, vun bồi hành trang tương lai. Ngọc ước mơ trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp và kiên trì rèn luyện. Vì ít lạm dụng MXH nên Ngọc có thể dồn sức vào việc nâng cấp bản thân. "Chứng kiến thành công của người khác trên mạng có khi vô tình gây áp lực, khiến chúng ta tự ti và hoài nghi về bản thân" - Ngọc chia sẻ. Lúc rảnh rỗi, cô tranh thủ luyện đàn. Bí quyết tránh xao lãng của cô là mua một cuốn lịch, đặt ở nơi dễ thấy. Sau khi hoàn thành một công việc, Ngọc tô màu đánh dấu trên lịch. Cứ vậy, nếu cả tuần phủ kín màu, Ngọc tự thưởng cho mình một món quà, hào hứng bước qua tuần mới. "Ai nấy đều có lộ trình phát triển riêng và không ai hoàn hảo nên mỗi cá nhân cần có mục tiêu phù hợp. Để không nản lòng, mỗi cá nhân phải biết trân quý những nỗ lực của mình" - Ngọc nói.

Xuân Ngọc muốn tận hưởng cuộc sống đa sắc màu hơn là bị chi phối thời gian vì cơn “nghiện” mạng xã hội

Xuân Ngọc muốn tận hưởng cuộc sống đa sắc màu hơn là bị chi phối thời gian vì cơn “nghiện” mạng xã hội

Tùy thuộc cá tính, sở thích và tính chất công việc của mỗi người mà "lowkey moment" có ý nghĩa riêng. Song nhìn chung, xu hướng này giúp bạn trẻ giữ sự riêng tư, chỉ tập trung vào các định hướng chính mà không bị các tiêu chuẩn của "cư dân mạng" làm phân tâm. Khi không mất nhiều cảm xúc và năng lượng cho thế giới ảo thì càng xây dựng các mối quan hệ bên ngoài một cách chân thật, sâu sắc.

Duy trì kết nối lành mạnh

ThS Vũ Hải Trường, Giám đốc tuyển sinh Chương trình Đại học - Đại học Hồng Kông tại Việt Nam, lưu ý: Hạn chế lên mạng, chủ động loại trừ các phiền nhiễu không có nghĩa là hoàn toàn "đóng cửa", thờ ơ với thực tế xã hội. Trong các tình huống cần thiết, người dùng MXH vẫn nên bày tỏ quan điểm cá nhân, dũng cảm bảo vệ lẽ phải và người tốt. Theo ông, xu hướng sống kín đáo trên mạng của một bộ phận giới trẻ có thể làm mất sự cân bằng trong kết nối giữa những người hay tham gia thảo luận và những người "ở ẩn", khiến tiếng nói của những người "lowkey" lâu ngày trở nên yếu ớt hơn. "Đặc biệt, khi xảy ra các hiện tượng tiêu cực trên không gian mạng như bắt nạt tập thể, tin tức giả mạo... thì càng cần sự phản biện mạnh mẽ để đẩy lùi cái xấu" - ông Hải Trường nhấn mạnh.

Ths Nguyễn Việt Anh (đứng) cho rằng bạn trẻ không nên dừng hẳn việc kết nối mà khuyến khích xây dựng các kết nối có ý nghĩa.

Không có công thức chung cho tất cả người dùng MXH, ThS Nguyễn Việt Anh - cán bộ điều phối truyền thông, Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh London (Vương quốc Anh) - cho rằng "lowkey" sẽ mang lại lợi ích cho sức khỏe và đời sống tinh thần của người trẻ nếu họ biết tìm điểm cân bằng linh hoạt. Ông nhận định: "Bằng cách ưu tiên chất lượng hơn số lượng tương tác xã hội, bạn trẻ có thể duy trì các kết nối lành mạnh mà không cảm thấy bị choáng ngợp bởi những đòi hỏi, áp lực của cuộc sống trực tuyến".

Bài và ảnh: Trương Kim Phương

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cam-nhan-cuoc-song-tron-ven-196240817213519576.htm