'Cầm tay chỉ việc' cho kỳ thi đặc biệt
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là kỳ thi đầu tiên được tổ chức theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Với tính chất 'đặc biệt' của kỳ thi năm nay, ngay từ năm 2024, Bộ GD-ĐT đã chuẩn bị từ sớm, từ xa các hệ thống văn bản, quy trình tổ chức để chỉ đạo các tỉnh, thành về công tác tổ chức thi tại địa phương.

Tính chất đặc biệt của kỳ thi năm nay trước hết về môn thi, vì đây là năm đầu tiên thí sinh thi ở cả 2 chương trình GDPT. Đối với thí sinh thi theo Chương trình GDPT 2018 (dự kiến trên 1,1 triệu thí sinh), tổ chức kỳ thi gồm 3 buổi thi, trong đó 1 buổi thi môn Ngữ văn, 1 buổi thi môn Toán và 1 buổi thi bài thi tự chọn.
Còn đối với thí sinh học theo Chương trình GDPT 2006 (dự kiến gần 25.000 thí sinh), tổ chức 5 bài thi, gồm Ngữ văn, Toán, Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học), Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) và Ngoại ngữ.
Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, mỗi thí sinh phải dự thi 4 bài thi gồm có Ngữ Văn, Toán, Ngoại ngữ và 1 bài thi Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội; tổ chức thi 4 buổi thi như những năm trước.
Ngoài việc tổ chức thi theo hai chương trình GDPT, kỳ thi diễn ra trong bối cảnh chúng ta đang thực hiện việc sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, do vậy không khỏi có những lo lắng, băn khoăn. Đó là là lý do TPHCM và một số tỉnh thành đề nghị đẩy sớm kỳ thi lên 2 tuần.
Tuy nhiên, để thí sinh không bị ảnh hưởng, Bộ GD-ĐT giữ nguyên lịch tổ chức thi vào cuối tháng 6. Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng, với mục tiêu “2 giảm” là giảm áp lực và giảm tốn kém cho xã hội nhưng vẫn bảo đảm chất lượng đề ra, Bộ GD-ĐT nỗ lực bảo đảm kỳ thi an toàn, nghiêm túc, khách quan, đúng quy chế, hiệu quả với kỳ thi đặc biệt quan trọng của năm nay.
Nhưng với yêu cầu đặt ra trong bối cảnh hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng ngành giáo dục đặc biệt quan tâm, tập huấn kỹ càng cho những người tham gia tổ chức thi, bao gồm cả nhân sự dự phòng; kịp thời thay đổi công tác nhân sự khi có sự điều động, luân chuyển do việc sáp nhập.
Năm nay, kỳ thi được tổ chức đúng thời điểm “giao thời” của công tác tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính nên vấn đề an ninh của kỳ thi cần được đặc biệt quan tâm khi công an cấp huyện các năm trước tham gia vào việc hỗ trợ bảo đảm an ninh, an toàn kỳ thi ở các địa phương nay đã chuyển về cấp tỉnh và cấp xã...
Trong lần làm việc mới đây với Bộ GD-ĐT, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã yêu cầu bộ tiếp tục có các văn bản chỉ đạo và các hoạt động cụ thể đối với tổ chức kỳ thi này theo hướng “cầm tay chỉ việc”, bám sát tình hình sắp xếp, tổ chức bộ máy, có sự phân công lại nhiệm vụ, không nêu chung chung. Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị tập huấn về thi tốt nghiệp THPT năm 2025 cho các Sở GD-ĐT và công an của 63 tỉnh, thành để quán triệt quy chế thi, tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi; tập huấn sử dụng các hệ thống phần mềm phục vụ công tác tổ chức thi, hướng dẫn cách thức xử lý khi có tình huống, vấn đề phát sinh.
Tuy nhiên, càng gần đến thời gian diễn ra kỳ thi, việc chủ động chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT càng cần phải sát sao hơn để bảo đảm kỳ thi được tổ chức thành công.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/cam-tay-chi-viec-cho-ky-thi-dac-biet-post793604.html