Campuchia kêu gọi Mỹ đàm phán về thuế quan
* Trung Quốc đưa thêm 16 thực thể của Mỹ vào danh sách kiểm soát xuất khẩu
Thông tấn xã Campuchia (AKP) tối 4/4 đưa tin Chính phủ Hoàng gia Campuchia đã thông báo lập tức giảm thuế đối với 19 loại hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, đồng thời đề nghị phía Washington đàm phán về việc áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của Campuchia.

Campuchia kêu gọi Mỹ đàm phán về vấn đề thuế quan. Nguồn: Marineinsight
Trong thông điệp cùng ngày gửi tới Tổng thống Mỹ Donald Trump được phóng viên TTXVN tại Phnom Penh trích dẫn, Thủ tướng Campuchia Hun Manet nêu rõ để hồi đáp thông báo gần đây của ông Trump vào ngày 2/4 áp mức thuế 49% đối với các sản phẩm của Campuchia kể từ ngày 9/4, Campuchia đề xuất đàm phán với chính quyền Mỹ vào thời điểm sớm nhất và mong muốn đề nghị Washington xem xét hoãn việc thực hiện mức thuế quan nêu trên.
Thủ tướng Campuchia nhấn mạnh mức thuế quan tối đa hiện tại của Campuchia áp với hàng hóa Mỹ là 35%. Để thể hiện thiện chí của Campuchia và với tinh thần muốn tăng cường quan hệ thương mại song phương, Phnom Penh cam kết thúc đẩy nhập khẩu sản phẩm tại Mỹ bằng cách giảm ngay lập tức 19 loại sản phẩm từ mức thuế ràng buộc tối đa 35% xuống mức thuế áp dụng 5%.
Nhà lãnh đạo Campuchia tái khẳng định cam kết mạnh mẽ của nước này trong việc tham gia vào đối thoại hiệu quả có tính xây dựng với Chính phủ Mỹ nhằm tăng cường hơn nữa thương mại song phương, để hai quốc gia và người dân hai nước có thể hưởng lợi từ mối quan hệ thương mại quan trọng này.
Đồng thời, liên quan tới vấn đề này, Bộ trưởng Thương mại Campuchia Cham Nimul cũng kêu gọi Đại diện thương mại Mỹ Jamieson Greer “thiết lập cơ chế đàm phán và kéo dài hạn chót của việc áp thuế nhằm cho phép tiến hành các cuộc tham vấn với các bên liên quan cũng như đánh giá kỹ lưỡng các phương pháp tiếp cận thay thế nhằm bảo vệ cả lợi ích kinh tế của Mỹ và sự phát triển bền vững của Campuchia.
Bà Cham Nimul nêu rõ: “Campuchia vô cùng coi trọng mối quan hệ lâu dài với Mỹ, mối quan hệ được xây dựng trên sự tôn trọng lẫn nhau, lợi ích chung và hợp tác mang tính xây dựng trong nhiều thập kỷ, trong đó hầu hết các mặt hàng Campuchia xuất khẩu sang Mỹ đều bổ sung cho hàng hóa và ngành công nghiệp của Mỹ”.
Trong khi đó, với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2025, dưới danh nghĩa trụ cột Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Bộ trưởng Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia Tengku Datuk Seri Zafrul Abdul Aziz sẽ chủ trì cuộc họp đặc biệt các bộ trưởng Kinh tế ASEAN vào ngày 10/4 tới.
Trong một tuyên bố mới nhất, MITI cho biết, cuộc họp dự kiến sẽ thảo luận về những tác động sâu rộng của các biện pháp thuế quan của Mỹ đối với dòng chảy thương mại và đầu tư trong khu vực, sự ổn định kinh tế vĩ mô và phản ứng phối hợp của ASEAN nhằm duy trì lợi ích kinh tế của khu vực và cam kết lâu dài đối với một hệ thống thương mại cởi mở, công bằng và dựa trên luật lệ.
Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng sẽ thảo luận về cách giải quyết cũng như biện pháp nhằm giảm thiểu những gián đoạn đối với thương mại khu vực, mạng lưới chuỗi cung ứng và đầu tư xuyên biên giới. Theo MITI, điều này nhằm đảm bảo ASEAN tiếp tục là một trung tâm ổn định, cạnh tranh và hấp dẫn đối với thương mại và đầu tư toàn cầu.
Trong một diễn biến liên quan, trên trang Facebook cá nhân, Thủ tướng Anwar Ibrahim chia sẻ, trong ngày 4/4, ông đã có các cuộc trao đổi qua điện thoại với người đồng cấp các nước Indonesia, Philippines, Brunei, Singapore để thống nhất và cùng phối hợp để đưa ra phản ứng chung liên quan đến việc Mỹ áp thuế đối ứng với các thành viên ASEAN.
Ông viết: “Với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Malaysia mong muốn có sự đồng thuận giữa các nước thành viên trong việc thiết lập nguyên tắc công bằng và bình đẳng trong mọi cuộc đàm phán thương mại. Nếu thuận lợi, tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN sắp tới sẽ tiếp tục thảo luận về vấn đề này và tìm ra giải pháp tốt nhất cho các nước thành viên”.
Trong diễn biến khác, ngày 4/4, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, theo các quy định có liên quan của Luật Kiểm soát xuất khẩu của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Quy định của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về Kiểm soát xuất khẩu các mặt hàng lưỡng dụng, và để bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia cũng như thực hiện các nghĩa vụ quốc tế như không phổ biến vũ khí hạt nhân, Trung Quốc đã đưa 16 thực thể của Mỹ vào danh sách kiểm soát xuất khẩu.
Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, biện pháp này cấm xuất khẩu các mặt hàng có mục đích sử dụng kép cho 16 thực thể Mỹ, bao gồm High Point Aerotechnologies; Universal Logistics Holdings, Inc.; Source Intelligence, Inc.; Coalition For A Prosperous America; Sierra Nevada Corporation; Edge Autonomy Operations LLC; Cyberlux Corporation; Hudson Technologies Co.; Saronic Technologies, Inc; Oceaneering International, Inc.; Stick Rudder Enterprises LLC; Cubic Corporation; S3 AeroDefense; TCOM, Limited Partnership; TextOre; ACT1 Federa.
Đồng thời, Bộ Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh bất kỳ hoạt động xuất khẩu liên quan nào đang diễn ra phải được dừng ngay lập tức. Khi thực sự cần thiết phải xuất khẩu trong những trường hợp đặc biệt, doanh nghiệp xuất khẩu phải nộp đơn xin phép lên Bộ Thương mại. Thông báo này có hiệu lực kể từ ngày công bố.
Trước đó cùng ngày 4/4, trang mạng tiếng Anh của Tân Hoa xã đưa tin nước này sẽ áp thuế bổ sung 34% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, có hiệu lực từ ngày 10/4.
Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết đây là bước đi nhằm đáp lại mức thuế đối ứng 34% mà Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo vào chiều 2/4 theo giờ địa phương, tức sáng 3/4 theo giờ Việt Nam.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã đệ đơn lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) kiện Mỹ về mức thuế đối ứng nói trên.
Trung Quốc tiến hành bước đi trên cùng thời điểm Tổng thống Trump cho biết ông sẵn sàng xem xét thỏa thuận đổi việc giảm thuế cho Trung Quốc với việc Bắc Kinh đồng ý bán lại ứng dụng TikTok. Nền tảng chia sẻ video này thuộc sở hữu của tập đoàn ByteDance và hiện đang đối mặt với hạn chót ngày 5/4 sẽ phải dừng hoạt động tại Mỹ nếu không tìm được chủ sở hữu mới không thuộc Trung Quốc.