Cấm xe máy xăng vào vành đai I Hà Nội từ 1-7-2026: Sớm có cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân

Theo chỉ đạo mới nhất từ Chính phủ, chỉ còn khoảng một năm nữa, xe máy chạy xăng sẽ không được đi vào khu vực Vành đai 1 của Hà Nội để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Bức bối vì ô nhiễm ở Thủ đô

Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 12/7 về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, đưa ra những yêu cầu cụ thể đối với TP Hà Nội trong việc tập trung chỉ đạo, triển khai ngay một số giải pháp trọng tâm với lộ trình cụ thể.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ lưu ý Hà Nội thực hiện các giải pháp, biện pháp để các tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, lộ trình đến ngày 1/7/2026 không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1 của thành phố Hà Nội.

Từ ngày 1/1/2028, không có xe mô tô, xe gắn máy, hạn chế xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường Vành đai 1, Vành đai 2. Từ năm 2030, tiếp tục mở rộng thực hiện trong đường Vành đai 3.

Các tuyến đường, phố trong phạm vi Vành đai 1 gồm Trần Khát Chân (ngã ba Trần Khát Chân Nguyễn Khoái) - Đại Cồ Việt - Xã Đàn - Ô Chợ Dừa - Đê La Thành - Hoàng Cầu - Đê La Thành - Cầu Giấy - đường Bưởi - Lạc Long Quân - Âu Cơ - Nghi Tàm - Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Trần Quang Khải - Trần Khánh Dư - Nguyễn Khoái.

Vành đai 1 chạy qua địa bàn các quận Cầu Giấy, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa (cũ).

Chất lượng không khí ở Hà Nội thường xuyên rơi vào tình trạng báo động

Chất lượng không khí ở Hà Nội thường xuyên rơi vào tình trạng báo động

Thủ đô Hà Nội nhiều năm qua thường ở trong tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí nghiêm trọng, nhất là vào mùa hanh khô và mùa Xuân. Hà Nội cũng thường xuyên góp mặt vào những thành phố ô nhiễm hàng đầu thế giới. Một trong những nguyên nhân hàng đầu được chỉ ra là do hoạt động của phương tiện vận tải.

Thống kê từ Cục Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho thấy, tại các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM, tình trạng ô nhiễm không khí vẫn diễn biến nghiêm trọng, đặc biệt vào các tháng cuối năm. Trong “kỳ ô nhiễm” kéo dài từ tháng 10 trở đi, khoảng 35% số ngày ghi nhận nồng độ bụi mịn PM2.5 vượt ngưỡng cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Riêng Hà Nội, có tới 47 ngày chất lượng không khí ở mức xấu. Số ngày có chất lượng không khí đạt mức tốt chỉ chiếm khoảng 22% trong cả năm. Đáng lo ngại hơn, nồng độ PM2.5 trung bình năm tại Hà Nội lên tới 47 ug/m3 - cao gần gấp đôi so với giới hạn cho phép tại Việt Nam.

Hà Nội có hơn 8,5 triệu phương tiện cá nhân đang lưu thông hằng ngày, trong đó khoảng 1,2 triệu ô tô và gần 7,3 triệu xe máy sử dụng xăng hoặc dầu diesel.

Cần sớm công bố chính sách hỗ trợ

Ủng hộ lộ trình cấm xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch đi vào khu vực nội đô Hà Nội, tiến tới mở rộng ra ô tô và các khu vực khác trên địa bàn Hà Nội, nhưng TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cũng cho rằng đây là lộ trình khá cam go và tốn kém về mặt kinh tế đối với cả người dân và Nhà nước.

Trạm sạc xe điện ở Việt Nam vẫn còn thiếu, chưa đảm bảo cho số lượng lớn, diện rộng người dân sử dụng

Trạm sạc xe điện ở Việt Nam vẫn còn thiếu, chưa đảm bảo cho số lượng lớn, diện rộng người dân sử dụng

"Cấm xe máy vào vành đai I sẽ tác động đến toàn bộ các gia đình, không chỉ các hộ dân ở trong Vành đai 1 mà còn người dân làm việc, học tập trong khu vực này. Bởi vậy, Hà Nội phải sớm công bố một cách mạnh mẽ về cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể cho người dân, làm sao để "không ai bị bỏ lại phía sau" trong cuộc cách mạng xanh hóa đô thị"- TS Dương Hoàng Tùng cho hay.

Bên cạnh đó, Hà Nội cần tổ chức lại hệ thống giao thông công cộng, làm sao để thuận tiện và tăng tính kết nối tốt nhất cho người dân. Từ xe buýt đến các tuyến đường sắt đô thị, đặc biệt đối với các dự án đang và sắp triển khai phải đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào vận hành. Khi giao thông công cộng đáp ứng được thì người dân sẽ dần từ bỏ thói quen sử dụng phương tiện cá nhân.

Cùng đó, hệ thống trạm sạc, hạ tầng điện để phục vụ nhu cầu tăng đột biến của người dân cũng cần phải sớm tính đến và đầu tư - đây được nhận định là rào cản lớn trong việc chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện. "An toàn trong sạc xe điện đang là vấn đề hiện hữu, vì vậy, hệ thống hạ tầng phải đảm bảo an toàn, hạn chế các nguy cơ về cháy nổ", chuyên gia Dương Hoàng Tùng chia sẻ.

Theo ông Tùng, để có thể triển khai chính sách cấm xe máy chạy xăng, dầu đi vào khu vực vành đai 1 từ 1/7/2026, cần sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền Hà Nội cùng những cam kết cụ thể về chính sách hỗ trợ để người dân yên tâm chấp hành.

Lo thiếu trạm sạc

Theo TS Phan Lê Bình, Trưởng đại diện Công ty tư vấn OCG - Nhật Bản, nếu cấm xe máy chạy xăng dầu trong Vành đai 1 Hà Nội, phạm vi và số lượng xe máy của người dân chịu tác động rất lớn, trong đó có nhiều người thu nhập thấp hoặc buôn bán nhỏ. Không chỉ những người dân sinh sống tại khu vực Vành đai 1 mà những người làm việc, kinh doanh buôn bán từ bên ngoài Vành đai 3, Vành đai 2 vào trong phạm vi Vành đai 1 cũng sẽ phải chuyển đổi sang phương tiện xe máy điện hoặc xe công cộng.

Theo các chuyên gia, hiện chưa có thống kê chính thức, song ước tính số lượng xe máy chịu tác động sẽ lên tới hàng triệu chiếc do khu vực nội đô tập trung nhiều cơ quan, cơ sở kinh doanh buôn bán…

Bên cạnh đó, dư luận còn băn khoăn về hệ thống trạm sạc, hệ thống hạ tầng điện đáp ứng cho việc chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện quy mô lớn. Hiện nay, ngoài hệ thống trạm sạc công cộng V-Green thì hệ thống trạm sạc điện chung dành cho các phương tiện xe điện vẫn rất thiếu.

Ngoài các vấn đề trên, có ý kiến còn lo ngại, việc chuyển đổi một số lượng lớn từ xe xăng sang xe điện trong thời gian ngắn có thể đẩy giá xe máy điện lên cao, cùng đó, việc thu mua lại xe máy xăng của người dân cũng sẽ rất khó khăn. Vì thế, nhiều chuyên gia cho rằng, chính sách cấm xe máy trong vành đai I Hà Nội cần triển khai linh hoạt, có lộ trình hợp lý với hỗ trợ đi kèm để tránh các vấn đề phát sinh không mong muốn.

Ngân Tuyền

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/cam-xe-may-xang-vao-vanh-dai-i-ha-noi-tu-1-7-2026-som-co-co-che-chinh-sach-ho-tro-nguoi-dan-post617467.antd