Campuchia ghi nhận 650 ca mắc COVID-19 mới trong ngày đầu dỡ phong tỏa thủ đô

Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 4/4/2021 - Nguồn: AFP/TTXVN

Từ sáng 6/5, các nhà chức trách Campuchia đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa tại thủ đô Phnom Penh và TP Ta Khmao tiếp giáp thủ đô.

Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN tại Campuchia, người dân đã được phép đi lại bình thường trong khi một số ít hoạt động kinh doanh theo quy định vẫn tạm thời đóng cửa. Vào tối 5/5, chính quyền thủ đô Phnom Penh đã ban hành bộ hướng dẫn chi tiết về một số hoạt động trong giai đoạn 7 ngày (từ ngày 6/5 đến 12/5) sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ tại thủ đô.

Văn bản hướng dẫn thi hành gồm 14 trang do Đô trưởng Phnom Penh Khuong Sreng ký, nêu rõ chính quyền Phnom Penh sẽ duy trì một số vùng phân màu theo cấp độ quản lý trong thành phố với những quy định tương tự như giai đoạn phong tỏa.

Cụ thể, người dân ở “Khu vực đỏ” và “Khu vực vàng sậm” phải ở trong nhà và chỉ ra ngoài nếu thực sự cần thiết. Tại "Khu vực vàng,” hoạt động đi lại trở về bình thường và phần lớn hoạt động kinhdoanh được mở cửa trở lại. Tuy nhiên, lệnh giới nghiêm vẫn có hiệu lực 20 giờ tối hôm trước đến 3 giờ sáng hôm sau với tất cả các khu vực.

Theo Luật Phòng chống COVID-19 và các bệnh dịch truyền nhiễm, những đối tượng vi phạm các quy định về hạn chế đi lại sẽ bị truy tố hoặc xử lý theo biện pháp hành chính.

Báo cáo trong ngày 6/5 của Bộ Y tế Campuchia ghi nhận 650 ca mắc mới COVID-19. Hiện Campuchia có tổng cộng 17.621 ca mắc với 6.843 trường hợp đã bình phục và 114 ca tử vong.

Công nhân ở các nhà máy thuộc Phnom Penh và tỉnh Kandal được phép đi làm việc luân phiên 2 tuần/tháng, với 50% số lao động làm việc trong 2 tuần đầu tiên của tháng và 50% làm việc trong 2 tuần tiếp theo.

Những nhà máy đã có 80% công nhân tiêm vắcxin ngừa COVID-19 (dù là mũi đầu tiên) không phải áp dụng quy định làm việc luân phiên này, nhưng phải duy trì những biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt. Tính đến ngày 6/5, hơn 1,5 triệu người, tương đương 15% dân số Campuchia, đã được tiêm vắcxin ngừa COVID-19.

Theo Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen, nước này có kế hoạch tiêm chủng cho ít nhất 10 triệu người dân.

Trong khi đó, ngày càng có thêm nhiều nước ghi nhận các ca mắc biến thể mới của virus SARS-CoV-2 từ Ấn Độ.

Ngày 5/5, Bộ Y tế Iran thông báo phát hiện 3 ca mắc đầu tiên mắc biến thể mới này, làm dấy lên lo ngại dịch bệnh có nguy cơ trầm trọng hơn. Các ca trên nằm trong số những công dân Ấn Độ sinh sống ở Iran, đều tại tỉnh miền Trung Qom.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trước đó đã cảnh báo biến thể mới có nguồn gốc tại Ấn Độ đã xuất hiện tại hàng chục quốc gia và được cho là nguyên nhân khiến số ca mắc mới tăng mạnh tại quốc gia Nam Á này.

Biến thể mới từ Ấn Độ là biến thể kép và cho tới nay WHO chưa khẳng định biến thể này có khả năng lây lan nhanh hơn và làm giảm hiệu quả vắcxin hay không.

Iran đang đối phó với làn sóng dịch thứ 4 tại khu vực Trung Đông mà nguyên nhân được cho là do người dân di chuyển nhiều trong kỳ nghỉ năm mới Ba Tư hồi tháng 3 vừa qua. Bộ trưởng Namaki nhận định Iran đã phần nào kiểm soát được đợt dịch lần này.

Hiện phần lớn các thành phố đều bị xếp loại là vùng "đỏ" với việc các cửa hàng thiết yếu chỉ được phép mở cửa. Iran ghi nhận 15.872 ca mắc mới và 349 ca tử vong do COVID-19 trong vòng 24 giờ qua. Cho tới nay, quốc gia vùng Vịnh này có tổng cộng 2.591.609 ca mắc, trong đó 73.568 ca tử vong.

Tương tự, Bộ Y tế Kenya thông báo phát hiện một trường hợp mắc biến thể mới tại Ấn Độ, chỉ vài ngày sau khi nước láng giềng Uganda cũng ghi nhận sự xuất hiện của biến thể này. Theo Tiến sĩ Patrick Amoth thuộc Bộ Y tế Kenya, trường hợp mắc biến thể được phát hiện trong số các mẫu lấy từ những người Ấn Độ làm việc ở TP Kisumu, phía tây Kenya.

Các ca mắc biến thể mới từ Ấn Độ tại Uganda xuất phát từ một du khách đến từ Ấn Độ mới đây. Hiện Kenya, Uganda, Tanzania và Rwanda đã tạm ngừng các chuyến bay đến và đi từ Ấn Độ. Theo số liệu thống kê, Kenya đã ghi nhận tổng cộng 161.393 trường hợp mắc COVID-19 và 2.825 ca tử vong, trong đó bao gồm 489 trường hợp mắc mới và 20 ca tử vong mới trong vòng 24 giờ qua.

Trong khi đó, chuyên gia y tê Nam Phi dự đoán làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ 3 tại nước này có thể xảy ra vào tháng 6, và có thể yếu hơn và ít tàn khống khốc hơn do tỉ lệ lây nhiễm trong các đợt dịch trước đó.

Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, Hiệp hội mô hình COVID-19 Nam Phi (SACMC) thuộc Viện các bệnh truyền nhiễm quốc gia (NICD) cho hay các nghiên cứu triển khai vào tháng 1 và tháng 2 vừa qua cho thấy có thể khoảng 30%-40% dân số nước này đã nhiễm virus SARS-CoV-2.

SACMC nhận định tùy thuộc vào mức độ phản ứng từ Chính phủ Nam Phi đối với sự gia tăng các ca nhiễm mới, số người tử vong trong đợt lây nhiễm thứ 3 ở nước này có thể dao động từ 7.800 đến 70.200 ca.

Các nhà khoa học của NICD nhận định mức tăng số ca tử vong trong đợt lây nhiễm thứ 2 phần lớn do sự xuất hiện của biến thể 501Y.V2 - lần đầu được phát hiện tại khu đô thị Vịnh Nelson Mandela thuộc tỉnh Đông Cape vào tháng 10 năm ngoái.

Đến hết ngày 5/5, Nam Phi ghi nhận hơn 1.588.221 ca mắc COVID-19, đứng đầu châu Phi. Mức tăng trung bình số ca mắc mới trong 7 ngày gần nhất vào khoảng 1.200 ca, giảm sâu so với mức đỉnh gần 19.000 vào tháng 1 vừa qua.

Tại Ấn Độ, theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, phát biểu tại một hội nghị trực tuyến, Tiến sĩ Kang nói rõ các dự đoán từ một số mô hình phân tích dịch tễ cho thấy số bệnh nhân nhiễm mới có thể giảm dần vào khoảng giữa và cuối tháng 5. Một số mô hình dự báo làn sóng dịch thứ hai sẽ lắng xuống vào đầu tháng 6 tới.

Thông tin cập nhật sáng 6/5 của Bộ Y tế Ấn Độ cho biết trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận trên 412.000 ca nhiễm mới COVID-19 và thêm 3.980 ca tử vong. Đây đều là các mức tăng kỷ lục theo ngày kể từ khi dịch bệnh bùng phát, đưa tổng số ca bệnh tại Ấn Độ lên trên 21,07 triệu ca, trong đó có 230.168 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia y tế, con số thực tế có thể còn cao gấp từ 5 đến 10 lần.

Hiện tác động của dịch bệnh đã được cảm nhận rõ ở các bang miền nam Ấn Độ như Karnataka, Kerala và Tamil Nadu, với số ca nhiễm mới tăng đột biến, vượt qua những mức đỉnh điểm trong làn sóng đầu tiên.

Trong khi đó, Hải quân Ấn Độ thông báo tiến hành chiến dịch Samudra Setu II (Cầu Đại dương II) để vận chuyển các thiết bị và nguồn cung y tế cần thiết từ các nước hỗ trợ Ấn Độ. Cụ thể, 9 tàu chiến hàng đầu của Hải quân Ấn Độ đã được triển khai tham gia chiến dịch trên. Các tàu này sẽ đến khu vực Tây Á và Đông Nam Á để vận chuyển các bình oxy lỏng, máy tạo oxy và các thiết bị y tế cần thiết khác về Ấn Độ.

Giới chức y tế Úc đang đẩy mạnh chiến dịch truy vết sau khi thành phố Sydney, bang New South Wales, phát hiện hai ca mắc COVID-19. Đây là những ca nhiễm đầu tiên trong cộng đồng trong hơn một tháng qua tại đây.

Một cặp vợ chồng đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Đáng lo ngại là hai người này nhiễm biến thể mới từ Ấn Độ và có liên quan đến một người trở về từ Mỹ, vốn đã thực hiện cách ly tại một khách sạn ở Sydney. Các xét nghiệm ban đầu cho thấy lượng virus SARS-CoV-2 của người này cao hơn mức trung bình thường có ở những người nhiễm bệnh khác, có thể làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm cho người khác.

Trước tình hình này, Thủ hiến bang New South Wales Gladys Berejiklian đã quyết định áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội bắt buộc tại Sydney và một số vùng lân cận, từ 17h ngày 6/5 (giờ địa phương) và trước mắt kéo dài đế ngày 10/5 tới. Các biện pháp bao gồm yêu cầu người dân đeo khẩu trang khi sử dụng các phương tiện vận tải công cộng và trong không gian kín, cấm tập trung từ 20 người trở lên, hạn chế số người đến thăm các nhà dưỡng lão.....

Úc đã kiềm chế được sự lây lan của virus SARS-CoV-2 nhờ hệ thống truy vết nhanh, hạn chế đi lại và kiểm soát biên giới. Trước tình hình dịch bệnh phức tạp tại Ấn Độ, mới đây, Chính phủ Úc đã ban hành lệnh cấm nhập cảnh đối với những người đến từ Ấn Độ. Lệnh cấm này đi kèm quy định phạt tiền hoặc phạt tù những đối tượng vi phạm.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/255319/campuchia-ghi-nhan-650-ca-mac-covid-19-moi-trong-ngay-dau-do-phong-toa-thu-do.html