Cảm phục những giáo viên 'bám bản' ở vùng cao
Không điện, không nước, điểm trường Huổi My hiện không có nhà công vụ cho giáo viên. Phòng ở đang phải ghép với phòng học bằng gianh, căng bạt tứ phía, bữa ăn cũng đạm bạc.
Theo sự dẫn đường của thầy Giàng A Lử, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sam Kha (xã Sam Kha, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La), chúng tôi tìm đến ba điểm trường lẻ: Pú Sút, Huổi Phô và Huổi My.
Đi từ trung tâm trường trên đoạn đường hàng chục km gập ghềnh đá sỏi, bên núi bên vực, chúng tôi phần nào hiểu được nỗi vất vả của những thầy cô cắm bản. Trong số các thầy cô cắm bản, có người đã ở đây hơn 20 năm và cũng có người vừa mới ra trường.
Trường Tiểu học Sam Kha có 6 điểm trường lẻ với hơn 500 học sinh và 34 biên chế giáo viên, trong đó có 4 giáo viên người Mông, một người Mường, một người Kinh, còn lại là giáo viên người Thái.
Đường đi lại hiểm trở, tất cả thầy cô đều ở lại điểm trường đến cuối tuần mới về nhà. Thầy Giàng A Lử cho hay, trước đây chưa có đường, các thầy cô phải đi bộ cả buổi mới tới điểm trường, cả tháng mới về nhà.
Đến lúc đi được xe máy, đường hẹp, có thể trượt xuống nương bất cứ lúc nào. Khi cầu treo bị hỏng, sập, phải dắt xe qua suối, hỏng săm, thủng lốp… là chuyện bình thường.
Hàng ngày, muốn học sinh đi học đầy đủ, các thầy cô dậy sớm, đến từng nhà chở các em tới trường. Vào mùa mưa, mùa gặt hay sau Tết, học sinh bỏ học nhiều. Đến khi lên lớp, đa phần giáo viên là người Thái mà học sinh ở 9/10 bản tại xã Sam Kha là người Mông nên việc dạy và học rất khó khăn.
Vượt lên chính mình, các thầy cô nỗ lực học nói tiếng địa phương để giao tiếp với học sinh. Những gì các em chưa hiểu, chưa rành, ngoài tiếng phổ thông, thầy cô dùng tiếng địa phương giảng giải và chỉ bảo thêm.
Năm học 2017 – 2018, tại điểm trường Pú Sút, ngoài dạy đại trà hai buổi ngày cho học sinh bản Pú Sút và Ten Lán, điểm trường còn tổ chức hai lớp xóa mù chữ vào buổi tối cho hơn 60 học viên từ già đến trẻ.
Các thầy cô không quản thời gian và công sức mày mò, soạn giáo án riêng cho lớp học này, với mong muốn lớn nhất là mang con chữ đến cho tất cả dân bản.
Nói như thầy Lò Văn Khánh tại điểm trường Pú Sút, dù khó dù còn nhiều khó khăn, vất vả, với thầy cô, không hạnh phúc nào bằng nhìn các học sinh và học viên đi học đầy đủ, tiến bộ từng ngày, biết viết và biết đọc tiếng phổ thông.
Những buổi lớp xóa mù nghỉ, ngày đi dạy, tối các thầy cô tranh thủ cùng trưởng bản đến từng nhà vận động thêm nhiều phụ huynh cho con em tới trường. Em nào không có sách, thầy cô cho sách. Em nào không có đồ dùng học tập, thầy cô lại lấy của mình mang cho.
Dù thời tiết mưa gió khắc nghiệt, thậm chí phải đi bộ hàng tiếng đồng hồ đường rừng núi, các thầy cô Trường Tiểu học Sam Kha không ngại vất vả. Thời gian này, các gia đình đi nương từ sáng sớm tới tối mịt, các thầy cô đi vận động về tới trường cũng quá nửa đêm.
Với các thầy cô cắm bản, đó là đam mê, tâm huyết cả đời với công việc gieo chữ cho trẻ em vùng cao.
Không phụ tấm lòng của thầy cô, anh Vàng A Pó, Trưởng bản Pú Sút cho biết, nhận thức của học sinh và phụ huynh trong việc học tiếng phổ thông ngày càng được cải thiện.
Có những học sinh ở xa, phụ huynh đưa con đến tận điểm trường, chờ con học xong rồi đón về. Nhiều học sinh bố mẹ đi nương, phải ở nhà trông em cũng không chịu nghỉ học, địu em đến lớp.
Trở về với cuộc sống thường ngày, các thầy cô phải đối mặt với không ít khó khăn. Trong 6 điểm trường lẻ của Trường Tiểu học Sam Kha, hai điểm trường Huổi My và Phá Thóng không có nước máy. Ba điểm trường không có điện lưới là Huổi My, Phá Thóng và Huổi Phô.
Cô Vì Thị Thương có thâm niên 6 năm công tác và sống tại điểm trường Pú Sút bộc bạch: vào mùa khô, họ phải đi hứng nước tận đầu nguồn, hôm nào đi muộn lại xách can đi bộ về. Tại điểm trường Huổi Phô, máy phát điện thường xuyên hỏng. Các thầy cô phải dùng nến thắp sáng.
Không điện, không nước, điểm trường Huổi My hiện không có nhà công vụ cho giáo viên. Phòng ở đang phải ghép với phòng học bằng gianh, căng bạt tứ phía, bữa ăn cũng đạm bạc. Không có chợ, thức ăn của các thầy cô chủ yếu là rau tự trồng, thịt cá mang từ nhà lên hoặc của đồng bào mang đến cho.
Sâu thẳm trong tâm tư mỗi thầy cô giáo cắm bản là nỗi nhớ gia đình da diết. Cuộc sống của họ là vợ xa chồng, chồng xa vợ, bố mẹ xa con. Những lúc con ốm không tự tay chăm sóc. Nhiều cô giáo phải cai sữa cho con từ ít tháng tuổi và có cô giáo phải đưa con đến điểm trường, vừa địu con vừa dạy học.
Thiếu thốn tình cảm gia đình, các thầy cô nơi đây rất đoàn kết và yêu thương lẫn nhau. Bà con ở các bản cũng rất yêu quý họ, coi như anh em trong nhà. Nhiều phụ huynh, học sinh có mớ rau, con cá cũng mang cho.
Không phụ tình cảm của các thầy cô, nhiều học sinh đã phấn đấu học tập, vươn lên trong cuộc sống. Nhiều người giờ đã trở thành đồng nghiệp của các thầy cô.
Thầy Lò Văn Sôn không giấu nổi niềm hạnh phúc và tự hào cho biết, hai học trò của mình là Giàng A Lử và Quàng Văn Hương nay là hai Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sam Kha. Họ đang góp sức hết sức vào công tác dạy và học tại quê hương.
Tâm nguyện của các thầy cô giáo là lớp lúc nào cũng đông đủ học sinh; học sinh đi học có đầy đủ sách vở, đồ dùng. Đặc biệt, phụ huynh quan tâm hơn nữa đến việc học tập của con em để nâng cao chất lượng dạy và học chung của nhà trường.
Các thầy cô luôn sẵn sàng đi điểm trường lẻ, xung phong cắm bản lâu năm để tiếp tục gieo chữ cho nhiều thế hệ trẻ em vùng cao.
Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sốp Cộp Nguyễn Quốc Tuấn đánh giá, công tác giáo dục trên địa bàn huyện trong thời gian qua đã có chuyển biến tích cực, trong đó có đóng góp không nhỏ của các thầy cô cắm bản. Vươn lên khó khăn, các thầy cô vẫn bám trường bám lớp, duy trì đều đặn sỹ số học sinh.
Để động viên, khích lệ tinh thần các thầy cô, hàng tháng hoặc hàng quý, Phòng Giáo dục và Đào tạo Sốp Cộp đã chỉ đạo Công đoàn, Đoàn thanh niên các trường tổ chức các hoạt động giao lưu, thăm hỏi tại những điểm trường lẻ.
Ngành Giáo dục huyện Sốp Cộp đang đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng cơ bản từ trường lớp, nhà công vụ, bếp ăn, nhà vệ sinh... nhằm tạo môi trường giáo dục thân thiện, tích cực cho thầy và trò.
Điểm trưởng Huổi My của Trường Tiểu học Sam Kha đã được duyệt hạng mục xây dựng cơ sở vật chất trong năm học 2017 – 2018.
Có trường lớp mới, khang trang, các thầy cô cắm bản có thêm động lực, tiếp tục nỗ lực phấn đấu mang con chữ đến với trẻ em vùng cao./.
Nguồn Bnews: http://bnews.vn/cam-phuc-nhung-giao-vien-bam-ban-o-vung-cao/68348.html