Cảm xúc thiêng liêng, tự hào ngày Tết Độc lập

Những ngày này, Nhân dân cả nước đang sống trong không khí hân hoan kỷ niệm 77 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2.9.1945 - 2.9.2022. Dù đã 77 năm đi qua, nhưng thời khắc lịch sử ấy không chỉ đọng lại trong ký ức của những lớp người tuổi “xưa nay hiếm” mà còn là niềm tự hào, là truyền thống lịch sử để bồi đắp và phát huy lòng yêu nước của các thế hệ hôm nay và mai sau.

Nữ du kích Hoàng Ngân CHU THỊ KHÂM (xã Trưng Trắc, Văn Lâm): Quê hương thêm giàu đẹp, văn minh, hiện đại

Một ngày trời thu tháng 8, chúng tôi về thôn Tuấn Dị, xã Trưng Trắc (Văn Lâm) gặp nữ du kích Hoàng Ngân Chu Thị Khâm. Năm nay, bà đã gần 90 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn.

Nữ du kích Hoàng Ngân CHU THỊ KHÂM (xã Trưng Trắc, Văn Lâm) kể lại một thời đã xa

Chắp nhặt những mảnh ký ức còn sót lại của một thời đã xa, bà Khâm bồi hồi: Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nổ ra khi tôi còn nhỏ tuổi. Tôi còn nhớ ngày ấy người dân sống cơ cực lắm. Một cổ, hai tròng, sưu cao, thuế nặng. Ruộng đất của nông dân về hết tay địa chủ, từ đám thanh niên đến người già quanh năm chỉ đi cày thuê, cuốc mướn để kiếm miếng ăn. Cơ cực lắm, vậy mà vẫn đói, khổ. Bọn địa chủ, cường hào, tay sai của Nhật ra sức vơ vét, tích trữ lương thực, người dân thì đói nheo nhóc, người chết đói ở khắp nơi. Thế rồi, Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám giành chính quyền thành công, người dân khắp nơi vui mừng, phấn khởi. Mọi người hòa vào dòng người mang theo băng cờ, khẩu hiệu, biểu ngữ tuần hành theo đường tàu hỏa, đường 5 về huyện lỵ rồi xuống tỉnh lỵ dự mít tinh… Ngày còn bé, dù chưa hiểu hết về ý nghĩa của Cách mạng Tháng Tám nhưng qua câu chuyện của người lớn, tôi hiểu được rằng: Cuộc sống của Nhân dân ta đã thực sự thay đổi. Người dân được làm chủ vận mệnh của mình. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, các tầng lớp Nhân dân nhất tề đứng lên, chung sức đồng lòng bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Hòa trong bầu nhiệt huyết cách mạng đó, tôi tham gia vào đội thiếu niên xã rồi đội Nữ du kích Hoàng Ngân.

Nhắc lại câu chuyện ngày tham gia đội Nữ du kích Hoàng Ngân của địa phương, gương mặt của bà Khâm như tràn đầy sức sống, nhiệt huyết của tuổi thanh xuân năm nào. Giọng nói sang sảng, bà kể: Ngày ấy, phong trào du kích Hoàng Ngân của xã sôi nổi, thu hút nhiều chị em tham gia. Sức trẻ cùng với niềm vinh dự, tự hào khi được góp sức mình vào phong trào đấu tranh của địa phương, chúng tôi tham gia hoạt động bất kể ngày, đêm. Được giao nhiệm vụ là chúng tôi lên đường với quyết tâm cao nhất hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ngày ấy, tôi được giao nhiệm vụ đưa đón bộ đội, các đoàn cán bộ của tỉnh qua đường 5 tránh sự phục kích của địch...

Dẫu những mảng ký ức không còn nguyên vẹn do thời gian và tuổi tác bào mòn, song, tinh thần quật khởi, khí thế hoạt động cách mạng sôi nổi là những gì chúng tôi cảm nhận được qua từng câu chuyện bà kể. Mùa thu năm ấy, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả dân tộc Việt Nam triệu người như một, nhất tề vùng lên tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thắng lợi, đập tan ách thống trị của thực dân phong kiến, giành chính quyền về tay Nhân dân. “Giờ đây, chứng kiến sự đổi thay của xóm làng với những ngôi nhà cao tầng san sát mọc lên, buôn bán sầm uất ngược xuôi…, tôi thấy rằng xã Trưng Trắc, nơi chôn nhau cắt rốn của tôi, rồi huyện Văn Lâm, quê hương Hưng Yên… đang ngày càng phát triển. Chắc chắn rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quê hương, đất nước sẽ càng ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại hơn…” là những câu nói chúng tôi được nghe khi chia tay bà Khâm.

Đồng chí ĐÀO ĐỨC CÂN, thị trấn Lương Bằng (Kim Động), 62 năm tuổi Đảng: Trân trọng, tri ân những thành quả cách mạng

Đồng chí ĐÀO ĐỨC CÂN, thị trấn Lương Bằng (Kim Động)

Là thương binh hạng 4/4, mặc dù đã 90 tuổi, 62 năm tuổi Đảng, mang trên mình nhiều thương tật, vào những ngày trái gió trở trời vết thương hành hạ, đau nhức nhưng tôi vẫn nhớ như in những ngày tháng đói nghèo ở thôn Bằng Ngang, thị trấn Lương Bằng (Kim Động) năm xưa. Nhà tôi, bố mẹ sinh được 7 người con, trong đó có 6 người con trai, thời bấy giờ các suất đinh phải đóng thuế thân nên mọi thành viên trong nhà tôi phải đi làm công, làm mướn, mò cua, bắt ốc, làm đủ mọi việc để lấy tiền đóng. Nhiều đàn ông trong thôn không có tiền đóng thuế thân đã phải bỏ xứ đi trốn. Vào cuối năm 1944, đầu năm 1945, khi đó tôi còn là cậu bé gần 12 tuổi, đang tuổi ăn, tuổi lớn nhưng quanh năm lúc nào cũng đói, thèm được ăn 1 bữa cơm trắng. Hàng ngày, gia đình chúng tôi phải ăn cơm độn với rau má, cơm độn rau muống già, có khi hết gạo mẹ tôi nấu dọc khoai ngứa với muối trắng thành cháo loãng để cả nhà ăn chống đói. Tuy đói, nghèo nhưng ngay từ nhỏ anh em chúng tôi đã được bố - một cán bộ, đảng viên tuyên truyền giác ngộ cách mạng. Vào ngày 19.8.1945, khi đó đang đi lao động ngoài cánh đồng, tôi thấy rất nhiều người dân đi thành hàng dài gánh quang gánh đi phá kho thóc của Nhật ở khu Đống Long (nay là xã Hùng An, huyện Kim Động). Sau khi phá được kho thóc, họ gánh thóc về chia cho người dân.

Là một người đã từng trải qua những ngày tháng lầm than, chịu ách thống trị của thực dân Pháp, phát xít Nhật, được trực tiếp cầm súng tham gia 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tôi càng thấu hiểu ý nghĩa lớn lao của ngày Tết Độc lập đầu tiên của dân tộc. Để có được thành quả đó, biết bao máu xương của thế hệ cha anh, của những người đồng đội đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của dân tộc. Tôi mong, thế hệ trẻ hôm nay tiếp tục trân trọng, tri ân những thành quả của dân tộc, nỗ lực học tập, lao động, sản xuất và cống hiến để góp phần dựng xây quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Bác sĩ NGUYỄN THỊ VIỆT HỒNG, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh: Tự hào truyền thống, tiếp bước cha anh

Bác sĩ NGUYỄN THỊ VIỆT HỒNG

Là một người dân đất Việt, mỗi dịp thu sang, trong lòng tôi bâng khuâng dâng trào niềm tự hào về cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của dân tộc và thời khắc thiêng liêng diễn ra sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước: Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình trong ngày 2.9.1945. Đó là một dấu mốc lịch sử chói lọi của dân tộc, khẳng định đất nước ta đã hoàn toàn độc lập, Nhân dân ta từ thân phận nô lệ, xứng đáng được hưởng cuộc sống tự do, hạnh phúc và làm chủ vận mệnh của mình.

Đất nước ngày càng phát triển, đang sánh bước cùng năm châu; quê hương đổi mới, diện mạo từ thành thị đến nông thôn thay đổi từng ngày, đời sống người dân không ngừng nâng cao. Thành quả ấy được kế thừa, tiếp nối từ thế hệ này đến thế hệ khác, được đắp bồi từ truyền thống vẻ vang của dân tộc. Tôi sinh ra khi đất nước đã hòa bình, được học tập, lao động, hưởng niềm vui thái bình. Đó là một may mắn nhưng cũng đầy tự hào về một dân tộc tự lực, tự cường, yêu chuộng hòa bình, càng trân trọng, biết ơn các thế hệ cha anh đã anh dũng hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Vì vậy, tôi nghĩ rằng, mình càng phải nhận thức sâu sắc hơn giá trị của nền độc lập, để đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của đất nước, làm tròn trách nhiệm của một người thầy thuốc được Đảng, Nhà nước giao phó trọng trách bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Tôi nguyện sẽ vượt qua những khó khăn, vất vả tiếp bước truyền thống của một dân tộc anh hùng, luôn ý thức học tập trau dồi nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, giữ vững phẩm chất cao quý của người thầy thuốc để hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc người bệnh tốt nhất, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, đóng góp vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của quê hương, đất nước.

Đồng chí TRẦN HOÀNG QUÂN, Phó Bí thư Đoàn thanh niên Công an tỉnh: Tiếp tục lan tỏa phong trào “Thanh niên CAND học tập, thực hiện sáu điều Bác Hồ dạy”

Đã 77 năm trôi qua, nhưng cứ mỗi dịp mùa thu tháng Tám, Tết Độc lập 2.9, những người dân trên đất nước Việt Nam đều không khỏi bồi hồi, xúc động, ý thức về giá trị của độc lập, tự do. Được sống, học tập, lao động ở một đất nước hòa bình, đang vươn mình phát triển, thế hệ trẻ chúng tôi luôn khắc ghi công ơn của Đảng, của Bác Hồ đã đem lại cho Nhân dân cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Những đoàn viên, thanh niên đang phục vụ trong lực lượng Công an nhân dân (CAND) hôm nay không ngừng học tập, trau dồi kiến thức, bản lĩnh chính trị, chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao để xứng đáng với những hy sinh, mất mát của cha, anh đi trước vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Đồng chí TRẦN HOÀNG QUÂN, Phó Bí thư Đoàn thanh niên Công an tỉnh

Với vai trò là Phó Bí thư Đoàn thanh niên Công an tỉnh, tôi cùng tập thể Ban Thường vụ Đoàn thanh niên tăng cường các biện pháp giáo dục chính trị, tư tưởng cho đoàn viên, thanh niên; khuyến khích đoàn viên, thanh niên phát huy tinh thần sáng tạo, xung kích tuổi trẻ trong thực hiện các công trình, phần việc gắn với nhiệm vụ chính trị của đơn vị; đồng thời xây dựng tinh thần xung kích, tình nguyện với phương châm “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên” vì cuộc sống cộng đồng, tiếp tục lan tỏa phong trào “Thanh niên CAND học tập, thực hiện sáu điều Bác Hồ dạy” trong toàn lực lượng thanh niên Công an tỉnh.

Nhóm phóng viên

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/chinh-tri/202209/cam-xuc-thieng-lieng-tu-hao-ngay-tet-doc-lap-7401a7e/