Cấm thuốc lá điện tử và bài toán thực thi

Chỉ còn ít ngày nữa, lệnh cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng sẽ chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, việc thực thi quy định này sao cho hiệu quả đang đặt ra những thách thức không nhỏ trong công tác kiểm tra, kiểm soát cũng như thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân.

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, trong đó Quốc hội quyết nghị cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng từ năm 2025. Ảnh: VPQH

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, trong đó Quốc hội quyết nghị cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng từ năm 2025. Ảnh: VPQH

Từ quyết định mang tính lịch sử…

Tại Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển và sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội. Đây là một quyết định rất quan trọng, nhận được sự hoan nghênh, ủng hộ của toàn xã hội.

Theo TS. Nguyễn Huy Quang - Trưởng ban Tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Tổng hội Y học Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), Nghị quyết của Quốc hội về việc cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển và sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện từ năm 2025 là một quyết định lịch sử, mang tính nhân văn, thể hiện tính nhất quán trong việc phòng ngừa tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng kết hợp sử dụng cả shisha, bóng cười gây nghiện và các chất kích thích khác đối với sức khỏe người dân, đặc biệt là các đối tượng trẻ tuổi - thế hệ tương lai của đất nước.

“Việc cấm này rất toàn diện, không chỉ có thuốc lá điện tử, thuốc lá mới, mà còn cấm cả những chất ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần như bóng cười, shisha và chất lạ khác kích thích đến tâm thần của giới trẻ. Đây là tầm nhìn tổng thể để bảo vệ sức khỏe của người dân, trong đó có giới trẻ và lứa tuổi vị thành niên” - TS. Nguyễn Huy Quang nhấn mạnh.

Việc Quốc hội quyết định cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, bảo vệ tương lai của thanh niên Việt Nam. Ảnh: chinhphu.vn

Việc Quốc hội quyết định cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, bảo vệ tương lai của thanh niên Việt Nam. Ảnh: chinhphu.vn

TS. Angela Pratt - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam - đánh giá, Nghị quyết này đã cho thấy sự ủng hộ đối với những đề xuất và những nỗ lực mạnh mẽ của Bộ Y tế và các đối tác quan trọng khác trong nước và quốc tế, nhằm bảo vệ tương lai của thanh niên Việt Nam.

“Tổ chức Y tế thế giới hết sức vui mừng khi biết rằng Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nóng nung nóng. Đây là một nghị quyết vì sức khỏe và chúng tôi nồng nhiệt hoan nghênh quyết định này”- TS. Angela Pratt chia sẻ.

Nhiều chuyên gia y tế cũng bày tỏ kỳ vọng, cùng với việc tăng thuế thuốc lá và tới đây là cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng chắc chắn sẽ có tác dụng ngăn chặn người mới hút thuốc lá. Bằng hành động mạnh mẽ của Quốc hội và Chính phủ, kết hợp với tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe, người dân sẽ nhận thức đầy đủ hơn về tác hại của thuốc lá và thuốc lá mới (bao gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng), hưởng ứng mạnh mẽ hơn nữa việc hạn chế hút thuốc lá. Đặc biệt, các bạn trẻ sẽ có cái nhìn khác về thuốc lá và thuốc lá mới, bởi việc sử dụng các sản phẩm này không phải là thời thượng, trái lại, nó có tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe của bản thân và cộng đồng.

… Và những thách thức trong thực thi

Cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng là một quyết định đúng đắn trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, để lệnh cấm này phát huy hiệu quả, các chuyên gia cho rằng, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp mạnh mẽ giữa các cơ quan chức năng, sự hỗ trợ của cộng đồng và một chiến lược truyền thông sâu rộng.

Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra, phát hiện và tạm giữ nhiều sản phẩm thuốc lá điện tử, tinh dầu dùng cho thuốc lá điện tử. Ảnh: Cục Quản lý thị trường Hà Nội

Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra, phát hiện và tạm giữ nhiều sản phẩm thuốc lá điện tử, tinh dầu dùng cho thuốc lá điện tử. Ảnh: Cục Quản lý thị trường Hà Nội

Tại Nghị quyết, Quốc hội giao Chính phủ tổ chức thực hiện quy định về cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Do đó, TS. Nguyễn Huy Quang đề xuất, để thực hiện quy định này một cách tập trung, nhất quán, Chính phủ nên có một Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết này của Quốc hội để giao trách nhiệm cho các Bộ, ngành có liên quan thực hiện và tổ chức triển khai ngay mà không cần phải chờ các văn bản nào khác.

Đồng thời, cơ quan chức năng cần rà soát lại toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có Luật Thương mại, Luật Đầu tư, Luật Quảng cáo, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá… để xác định với việc cấm thuốc lá mới thì áp dụng các văn bản nào là phù hợp; qua đó, đưa ra vấn đề pháp lý để thực thi hoặc phải xây dựng văn bản mới nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của quy định cấm.

Thực tiễn cho thấy, một trong những khó khăn lớn nhất trong việc thực thi lệnh cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng là sự xuất hiện của các kênh nhập khẩu trái phép và phân phối qua mạng internet. Các sản phẩm này thường được đưa vào thị trường thông qua các giao dịch trực tuyến hoặc kênh không chính thức, gây khó khăn trong việc truy vết và xử lý các hành vi vi phạm.

Bà Nguyễn Thị An - Giám đốc Tổ chức HealthBridge - nhấn mạnh việc quản lý và giám sát các sản phẩm này cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng như hải quan, công an và cơ quan quản lý thị trường. Cùng với việc tăng cường kiểm tra, giám sát để “làm sạch” thị trường trong nước, Việt Nam cần làm việc chặt chẽ với các tổ chức quốc tế, các cơ quan chức năng của các quốc gia khác để kiểm soát nguồn cung và ngừng buôn bán qua các kênh không chính thức. Các cơ quan như Bộ Công Thương, Bộ Y tế và các lực lượng chức năng khác cần phải tăng cường giám sát các giao dịch trực tuyến và các cửa khẩu để ngừng việc nhập khẩu và phân phối thuốc lá điện tử trái phép.

Một thách thức không kém phần quan trọng đặt ra là việc thay đổi nhận thức và thói quen tiêu dùng của người dân, đặc biệt là giới trẻ. Việc thay đổi thói quen này đòi hỏi một chiến lược tuyên truyền mạnh mẽ và lâu dài để nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Cần phải có các chiến dịch truyền thông sâu rộng về các nguy cơ sức khỏe của thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, đặc biệt qua các kênh trực tuyến và mạng xã hội, nơi giới trẻ dễ dàng tiếp cận thông tin. Các chiến dịch này không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền về sự nguy hiểm của sản phẩm mà còn phải khuyến khích hành động từ bỏ thuốc lá và sử dụng các phương pháp hỗ trợ cai nghiện

Bà Nguyễn Thị An - Giám đốc Tổ chức HealthBridge

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, ngoài việc ngừng cung cấp các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Việt Nam cần có một hệ thống hỗ trợ cai nghiện hiệu quả cho những người đã sử dụng các sản phẩm này, giúp người dùng từ bỏ thói quen và giảm thiểu nguy cơ tái nghiện.

“Từ kinh nghiệm thực tế, chúng ta thấy Việt Nam thực thi thành công một số sáng kiến về y tế công cộng, bao gồm việc cấm uống rượu bia khi lái xe, bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy… Vì vậy, chúng ta có thể có lòng tin rằng quy định mới ban hành của Quốc hội sẽ được thực hiện một cách hiệu quả trong thời gian tới” - bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm - đại diện WHO tại Việt Nam bày tỏ./.

Đ. KHOA

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/cam-thuoc-la-dien-tu-va-bai-toan-thuc-thi-37269.html