'Cầm tay chỉ việc' cho nông dân

Thời gian qua, Hội Nông dân huyện Đồng Hỷ luôn chủ động kết nối với các cơ quan, đơn vị để tập huấn kiến thức, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho hội viên bằng nhiều hình thức từ trên lớp đến 'cầm tay chỉ việc'.

Nhóm hội viên nông dân ở thị trấn Hóa Thượng, Sông Cầu và xã Minh Lập tham quan, học hỏi cách sản xuất phân bón hữu cơ tại mô hình của gia đình chị Vi Thị Phương, ở xã Quang Sơn, Đồng Hỷ.

Nhóm hội viên nông dân ở thị trấn Hóa Thượng, Sông Cầu và xã Minh Lập tham quan, học hỏi cách sản xuất phân bón hữu cơ tại mô hình của gia đình chị Vi Thị Phương, ở xã Quang Sơn, Đồng Hỷ.

Thay vì tham gia các lớp tập huấn lý thuyết trên lớp, mới đây bà Dương Thanh Hằng, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân xóm Bình Ca, xã Minh Lập, cùng các hội viên của thị trấn Hóa Thượng, Sông Cầu được mắt thấy, tai nghe về cách tự sản xuất phân bón hữu cơ cho cây trồng từ nguyên liệu tự nhiên, rác thải sinh hoạt tại gia đình chị Vi Thị Phương, xã Quang Sơn.

Bà Hằng cho biết: Sau khi nghe chị Phương giới thiệu, hướng dẫn tỉ mỉ việc tạo chế phẩm vi sinh gốc (IMO), cách làm phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật và tham quan đồi chè áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ, tôi rất tâm đắc. Tôi sẽ thực hành ngay với 3 sào ruộng, vườn cây ăn quả và gia trại chăn nuôi gia cầm của mình, đồng thời phổ biến đến hội viên trong xóm, thành viên Tổ hội nghề nghiệp trồng cây ăn quả Bình Ca.

Được biết, cơ sở sản xuất, chế biến chè của chị Vi Thị Phương là mô hình hiệu quả trong thực hành sản xuất nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, bền vững, áp dụng công nghệ sinh học để xử lý rác thải, tạo phân bón hữu cơ tại chỗ. Chị Phương cũng được các chuyên gia trong và ngoài nước tập huấn, hướng dẫn theo hướng cầm tay chỉ việc để tạo ra vùng chè chất lượng và chế biến ra nhiều sản phẩm độc đáo, mang lại giá trị kinh tế cao.

Với hình thức “nông dân học nông dân”, thời gian qua, Hội Nông dân huyện Đồng Hỷ đã tổ chức nhiều cuộc tham quan học hỏi giữa các hội viên nông dân trên địa bàn thông qua việc chia cụm thi đua các xã, mô hình điểm “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi hội”. Từ đó để hội viên tự học hỏi, nhân rộng, lan tỏa phương pháp, mô hình hay trong sản xuất nông nghiệp.

Cán bộ, hội viên nông dân huyện Đồng Hỷ tham gia tập huấn theo dự án sản xuất than sinh học và bảo vệ môi trường tại Hợp tác xã nông sản Vạn Lộc, xã Cây Thị.

Cán bộ, hội viên nông dân huyện Đồng Hỷ tham gia tập huấn theo dự án sản xuất than sinh học và bảo vệ môi trường tại Hợp tác xã nông sản Vạn Lộc, xã Cây Thị.

Chị An Thị Hương, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đồng Hỷ, chia sẻ: Để hội viên có kiến thức, tự tin làm chủ khoa học kỹ thuật trên mảnh đất của mình, Hội luôn tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn; ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và tính cạnh tranh trên thị trường.

Đặc biệt, Hội luôn chủ động kết nối với các đơn vị cấp huyện, tỉnh mở các lớp tập huấn kiến thức khoa học - kỹ thuật gắn với tham quan, học tập các mô hình, điển hình tiên tiến trong và ngoài tỉnh dễ áp dụng và mang lại hiệu quả kinh tế cao; tổ chức và phối hợp tổ chức tọa đàm, hội thảo đầu bờ, không gian khoa học với nhà nông để bà con tiếp thu và biết cách làm giàu; phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT cung cấp thông tin dự báo thị trường làm cơ sở cho hội viên, nông dân định hướng đúng trong quá trình sản xuất để nông sản làm ra tiêu thụ nhanh, được giá.

Tính từ năm 2021 đến nay, các cấp hội đã phối hợp tổ chức gần 160 lớp tập huấn, thu hút gần 10.000 lượt hội viên tham gia về hướng dẫn sử dụng phân bón, các chế phẩm sinh học cho cây lương thực, cây hàng năm và cây chè, kỹ thuật chăm bón lúa và phòng trừ sâu bệnh; 7 lớp chăn nuôi an toàn sinh học, kỹ thuật chăm sóc cây na rải vụ, trồng, phát triển cây dược liệu...

Từ việc tham gia các lớp tập huấn, hội viên nông dân đã áp dụng những kiến thức trên đồng đất, mô hình kinh tế gia đình, vươn lên sản xuất, kinh doanh giỏi, ngày càng có nhiều sản phẩm nông sản có thương hiệu, uy tín trên thị trường.

Đầu năm 2023, toàn huyện có 8.688 hộ nông dân đăng ký sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, kết quả có 4.417 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; Từ năm 2021 đến nay, Hội Nông dân huyện Đồng Hỷ đã phối hợp hỗ trợ và ra mắt được 13 HTX, 16 tổ hợp tác, tổ hội nghề nghiệp tập trung các lĩnh vực chăn nuôi, trồng cây ăn quả, trồng chè... với trên 500 hội viên tham gia. Đồng Hỷ cũng là địa phương có nhiều sản phẩm được chứng nhận nhận OCOP từ 3-5 sao nhất tỉnh với 44 sản phẩm.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202406/cam-tay-chi-viec-cho-nong-dan-6fb209c/