Hà Nội triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân chuyển đổi xe chạy xăng
Đó là khẳng định của Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn tại tọa đàm 'Quyết liệt bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân Thủ đô' do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 15-7.
56,1% ô nhiễm không khí tại Hà Nội do 7 triệu xe máy

Các đại biểu tham dự tọa đàm “Quyết liệt bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân Thủ đô”. Ảnh: Dương Đức
Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội cho biết, 56,1% ô nhiễm không khí tại Hà Nội đến từ khoảng 7 triệu xe máy chưa được kiểm soát khí thải, 800.000 ô tô chạy bằng xăng dầu, cùng với bụi đường do ma sát từ lốp xe… Bên cạnh đó, ô nhiễm của Hà Nội còn đến từ sản xuất công nghiệp, hoạt động dân sinh, các yếu tố thời tiết, khí hậu. Từ thực tế nêu trên, "cần cú hích chuyển đổi xanh” để giải quyết vấn đề ô nhiễm tại Hà Nội.
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Hội Không khí sạch Việt Nam cho biết, chất lượng môi trường không khí ở nội đô bị suy giảm nghiêm trọng.
“Một điều lo ngại nữa là xu thế đó có chiều hướng không giảm mà lại tăng qua nhiều năm. Ô nhiễm là vấn đề nóng của Hà Nội, của nội đô Hà Nội”, ông Hoàng Dương Tùng chia sẻ.

Ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Hội Không khí sạch Việt Nam phát biểu. Ảnh: Dương Đức
Ngày 12-7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTgchỉ đạo các bộ, ngành, địa phương về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Với thành phố Hà Nội, Chỉ thị 20 nêu nhiều giải pháp về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực giao thông đô thị, trong lĩnh vực xử lý nước thải, chất rắn.

Ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phát biểu. Ảnh: Dương Đức
Ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho rằng, những chỉ đạo trong Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ là cấp bách, mang tính tổng thể và toàn diện.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn, trong quá trình phát triển, thành phố xác định rõ mục tiêu xây dựng Thủ đô trở thành đô thị văn hiến, văn minh, hiện đại, trong đó có yêu cầu bảo đảm môi trường "sáng - xanh - sạch - đẹp".

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn phát biểu. Ảnh: Dương Đức
Ông Dương Đức Tuấn cũng cho rằng, hiện trạng ô nhiễm môi trường đang ở mức đáng báo động, đe dọa trực tiếp đến chất lượng sống và sức khỏe cộng đồng. Thành phố đã nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm, từ tăng cường kiểm soát chất lượng không khí, quy hoạch đô thị xanh, áp dụng công nghệ xử lý môi trường đến nâng cao nhận thức cộng đồng. Dù vậy, kết quả vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cho hay, Hà Nội có khoảng 8,5 triệu dân, sở hữu hơn 8 triệu phương tiện giao thông cá nhân, gồm 1,1 triệu ô tô và 6,9 triệu xe máy. Riêng vành đai 1 có tới 450.000 xe máy, trong khi dân số thường trú chỉ 600.000 người. Khoảng 70% phương tiện là xe cũ, không đạt chuẩn khí thải, khiến việc kiểm soát ô nhiễm trở nên khó khăn.
Ông Dương Đức Tuấn cho biết, Chỉ thị 20 đề cập các nhóm nhiệm vụ cấp bách nhằm ngăn chặn ô nhiễm môi trường, trong đó nêu rõ cần kiểm soát hoạt động của phương tiện giao thông cá nhân.
Theo đó, vùng phát thải thấp là khu vực kiểm soát nghiêm ngặt các phương tiện có nguy cơ gây ô nhiễm, được phân tầng theo vành đai 1, vành đai 2, 3, 4, 5. Trong khu vực này, chỉ xe đạt chuẩn khí thải hoặc sử dụng nhiên liệu sạch mới được phép hoạt động. Các phương tiện chạy xăng, dầu sẽ dần bị hạn chế.
Chỉ thị 20 cũng quy định rõ các mốc thời gian từ 1-7-2026, ngừng lưu hành xe máy chạy xăng dầu trong vùng phát thải thấp; từ 1-1-2028, tiếp tục hạn chế ô tô cá nhân trong các khung giờ, ngày cụ thể. Đến năm 2030, thành phố sẽ đánh giá để mở rộng giai đoạn tiếp theo.
Ngoài ra, môi trường ở Hà Nội còn bị ảnh hưởng bởi nhiều dòng sông đô thị như Tô Lịch, Kim Ngưu, Nhuệ, Đáy, Tích đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Thành phố đang triển khai chương trình phục hồi môi trường nước tại các dòng sông này. Song song đó là hệ thống nhà máy đốt rác phát điện, thu gom, xử lý chất thải rắn, chất thải độc hại được kiểm soát chặt, đặc biệt tại khu vực trung tâm...
Phát triển giao thông công cộng đồng bộ, giảm áp lực xe cá nhân

Các đại biểu tham dự tọa đàm “Quyết liệt bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân Thủ đô”. Ảnh: Dương Đức
Để triển khai Chỉ thị 20, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cho biết, về hạ tầng, Hà Nội đầu tư xây dựng mạng lưới trạm sạc, điểm đổi pin, các bến đỗ hiện đại phục vụ xe điện.
Trong dài hạn, các khu đô thị mới, nhà ở mới phải tích hợp tiêu chuẩn hạ tầng cho phương tiện sạch, đồng thời bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy, tiêu chuẩn điện lưới.
Để giảm phương tiện cá nhân, Hà Nội xác định phải phát triển giao thông công cộng, đặc biệt tại vành đai 1; khu vực này có 45 tuyến xe buýt, trong đó 11 tuyến buýt điện. Thành phố đang cấu trúc lại hệ thống này theo ba lớp mạng lưới, mục tiêu đến năm 2030 chuyển toàn bộ xe buýt sang năng lượng sạch.
Thành phố cũng phát triển các phương tiện vận tải quy mô nhỏ như buýt mini 8-16 chỗ, xe trung chuyển điện từ 4 chỗ trở lên, taxi điện và mô hình vận tải đa phương thức. Các phương tiện này được kỳ vọng thay thế thói quen sử dụng xe cá nhân ở nội đô.
Hệ thống đường sắt đô thị cũng được đẩy mạnh. Sau tuyến Cát Linh - Hà Đông, Hà Nội sẽ hoàn thiện các tuyến số 2, 3, 5 cùng các tuyến nhánh, hướng đến mục tiêu năm 2030 đạt 98 km đường sắt đô thị theo Nghị quyết 188 của Quốc hội.
"Chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2030 nâng tỷ lệ vận tải hành khách công cộng lên 35-40%. Riêng khu vực lõi đô thị, tỷ lệ này cần gấp đôi mức hiện tại", ông Dương Đức Tuấn thông tin.
UBND thành phố cũng dự kiến trình HĐND thành phố vào tháng 9-2025 các nghị quyết chuyên đề để thể chế hóa nội dung của Chỉ thị 20, tạo cơ sở pháp lý triển khai đồng bộ toàn hệ thống.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cho rằng, việc chuyển đổi giao thông và kiểm soát ô nhiễm là một tiến trình dài, đòi hỏi sự tham gia đồng bộ của người dân, doanh nghiệp và chính quyền.
"Đây không chỉ là nhiệm vụ riêng của Nhà nước, cũng không chỉ là trách nhiệm của người dân hay doanh nghiệp, mà là một sự nghiệp chung trong việc kiến tạo một môi trường sống tốt đẹp hơn cho Thủ đô", ông Dương Đức Tuấn nói và nhấn mạnh "Hà Nội cam kết triển khai Chỉ thị 20 đồng bộ, quyết liệt, bảo đảm sự đồng thuận xã hội và hiệu quả thực tiễn, hướng tới một Thủ đô xanh, sạch, hiện đại, bền vững".
Hà Nội sẽ chuẩn hóa hệ thống vùng phát thải thấp trong năm nay

Hà Nội sẽ chuẩn hóa hệ thống vùng phát thải thấp vào quý III năm 2025. Ảnh: Dương Đức
Để giải quyết vấn đề ô nhiễm, Điều 28 của Luật Thủ đô năm 2024 đã chỉ rõ: "Quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp; quyết định phạm vi vùng phát thải thấp…"; "Quyết định chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch; quy định các biện pháp hạn chế sử dụng phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường; hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông sử dụng năng lượng sạch".
Chỉ thị số 20 cũng yêu cầu Hà Nội quyết liệt triển khai các vấn đề cấp bách, như: Lập, công bố đề án về vùng phát thải thấp; tập trung phát triển mạng lưới giao thông công cộng đa phương thức, phủ rộng trên các tuyến, kết nối địa bàn trọng điểm, hệ thống trạm sạc, dịch vụ cho phương tiện sử dụng năng lượng sạch, ưu tiên sử dụng xe buýt điện, tàu điện. Đồng thời, xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân chuyển đổi từ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang phương tiện sử dụng năng lượng sạch hoặc sử dụng phương tiện công cộng.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cho biết, theo lộ trình vào quý III-2025, thành phố Hà Nội sẽ chuẩn hóa hệ thống vùng phát thải thấp; kiểm soát theo các vành đai.
“Tôi lấy ví dụ như vành đai 1, trước đây có 5 quận là Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa và Tây Hồ, nay đã sắp xếp đơn vị hành chính địa phương hai cấp, hình thành 9 phường. 9 phường đều kiểm soát trong khu vực vành đai 1”, ông Dương Đức Tuấn chia sẻ.
Theo ông Dương Đức Tuấn, tại vành đai này, quy mô khoảng 31 km², chu vi của đường vành đai 1 thì khoảng 25km, dân số khoảng 600.000 người. Vì thế, chắc chắn đây là một vùng phát thải thấp kiểm soát nghiêm ngặt. Sau đó thành phố sẽ mở rộng ra vành đai 2, vành đai 3, đồng bộ với Chỉ thị 20, và tiếp theo việc xác định vùng phát thải thấp là sẽ quy định đồng bộ các nội dung liên quan tới tác nhân phát thải, đặc biệt là kiểm soát phương tiện giao thông cá nhân toàn diện, toàn bộ để tạo lập một vùng phát thải thấp.