Cảm xúc từ bài thơ 'Bàn tay bạn bè'

Tôi đã rất xúc động khi đọc bài thơ 'Bàn tay bạn bè' của tác giả Bùi Nguyễn Trường Kiên trên báo Bình Thuận. Một nỗi u hoài man mác lan nhẹ trong lòng tôi và tôi đã đọc lại bài thơ nhiều lần. Bài thơ được tác giả viết theo thể thơ tự do, gồm 5 khổ thơ, không dài lắm, song dễ gây ấn tượng mạnh nơi người đọc.

Cảm xúc từ bài thơ

Hình ảnh của những thanh niên xung phong của những ngày tuổi trẻ: “Hồi ấy đứa nào cũng khỏe/ Lên rừng/ Xuống biển/ Nhẹ như không”. Các anh chị thanh niên xung phong (TNXP) ngày ấy, khi đất nước còn vô vàn khó khăn, đã hăng hái lên đường, làm nhiều công việc khác nhau, theo tiếng gọi của Tổ quốc, quê hương, trong điều kiện thiếu thốn về vật chất, nhưng vẫn ấp ủ một niềm tin vào tương lai đẹp tươi của đất nước: “Ăn bo bo mà vẫn thấy cuộc đời hồng/ Mơ đất nước một ngày mai tươi sáng…”.

Tinh thần lạc quan của những người sức trẻ, phơi phới, yêu đời, đẹp và đáng yêu làm sao! Tác giả cũng đã khéo khắc họa những hình ảnh biểu thị sự hăng say, quyết tâm trong lao động của những thanh niên xung phong thời trẻ: “Hồi xưa tay đứa nào cũng quen nắm lại/ Cán leng cán cuốc cũng phải mòn”. Và rồi, sau khi hoàn thành những nhiệm vụ của thanh niên xung phong thời trai trẻ; nay, các anh chị ấy trở về cuộc sống thường nhật, làm nhiều nghề khác nhau để mưu sinh. Tác giả đã liệt kê một số nghề các anh chị cựu TNXP làm: “Xích lô/ Dọn chợ/ Bốc vác/ Trăm nghề”, cùng với đó là hình ảnh những bàn tay nắm chặt: “Xấp vé số/ Tấm giẻ lau/ …”. Ghi lại những công việc ấy, tác giả bài thơ có lẽ gởi gắm điều: Cơm áo không đùa với một ai, trong đó có những cựu TNXP.

Đã có tổ chức Hội Cựu Thanh niên xung phong từ cấp Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp cơ sở, với nhiều hoạt động nghĩa tình chăm lo cho đời sống vật chất, tinh thần của các đồng đội của mình.

Nhà thơ, nhà văn Bùi Nguyễn Trường Kiên,cây bút luôn lạc quan về lòng người

5 khổ thơ, là 5 lần cụm từ “Không phải của bạn tôi đâu” được lặp lại ở đầu mỗi khổ. Để tiếp theo đó là “Bàn tay tôi xòe đấy” được lặp lại 5 lần ngay ở dòng thứ 2 của mỗi khổ thơ. Cách sắp xếp như vậy, phải chăng, nhằm để tác giả nhấn mạnh rằng: Tổ chức hội các cấp cùng các tổ chức, những ban ngành chức năng chung sức tham mưu những chính sách, cùng vận động, tìm những giải pháp để giúp đỡ các cựu TNXP, cả vật chất, lẫn tinh thần, tình cảm. Mọi việc làm ấy để mong đón nhận: “Ngọt lành nhân nghĩa, chút hương mai mùa xuân, để cơn bấc cuối năm thổi về phía nghìn trùng/ Để bạn tôi tối nay có chén cơm đầy/ Và đẫy giấc!”.

Tác giả Bùi Nguyễn Trường Kiên đã khéo khắc họa những hình ảnh tương quan đối lập: Bàn tay xòe ra/ Và những bàn tay nắm chặt, nhằm gởi đến người đọc thông điệp: Trong khi những cựu TNXP vẫn tiếp tục làm nhiều nghề khác nhau để mưu sinh, thì những hội, đoàn thể, ban ngành chức năng vẫn đang tiếp tục quan tâm, chăm lo cho đời sống vật chất, tình cảm của các anh chị đồng đội của mình, bằng những giải pháp khác nhau.

Sự vận động, bên cạnh được sự ủng hộ của nhiều đơn vị, tổ chức, ban ngành, địa phương, thì đây đó, vẫn có những tổ chức, đơn vị chưa thật mặn mà. Có lẽ, từ những trường hợp riêng lẻ ấy, để tác giả bài thơ hạ bút: “Bàn tay xòe để xin điều gì vời vợi lắm/ Sao chẳng nghe tiếng đáp phía cuối đời!”. Song, trên tất cả, đó là nghị lực để bản thân mỗi cựu TNXP vươn lên trong cuộc sống, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào. Tác giả đã kết bài bằng dòng thơ: “Đừng buông, cứ nắm chặt vậy, bạn tôi ơi!”.

Riêng ở Bình Thuận, Hội Cựu Thanh niên xung phong các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai rất nhiều hoạt động nghĩa tình trong nhiều năm qua: Phối hợp với các ngành chức năng tham mưu giải quyết chính sách cho hội viên, phối hợp xây nhà tình nghĩa cho đồng đội có hoàn cảnh khó khăn, thăm hỏi đồng đội khi đau ốm, lễ tết, nhận nuôi những nữ hội viên cựu TNXP nghèo, cô đơn, giúp nhau làm kinh tế, tặng vở, xe đạp cho con cháu cựu TNXP… đem lại những kết quả rất cụ thể, hữu ích, phần nào làm ấm lòng đồng đội lúc tuổi đã cao, sức khỏe đã giảm.

Ý tưởng của tác giả đã được trải rộng trong toàn bài thơ, không gò chặt theo số chữ cố định ở mỗi dòng. Bài thơ vẫn tạo cho độc giả sự kết nối liền mạch cảm xúc bởi những vần chân được sắp xếp gần nhau. Dẫu cảm xúc man mác u hoài có lan nhẹ, thì với tôi, cách khắc họa của tác giả đã đem đến những ấn tượng nơi người đọc, tạo cho bài thơ dễ đi vào lòng người. Bạn đọc sẽ nhớ nhiều đến nghị lực của những cựu thanh niên xung phong, cả những ngày trai trẻ, lẫn khi đã cao niên.

Minh Trí

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/van-hoa/cam-xuc-tu-bai-tho-ban-tay-ban-be-135797.html