Cấm xe máy xăng trong vành đai 1: Ủng hộ nhưng 'đừng để tự bơi'

Chủ trương cấm xe máy xăng trong Vành đai 1 từ tháng 7/2026 được nhiều người dân đồng tình nhưng cũng mong sẽ có lộ trình rõ ràng và hỗ trợ tài chính cụ thể.

Video người dân bày tỏ quan điểm về việc cấm xe máy xăng trong vành đai 1:

Cấm xe máy xăng trong vành đai 1: Người dân đồng tình nhưng phải có hỗ trợ.

Theo Chỉ thị số 20 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành, UBND thành phố Hà Nội được giao thực hiện lộ trình cấm xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xe máy xăng) lưu thông trong khu vực Vành đai 1 từ ngày 1/7/2026. Đây là một trong những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường đô thị.

Vành đai 1 là tuyến xuyên tâm lõi đô thị Hà Nội, gồm các tuyến đường như: Trần Khát Chân, Đại Cồ Việt, Xã Đàn, Ô Chợ Dừa, Đê La Thành, Hoàng Cầu, Cầu Giấy, Âu Cơ, Yên Phụ, Trần Quang Khải…, chạy qua các phường nội thành Hà Nội.

Ghi nhận của PV Báo Sức khỏe & Đời sống, nhiều người dân sống và làm việc trong khu vực Vành đai 1 đồng tình với chủ trương, song khẳng định cần có lộ trình rõ ràng và hỗ trợ thực chất để người lao động không bị động, lúng túng khi chuyển đổi phương tiện từ xe máy xăng sang xe điện.

Ông Nguyễn Kim Sơn, 69 tuổi, sống tại phố Đội Cấn, cho biết gia đình có ba xe máy xăng, bản thân ông cũng là xe ôm lâu năm. "Tôi hoàn toàn ủng hộ việc chuyển sang xe điện để giảm ô nhiễm. Nhưng thành phố cần có chính sách tài chính cụ thể, vì người dân thu nhập thấp không thể đổi là đổi ngay được", ông Sơn cho biết.

Cũng làm thuê và xe máy xăng là phương tiện kiếm sống hàng ngày, ông Vũ Văn Kiều (quê Ninh Bình, thuê trọ ở phường Ngọc Hà) cho biết xe xăng vẫn tiện lợi hơn cho việc chở hàng thuê. "Nếu có chính sách hỗ trợ đổi xe và thuận tiện sạc pin, tôi đồng ý chuyển. Còn nếu không, có lẽ tôi và vợ phải chuyển chỗ ở ra ngoài vành đai hoặc tìm công việc khác mà làm".

Anh Nguyễn Thanh Hải, một xe ôm công nghệ sử dụng xe máy xăng mỗi ngày phải di chuyển từ Long Biên vào Ba Đình làm việc cho rằng xe điện sẽ giúp môi trường tốt hơn và thực tế là Hà Nội đang rất ô nhiễm, cần phải có biện pháp để giúp không khí trong lành hơn.

'Nếu phải đổi sang xe điện thì đúng là khó khăn, vì kinh tế của tôi không có nhiều, tuy nhiên nếu phải làm thì sẵn sàng vay mượn để đổi nếu được hỗ trợ 50% chi phí', anh Hải nói.

Tuyến đường vành đai 1 và khu vực bên trong dự kiến cấm xe máy xăng từ 1/7/2026.

Tuyến đường vành đai 1 và khu vực bên trong dự kiến cấm xe máy xăng từ 1/7/2026.

Anh Đức Lộc, trú tại xã Đan Phượng nhưng đi làm tại Đê La Thành, đánh giá đây là bước đi đúng đắn để bảo vệ môi trường nhưng cho rằng việc cấm xe máy xăng không nên máy móc.

"Xe máy chạy xăng hiện vẫn là phương tiện sống còn với người thu nhập trung bình, thấp. Tôi từng nghĩ đến việc chuyển sang xe điện, nhưng vẫn lo ngại về pin, độ bền, nhất là khi trời mưa. Nếu bảo đi bằng phương tiện công cộng thì xe buýt chưa phù hợp với công việc linh hoạt như tôi", anh Lộc cho biết thêm.

Theo anh Lộc, thành phố đã có nỗ lực phát triển xe buýt điện, metro… nhưng chưa đủ đồng bộ. Nếu thực hiện chủ trương cấm xe máy xăng thì cần hỗ trợ mua xe điện, nâng cấp hạ tầng và quan trọng nhất là có lộ trình rõ ràng, tránh gây xáo trộn quá đột ngột.

Đồng quan điểm với anh Lộc, anh Tùng, trú tại Hoàng Mai, cho rằng nếu cấm xe máy xăng thì cần có phương án cụ thể và phải triển khai sớm, đặc biệt là phương án hỗ trợ phù hợp với người thu nhập thấp (người lao động, sinh viên,...).

"Không phải ai cũng có thể mua xe điện ngay được. Nếu thiếu đồng bộ hạ tầng, thiếu hỗ trợ tài chính, nhiều người sẽ gặp khó khăn lớn", anh Tùng nói.

Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, hiện thành phố có trên 9,2 triệu phương tiện các loại, trong đó hơn 6,9 triệu xe máy. Trong khi tốc độ mở rộng hạ tầng giao thông chỉ bằng một phần rất nhỏ so với tốc độ tăng phương tiện, việc siết quản lý xe máy là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sự thành công của chủ trương phụ thuộc vào mức độ đồng thuận và khả năng hỗ trợ người dân chuyển đổi phù hợp, công bằng và khả thi.

Lượng xe máy xăng ở Hà Nội nói chung và trong khu vực Vành đai 1 vẫn rất lớn, nhiều người lao động phụ thuộc hoàn toàn vào xe máy xăng để mưu sinh.

Lượng xe máy xăng ở Hà Nội nói chung và trong khu vực Vành đai 1 vẫn rất lớn, nhiều người lao động phụ thuộc hoàn toàn vào xe máy xăng để mưu sinh.

Trao đổi với báo chí về việc triển khai Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết thành phố đang nghiên cứu cơ chế hỗ trợ thu hồi và chuyển đổi khoảng 450.000 xe máy xăng dầu đang hoạt động trong khu vực Vành đai 1.

Theo ông Tuấn, chính sách hỗ trợ sẽ được xây dựng trên cơ sở rà soát kỹ lưỡng, phân loại theo nhóm người sử dụng và chủng loại phương tiện, từ đó đề xuất các gói hỗ trợ phù hợp. Dự kiến, Hà Nội sẽ trình HĐND xem xét ban hành chính sách hỗ trợ gần như toàn bộ các chi phí chuyển đổi, bao gồm lệ phí trước bạ, phí đăng ký xe điện mới.

Song song với lộ trình chuyển đổi phương tiện cá nhân, thành phố cũng thúc đẩy đầu tư phát triển hệ thống giao thông xanh trong khu vực Vành đai 1, bao gồm: mở rộng các tuyến xe buýt điện cỡ nhỏ (8–12 chỗ), đưa vào khai thác xe điện 4 chỗ trung chuyển nội đô, đẩy nhanh tiến độ các tuyến đường sắt đô thị. Trong đó, hai tuyến Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà Nội đã đi qua khu vực này, các tuyến Hồ Tây - Hòa Lạc và Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo sẽ tiếp tục được triển khai.

Về hạ tầng năng lượng sạch, Hà Nội cũng sẽ bổ sung quy hoạch các khu vực trạm sạc cho ô tô và xe máy điện. Trước mắt, thành phố ưu tiên bố trí các điểm sạc tại bãi đỗ xe, khu giao thông tĩnh và trong các tòa nhà dân cư để thuận tiện cho người dân sử dụng phương tiện điện.

Ông Dương Đức Tuấn khẳng định: 'Thành phố sẽ hỗ trợ tối đa, đúng nhóm người sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cư dân sinh sống trong khu vực Vành đai 1 cũng như những người thường xuyên di chuyển vào khu vực này'.

Chi tiết các tuyến đường ở Hà Nội sẽ cấm xe máy chạy xăng kể từ 1/7/2026.

Thành Long

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cam-xe-may-xang-trong-vanh-dai-1-ung-ho-nhung-dung-de-tu-boi-16925071510504735.htm