Cảm xúc của người mẹ sống sót sau thảm họa diệt chủng Do Thái

Tôi chắc chắn rằng cha mẹ của bạn bè tôi, những người không phải trải qua cuộc diệt chủng Holocaust, sẽ không lôi Hitler ra để tham chiếu.

Trong một số gia đình, khi đứa trẻ phạm lỗi vượt quá một ranh giới nhất định, cha mẹ sẽ đưa chúng đến “góc bình tĩnh”. Khi đó, hoặc cha mẹ có thể ngồi lại và nói với chúng lý do tại sao việc vâng lời là quan trọng, hoặc không làm gì cả. Ở các gia đình khác, cha mẹ có thể tét vào mông đứa trẻ.

Còn mẹ tôi, người sống sót sau thảm họa diệt chủng Do Thái Holocaust, thì không như vậy. Khi tôi bày bừa hoặc thử vứt bỏ cái đài bán dẫn xuống bồn cầu, mẹ tôi sẽ điên lên, trào nước mắt và hét vào mặt tôi. “Tao không thể chịu đựng nổi nữa!” bà gào lên. “Ước gì tao chết quách cho rồi! Tại sao tao lại còn sống kia chứ? Tại sao Hitler không giết chết tao đi?”

 Ảnh minh họa. Nguồn: Istock.

Ảnh minh họa. Nguồn: Istock.

Sự quát tháo của mẹ khiến tôi cảm thấy tồi tệ. Nhưng thật kỳ lạ là khi còn bé, tôi lại nghĩ phản ứng của mẹ như thế là hoàn toàn bình thường. Bạn học được nhiều điều khi lớn lên, nhưng một trong những bài học nặng nề nhất, bài học mà đôi khi phải mất nhiều năm trị liệu mới có thể gạt bỏ, là những gì bố mẹ nói về bạn bao giờ cũng đúng cả và bất cứ điều gì xảy ra trong gia đình bạn đều là chuẩn mực. Và vì vậy, tôi đã chấp nhận sự quát mắng đó của mẹ.

Tôi chắc chắn rằng cha mẹ của bạn bè tôi, những người đã không phải trải qua thảm họa Holocaust, sẽ không lôi Hitler ra để tham chiếu. Nhưng mà tôi tưởng tượng họ cũng sẽ tuôn ra những câu theo một cách tương tự nào đó. “Tại sao tao lại còn sống sót kia chứ? Tại sao chiếc xe buýt đó không tông vào tao?” “Tại sao lốc xoáy không cuốn tao đi cho rồi?” “Tại sao tao không bị đau tim mà chết đi?”

Ý nghĩ mẹ tôi là một ngoại lệ, cuối cùng, cũng đến với tôi vào một bữa tối hồi học trung học. Bà kể về cuộc hẹn với bác sĩ tâm lý ngày hôm đó. Đây là yêu cầu từ Chính phủ Đức như một phần trong đơn đề nghị được bồi thường hậu Holocaust của bà. Đức quốc xã đã tịch thu hầu hết của cải gia đình bà khi chiến tranh bắt đầu khiến bà trở nên bần cùng.

Nhưng các khoản thanh toán không chỉ căn cứ vào vấn đề tài chính mà còn dựa vào những bằng chứng về cảm xúc bắt nguồn từ những gì bà đã phải chịu đựng. Mẹ tôi đã tròn mắt vì phải đến cuộc hẹn và nghĩ là sẽ bị từ chối vì sức khỏe tâm thần của bà vẫn tốt. Nhưng khi hai anh em tôi đang ăn món gà luộc vô vị trên đĩa, bà phẫn nộ bảo với chúng tôi rằng bác sĩ đã kết luận bà thực sự có vấn đề về cảm xúc.

“Các con có tin được không?” mẹ tôi hỏi, “Ông ta nghĩ mẹ điên! Có mà ông ta điên ấy, chứ đâu phải mẹ.” Rồi bà cao giọng với tôi: “Ăn hết đĩa gà của con đi!” Tôi cự tuyệt. Nó chả ngon gì cả, tôi phàn nàn. “Ăn đi!” mẹ quát. “Một ngày nào đấy, các con tỉnh dậy, có thể sẽ thấy cả nhà chúng ta bị giết! Còn các con thì chả có gì để ăn đâu, phải bò dán bụng xuống bùn mà uống nước bẩn ấy! Lúc đó con có không muốn lãng phí thức ăn thì cũng đã muộn rồi.”

Mẹ những đứa trẻ khác dạy bảo chúng không được lãng phí thức ăn vì còn có nhiều người nghèo đói ở những nơi xa xôi. Còn mẹ tôi thì bảo tôi có thể sẽ sớm phát cuồng vì đói. Đó không phải là lần đầu tiên mẹ bộc lộ cảm xúc kiểu như vậy, nhưng lần này, do ấn tượng về kết luận từ bác sĩ tâm thần nên tôi bắt đầu băn khoăn tự hỏi về sức khỏe tinh thần của bà.

Leonard Mlodinow/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/cam-xuc-cua-nguoi-me-song-sot-sau-tham-hoa-diet-chung-do-thai-post1493598.html