Cấm xe máy ở Hà Nội và TP.HCM có khả thi?

Theo các chuyên gia, khi nào người dân vẫn sống trong nhà ống, nhà cá nhân… thay vì chung cư thì chủ trương cấm xe máy ít có tính khả thi.

Hạn chế, dừng xe máy sau năm 2030

Chính phủ vừa có Nghị định 48 về việc tăng cường thực hiện bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 - 2025, trong đó yêu cầu 5 thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ hạn chế hoặc dừng hoạt động của xe máy trên một số địa bàn các quận sau năm 2030.

Theo các chuyên gia, đây là giải pháp cần thiết cho các thành phố lớn. Tuy nhiên, cần phải đảm bảo sự đồng bộ ở nhiều khâu mới mong việc thực hiện được suôn sẻ và có hiệu quả. Cần thiết nhưng phải tính toán kỹ các yếu tố liên quan, hỗ trợ để đề án khả thi, đạt hiệu quả cao.

PGS.TS Hoa Hữu Lân, nguyên Trường phòng Nghiên cứu Phát triển Văn hóa - Xã hội, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội cho rằng, để cấm xe máy, các địa phương phải lập tổng thể phương án vùng hạn chế xe máy gồm: đánh giá lưu lượng xe máy, mức độ phủ sóng của giao thông công cộng. Khi có vùng này rồi, cần phải thiết lập bãi xe, nhà xe ngoài vùng hạn chế để người dân gửi xe trước khi chọn xe công cộng.

Xe máy vẫn là phương tiện giao thông chính của người dân ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM.

Xe máy vẫn là phương tiện giao thông chính của người dân ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM.

Việc khoanh vùng hạn chế xe máy hay nói cách khác là phố đi bộ phải tính toán tới giới hạn quy mô đoạn đường tối đa từ nơi người dân gửi xe của mình đến nơi có phương tiện công cộng gần nhất là bao nhiêu. Nếu phải đi bộ quá xa, sẽ ít người lựa chọn.

TS. Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải cho rằng cấm xe máy mà giao thông công cộng chưa đáp ứng được thì ôtô sẽ xuất hiện dày đặc và lại quay về chuyện ùn tắc, ô nhiễm. Do đó, khi thực hiện phương án cấm xe máy thì phải cấm luôn ôtô bằng biện pháp kinh tế như thu phí vào vùng đô thị, phí bảo vệ môi trường, cấm vào vùng phát thải thấp.

"Nếu cấm xe máy một cách cực đoan, máy móc, người dân sẽ cố gắng để mua ô tô. Khi đó thì ùn tắc, ô nhiễm, tai nạn sẽ tăng lên từ 5-10 lần. Hơn nữa, giao thông là một mạng lưới. Cấm 2 tuyến này đồng nghĩa là tạo ra các điểm hẫng, gây ra tình trạng ùn tắc, lộn xộn ở các tuyến đường khác do người dân phải tìm đường tránh. Việc cấm xe máy như vậy là gây thêm ùn tắc chứ không chống được ùn tắc", TS Nguyễn Xuân Thủy nhận định.

Khó xóa nhà ống?

Ở góc nhìn khác, một chuyên gia nghiên cứu lâu năm về giao thông đô thị cho rằng, chủ trương hạn chế xe máy là tốt nhưng lại khó khả thi với cách quản trị đô thị như hiện nay. Phải nhìn nhận một thực tế là ở nội đô Hà Nội và TP HCM, quỹ đất trống còn rất ít, cao ốc thì vẫn mọc lên thu hút dân cư từ các nơi đến.

Muốn cấm xe máy, phải thực hiện quy hoạch đô thị trước. Phải mạnh dạn giảm và tiến tới xóa bỏ nhà ống ở một số khu nội thành. Sử dụng các khu đất trống xây cao ốc, di dời người dân đang sống ở nhà ống sang. Cách "di dời" có thể là hoán đổi bằng diện tích ở tương đương hoặc bằng tiền với những ai muốn tìm đến một nơi ở mới.

Trong thời gian đầu, người dân sẽ không dễ từ bỏ thói quen sở hữu một căn nhà riêng. Nhưng về lâu dài, những tiện ích của các khu đô thị hiện đại sẽ giúp người dân có cái nhìn khác. Phải chấp nhận đã vào trung tâm là ở cao thì mới có không gian mở rộng đường cho giao thông công cộng.

Xe máy vẫn là phương tiện kiếm sống của nhiều người dân.

Xe máy vẫn là phương tiện kiếm sống của nhiều người dân.

Còn hiện nay, với mật độ dân cư như TP HCM, Hà Nội, lại chen kín nhà ống bám sát mặt đường, thì phương tiện duy nhất mà người dân có thể sử dụng tiện lợi chính là xe máy.

Theo TS. Nguyễn Xuân Thủy nhận định, trong 20 năm tới, xe máy vẫn là phương tiện chính của người dân để làm việc, kiếm sống. Trong khi sự phát triển của giao thông công cộng rất chậm. Chắc không ai thích sử dụng xe cá nhân nếu có lựa chọn xe buýt, tàu điện ngầm… Khi hạ tầng tốt, giao thông công cộng tốt, tự người dân sẽ bỏ dần phương tiện cá nhân giống như các nước phát triển.

Do vậy, để cấm xe máy cần phải thực hiện quy hoạch dân cư trước, sau đó là phát triển giao thông công cộng. Khi đó, người dân sẽ tự động không đi xe máy nữa, việc cấm xe máy khi đó mới khả thi.

Chỉ cấm hoặc hạn chế phương tiện cá nhân khi giao thông công cộng đáp ứng được 40% trở lên nhu cầu đi lại của người dân. Còn hiện nay xe buýt, tàu trên cao mới chỉ đáp ứng 8-10% nhu cầu đi lại, đến năm 2025 sẽ đạt bao nhiêu phần trăm là điều cần tính toán.

TS. Nguyễn Xuân Thủy.

2025: phấn đấu xe công cộng đạt 30-50%

Nghị quyết 84 yêu cầu cụ thể 5 thành phố, từ thực tế của mình, rà soát, chỉ đạo cơ quan chuyên môn tham mưu cho HĐND thành phố ban hành các nghị quyết về việc ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, phấn đấu đạt chỉ tiêu tỉ lệ đảm nhận vận tải hành khách công cộng đến năm 2025 đạt 30-35%; áp dụng công nghệ giao thông thông minh trong tổ chức, quản lý, điều hành giao thông đô thị; tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố.

Trong đó, 5 thành phố phải nghiên cứu xây dựng đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới lộ trình hạn chế hoặc dừng hoạt động xe máy trên một số địa bàn các quận sau năm 2030.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//cam-xe-may-o-ha-noi-va-tphcm-co-kha-thi-169220414120021313.htm