Cảm nhận nhân tình trong Bến thiêng

Nếu không phải là nhân tình có lẽ cuộc chiến chống Pháp của người Bru Makong không thể chiến thắng. Nếu không có nhân tình thì mối nhân duyên của người Thượng với người Kinh đã chẳng thành. Và nếu không có nhân tình, người ta sẽ chẳng đủ rộng lượng, để nhìn nhận, đánh giá một vấn đề trước những hiểu lầm, cũng chẳng đủ niềm tin để vượt qua những khó khăn thử thách. Đó là tinh thần của cuốn tiểu thuyết Bến thiêng của nhà văn Trần Hữu Đạt.

Bến thiêng được tác giả Trần Hữu Đạt đặt vào bối cảnh của người Bru Makong trong giai đoạn đầu, khi người Pháp bước đầu tới xâm lược nước ta. Ở nơi núi rừng bao la, câu chuyện của người bản chỉ biết đi rừng, săn thú, trai gái đi sim đi hát khi tới thì, cách kiếm cái ăn trong rừng, các làm nương, làm rẫy để no cái bụng. Thế nhưng, sự có mặt của người Pháp buộc người Bru Makong phải thay đổi, phải tìm cách để giữ đất, giữ rừng của mình.

Tiểu thuyết là tầng lớp tuyến nhân vật trong hành trình chống Pháp ấy. Từ ông Krai Sung, một già làng được người dân Bru Makong kính trọng, dũng cảm lấy thân cản người Pháp để bảo vệ người làng tới vợ chồng Thoong Mây và Hơ Ling, con gái và con rể của Krai Sung tiếp nối hành trình chống Pháp, đưa ra quyết định tin Việt Minh và cùng Việt Minh chống Pháp, cho tới Châu, anh bộ đội chân chất, đầu mối liên lạc giữa người Kinh và người Thượng làm lên chiến thắng, giữ chặt vùng Bến Thiêng.

Người Pháp đến mang theo sự ồn ào hỗn loạn đó là tiếng súng, đó là tiếng nói không ai hiểu gì vào một buổi sáng, khi cả bản vẫn đang mờ sương. Chúng đến phá làng còn hơn lũ khỉ phá nương rẫy. Chúng đánh đập người làng, cướp đi tính mạng của già làng Krai Sung, chúng nói xấu Việt Minh. Chúng tuyên truyền rằng Việt Minh xấu lắm, khi người bản còn chưa biết Việt Minh là cái gì, là ai.

Tuy nhiên, bằng cách hiểu đơn giản, chưa biết Việt Minh xấu thế nào, nhưng Việt Minh chưa nhổ củ khoai, củ sắn nào của bản, còn người Pháp thì giết người của bản. Bằng niềm tin ấy mà người Bru Makong đã cùng người bản Moong hợp lực tìm cách cứu bản, cứu lấy những đứa trẻ đang không có gì ăn, cứu lấy ngôi làng đã bị Pháp đốt trong biển lửa, cứu lấy những bó ngô đã mất công phơi đượm nắng.

Cũng bằng lối tư duy ấy mà niềm tin mà khi Hơ Miêng, người con gái của núi rừng đã một mực không tin Châu thay đổi biến chất, dù rằng ở cách xa nhau tới vài ngọn núi.

Cuốn tiểu thuyết đã vẽ lên tấm chân tình cao thượng giữa người Kinh và người Thượng, giữa người dân với người lính cụ Hồ. Chỉ cần có niềm tin, những tấm nhân tình sẽ được dệt. Suy cho cùng tất cả nhân vật trong cuốn tiểu thuyết chỉ là người dưng, thế nhưng cách ứng xử lại như ruột thịt trong nhà. Từ chuyện hợp lực cùng nhau bắt hổ dữ hại dân tới chuyện Chuẩn bị sốt rét thập tử nhất sinh. Tất cả cùng đau cái đau như của mình.

Cuốn tiểu thuyết đặc quánh ngôn ngữ của vùng dân tộc thiểu số, rất riêng nhưng lại rất dễ chịu bởi lòng chân thành, chất thật thà và nét văn hóa độc đáo ăn sâu trong ý nghĩ. Đó cũng có thể thấy cái tài quan sát và cái tâm, trách nhiệm của tác giả với trang văn của mình.

Ngoài ra, ở đó còn thể hiện những nét độc đáo văn hóa rất riêng biệt của một đồng bào dân tộc thiểu số ở nước ta. Từ nết đi rừng, tới tục làm lễ cưới, tục đi sim của gái trai trong bản, v.v...

Cuốn tiểu thuyết không quá cầu kỳ trong cách thể hiện cấu trúc nhưng lại sâu sắc trong thể hiện tư tưởng cao đẹp. Cao cao đẹp ấy cũng chính là hồn cốt của người đồng bào Bru Makong nói riêng và dân tộc thiểu số nói chung.

Gấp cuốn sách lại, độc giả sẽ thấy nhẹ lòng khi những khúc mắc được giải quyết một cách thỏa đáng và đầy nhân văn.

Cát Lâm- Phụng Thiên

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/cam-nhan-nhan-tinh-trong-ben-thieng-a20990.html