Cấm tuyệt đối tài xế có nồng độ cồn: Đề nghị cân nhắc vì quá nghiêm khắc
Trước quy định nghiêm cấm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có nồng độ cồn, một số ý kiến đề nghị cân nhắc vì quá nghiêm khắc, chưa phù hợp với văn hóa, tập quán
Sáng 10-11, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã trình bày tờ trình về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Vi phạm nồng độ cồn: Hết thời cán bộ, quan chức… được “thông cảm”!
Cơ quan xây dựng dự án luật cho rằng việc xây dựng, ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan, với mục tiêu quan trọng là bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân khi tham gia giao thông. Bảo đảm sự điều chỉnh sát thực tế về pháp lý; khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật Giao thông đường bộ hiện hành, phù hợp với xu thế phát triển pháp luật của nước ta và thông lệ quốc tế...
Dự thảo luật quy định 28 nhóm hành vi bị nghiêm cấm khi tham gia giao thông, trong đó có "điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn".
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới (cơ quan thẩm tra) cho biết một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vì quy định như vậy là quá nghiêm khắc và chưa thực sự phù hợp với văn hóa, phong tục, tập quán của một bộ phận người dân Việt Nam, làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương.
Nhóm ý kiến này đề nghị tham khảo kinh nghiệm quốc tế và quy định nồng độ cồn ở mức độ phù hợp đối với từng loại xe, đồng thời bảo đảm tính thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự.
Ngược lại, một số ý kiến nhất trí với quy định cấm tuyệt đối như dự thảo luật vì nội dung này đã được quy định tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và thực tiễn thực hiện đã chứng minh tính hiệu quả.
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm như: Bỏ trốn sau khi gây tai nạn giao thông để trốn tránh trách nhiệm; khi có điều kiện mà cố ý không cấp cứu, giúp đỡ người bị tai nạn giao thông; xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người bị nạn và người gây tai nạn giao thông…
Về việc lắp đặt thiết bị hành trình, một số ý kiến đề nghị cân nhắc vì việc áp dụng với mọi loại xe (gồm cả xe môtô, xe gắn máy) là rộng và khó bảo đảm tính khả thi, chỉ nên tập trung vào một số loại xe, đặc biệt là các xe kinh doanh có điều kiện...