Cảm xúc người dân viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại quê hương Lại Đà, Đông Anh

Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức cùng thời gian trên tại Hội trường Thống Nhất, TP Hồ Chí Minh và tại quê nhà xã Đông Hội, Đông Anh, Hà Nội.

Như Báo Công Thương đã đưa tin, ngày 25/7, tại Nhà văn hóa thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội đã cử hành trọng thể Lễ viếng theo nghi thức Quốc tang đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Quân ủy Trung ương.

Mới tờ mờ sáng, từng đoàn người trang nghiêm đã cùng hướng về khu vực Nhà văn hóa. Trên khắp các đường thôn, ngõ xóm của thôn Lại Đà, không khí bao trùm sự tiếc thương, niềm tự hào, sự kính trọng đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Những lá cờ rủ buộc dải băng đen đã được người dân treo từ vài ngày trước.

Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức tại Nhà văn hóa thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Ảnh: Thế Duy

Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức tại Nhà văn hóa thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Ảnh: Thế Duy

Công tác bảo đảm an ninh an toàn cho lễ tang được các lực lượng vũ trang, lực lượng địa phương triển khai bài bản, khoa học, chu đáo. Vì vậy, dù số lượng người về viếng Tổng Bí thư tại quê nhà rất đông, song không có hiện tượng ùn tắc hay chen lấn. Tuyến đường từ cổng thôn Lại Đà đến Nhà văn hóa thôn đều có các trạm dừng nghỉ, phục vụ nước uống miễn phí cho người dân đến viếng. Phía trong Nhà văn hóa, những bức ảnh ghi lại cuộc đời bình dị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được trưng bày dọc hai bên, ngay dưới ban thờ.

Lễ viếng Tổng Bí thư tại quê nhà được tổ chức từ sớm để người thân, họ hàng trong gia đình Tổng Bí thư tới viếng. Tiếp theo là hàng trăm người dân, hàng xóm, người dân sống cùng thôn, cùng xã, cùng huyện với Tổng Bí thư. Ai ai cũng nghẹn ngào tiếc thương người con ưu tú của quê hương.

Ông Trần Văn Đông, Hội cựu chiến binh, Thương bệnh binh nặng huyện Đông Anh (Hà Nội) cùng đồng đội đến viếng Tổng Bí thư. Ảnh: Thế Duy

Ông Trần Văn Đông, Hội cựu chiến binh, Thương bệnh binh nặng huyện Đông Anh (Hà Nội) cùng đồng đội đến viếng Tổng Bí thư. Ảnh: Thế Duy

Cùng đồng đội đến lễ viếng Tổng Bí thư, ông Trần Văn Đông, Hội cựu chiến binh, Thương bệnh binh năng huyện Đông Anh (Hà Nội) cho biết: “Bác là người cống hiến cho Đảng, Tổ quốc, nhân dân hết mình đến giây phút cuối cùng nên khi biết tin tôi rất xúc động, đau xót, tiếc thương một người được toàn Đảng, toàn dân vô cùng kính trọng. Là một cựu chiến binh, chúng tôi càng cảm thấy xót xa trước sự ra đi của Bác. Những năm qua Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư luôn quan tâm đời sống của cựu chiến binh, thương bệnh binh mỗi ngày một cải thiện”, ông Trần Văn Đông chia sẻ.

Cùng với ông Trần Văn Đông, sáng 25/7, còn có khoảng 30 cựu chiến binh, thương bệnh binh nặng thuộc huyện Đông Anh đến viếng Tổng Bí thư.

Là một người dân ở thôn Lại Đà, nhiều ngày qua, chị Nguyễn Thị Vân chưa hết hụt hẫng khi nghe thông tin Tổng Bí thư, một người con của làng mất. Ngay sau khi nghe tin, chị Nguyễn Thị Vân và người dân phải gác lại nỗi đau để cùng chung tay với chính quyền địa phương tổ chức dọn dẹp, chỉnh trang lại đường xá, nhà cửa để chuẩn bị cho lễ Quốc tang.

Chị Nguyễn Thị Vân, người dân làng Đại Đà tổ chức hướng dẫn học sinh chuẩn bị vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Thế Duy

Chị Nguyễn Thị Vân, người dân làng Đại Đà tổ chức hướng dẫn học sinh chuẩn bị vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Thế Duy

"Trước đó người dân trong thông đã loan tin là bác Trọng yếu rồi, mọi người rất lo lắng, tất cả đều ngóng trông mong bác khỏe. Khi biết tin bác mất thì mọi người đều rất buồn. Với người dân, bác Trọng là một người rất gần gũi, dù bận nhiều công việc và ít có thời gian ở làng. Những mỗi khi có dịp về quê thì bác thường thăm hỏi mọi người từ người già đến trẻ nhỏ. Gần đây khi bác đã yếu thì mỗi khi có thể người dân trong thôn đều tìm mọi cách để gần gũi với bác, hỏi thăm bác. Kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi với bác là trong dịp Tết trồng cây vào năm 2016. May mắn thời gian đó thì tôi được đến và xin chụp với bác một kiểu ảnh. Ấn tượng lớn nhất với tôi là tính cách giản dị, hòa đồng và làm việc một cách say mê, không mệt mỏi. Đến khi bác mất, tôi rất thương bác vì bác làm việc đến tận giây phút cuối cùng, hết lòng vì dân vì nước", chị Nguyễn Thị Vân chia sẻ.

Với lòng xúc động và thương tiếc khôn nguôi, anh Phan Anh Xuân (xóm 4, thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh) cẩn thận cài miếng mica màu đen lên áo cho con. Anh cho biết, từ khi biết tin Tổng Bí thư không còn nữa, gia đình anh thấy như vừa mất đi một người thân ruột thịt.

Giờ phút này, đứng đây chờ vào viếng bác, dù rất buồn nhưng trong tôi tràn ngập những suy nghĩ tự hào, vinh dự khi quê hương có một người con ưu tú, một vị lãnh đạo sống trọn một đời vì dân, vì nước. Bác là tấm gương lớn để chúng tôi học tập, noi theo và nguyện sống, làm việc theo tinh thần cao cả của bác”, anh Phan Anh Xuân chia sẻ.

Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, bắt đầu từ 7h - 22h ngày 25/7 và từ 7h - 13h ngày 26/7. Lễ truy điệu được tổ chức lúc 13h ngày 26/7, lễ an táng hồi 15h cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.

Bên cạnh nhà tang lễ quốc gia, Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn được tổ chức trang trọng tại nhà riêng, quê hương thôn Lại Đà (Đông Anh - Hà Nội); tại Thành phố Hồ Chí Minh, các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài.

Nhóm phóng viên

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cam-xuc-nguoi-dan-vieng-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-que-huong-lai-da-dong-anh-334711.html