Cảm xúc tháng Tư

Mới vậy mà đã 48 năm. 48 năm, ngày 30/4 trở thành ngày lễ trọng đại của đất nước; 48 năm, ngày 30/4 tràn ngập cờ hoa và nắng vàng; ngày của những nụ cười và nước mắt; ngày của đoàn tụ khi đất nước vỡ òa trong niềm vui toàn thắng.

Ảnh: minh họa

Ảnh: minh họa

Để có ngày 30/4, biết bao thế hệ người Việt Nam đã ngã xuống. Cả dân tộc ta đã đi qua một hành trình với biết bao bước ngoặt, lập nên bao chiến công và đổ bao hy sinh mất mát. Để có ngày 30/4, hàng vạn người lính đã ngã xuống suốt dọc chiều dài đất nước, từ Địa đạo Củ Chi đến Tết Mậu Thân 1968; từ mùa hè đỏ lửa 81 ngày của Thành cổ Quảng Trị đến trận chiến “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972. Máu đã đổ trên khắp mọi miền đất nước. Máu không chỉ đổ ở mặt trận, mà đổ ngay trên những cánh đồng. Hạt gạo nuôi quân cũng nhuốm cả máu của các mẹ, các em. Máu đã đổ xuống dọc những cánh rừng Trường Sơn huyền thoại. Hàng vạn ngôi mộ không tên trong các nghĩa trang là hàng vạn người con đất Việt đã nằm xuống để có được đất nước hôm nay.

Ngay trước giờ chiến thắng, vẫn có những người lính ngã xuống ở đầu cầu Sài Gòn, ở Lang Cha Cả… Các anh ngã xuống ngay trước thềm hòa bình, thống nhất non sông.

Đã 48 năm đất nước thanh bình, nhưng cứ đến ngày này, những cựu chiến binh trên khắp mọi miền đất nước lại hội tụ, hoan hỉ gặp nhau để cùng nhau ôn lại những kỷ niệm năm nào. Những kỷ niệm về những năm tháng đau thương và hy sinh mất mát mà họ đã trải qua. Những kỷ niệm thấm đẫm tình đồng chí, đồng đội ở nơi giành giật giữa sự sống và cái chết. Và họ gặp nhau để cùng tưởng nhớ những người mãi mãi ra đi, không trở về với mẹ; nhớ về những bạn bè sống mãi tuổi hai mươi. Vui đấy, cười đấy, nhưng đau đến thắt lòng bởi những đồng đội của họ còn nằm đâu đó giữa khe sâu, rừng thẳm, hay xương thịt đã hòa vào lòng đất Mẹ.

“Vẫn cười đấy, mà rưng rưng nước mắt/ Thương lũ chúng mình/ Thương lắm bạn tôi ơi…”.

Chiến tranh đã kết thúc lâu rồi, vậy mà vẫn xót xa. Xót xa đến tận đáy lòng khi nhìn những bà mẹ nửa thế kỷ vẫn mòn mỏi mong con, chờ chồng trong niềm tin và hy vọng le lói. Đau đớn, xót xa khi có bao người lính mấy chục năm rồi vẫn phải ngồi xe lăn, chẳng được đi đâu xa để tận hưởng không khí đất nước thanh bình. Thương những đồng đội bị bom phạt đứt hai tay, chẳng còn ôm được người thân trong ngày đoàn tụ. Thương những bạn tôi không bao giờ còn nhìn được những gương mặt người thân. Thương cả những đứa trẻ nhiễm chất độc da cam, mấy chục tuổi vẫn chẳng thành người lớn. Thương bạn tôi, bảy chục tuổi đời vẫn chẳng lo cho mình, chỉ băn khoăn một điều “tao chết rồi ai lo cho tụi nó?”.

Chiến tranh đi qua, hàng vạn người lính rời cuộc chiến trở về, bao nhiêu sức trẻ họ bỏ lại chiến trường, giờ ngơ ngác giữa dòng đời phiêu dạt. Rời cây súng, họ trở về quê với vài sào ruộng khoán, hết vụ lúa nọ đến vụ khoai kia, mãi vẫn chẳng đủ ăn. Đêm không ngủ được, vẫn thấy nhớ những tháng năm cầm súng...

Tháng Tư. Đồng đội của tôi ơi, hãy tạm gác tất cả những đau thương, mất mát, bỏ lại sau lưng những suy tư, phiền muộn, hãy nhớ lại những phút giây hạnh phúc đến tột cùng, khi lá cờ Tổ quốc bay trên nóc Dinh Độc Lập. Hãy cùng đồng đội chung vui ngày toàn thắng, để cùng nhớ, cùng nhắc lại những tháng ngày ta đã sống. Để nhớ về những cánh rừng, những dòng sông ta đã tới, những đêm mưa bom, những chiều bão đạn ta đã đi qua và nhắc nhau đứng vững giữa cuộc đời.

Hãy nghĩ về đất nước thống nhất, độc lập tự do, gần nửa thế kỷ thanh bình, vị thế nước Việt được vinh danh trên trường quốc tế, nghĩ về một Tổ quốc Việt Nam đang đổi mới, đời sống nhân dân được cải thiện từng ngày, để mừng vui và tự hào vì ta đã góp được một phần công lao vào đó.

Đồng đội ơi, nhớ mãi tháng Tư này.

Nguyễn Vũ Điền

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/cam-xuc-thang-tu-post460870.html