Campuchia mở chiến dịch trấn áp tội phạm lừa đảo sử dụng công nghệ cao
Thủ tướng Campuchia vừa ban hành một chỉ thị, trong đó yêu cầu triển khai chiến dịch tấn công trấn áp triệt để các loại hình tội phạm liên quan hoạt động lừa đảo qua mạng ở quốc gia Đông Nam Á này.

Chính phủ Hoàng gia Campuchia yêu cầu người đứng đầu cơ quan hành chính, công an thủ đô và các tỉnh trên phạm vi toàn quốc, cũng như các cơ quan bộ, ban, ngành hữu quan các cấp tổ chức triển khai hoạt động tấn công trấn áp, triệt phá triệt để các ổ nhóm lừa đảo trực tuyến. (Ảnh: Huỳnh Thảo/TTXVN)
Trong bối cảnh hoạt động lừa đảo sử dụng công nghệ cao đã và đang gây ra những mối đe dọa và bất ổn trong khu vực và trên toàn cầu, các băng nhóm tội phạm nước ngoài xâm nhập vào các mạng lưới tội phạm này tại địa bàn, Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Thipadei Hun Manet vừa ban hành một chỉ thị, trong đó yêu cầu triển khai chiến dịch tấn công trấn áp triệt để các loại hình tội phạm liên quan hoạt động lừa đảo qua mạng ở quốc gia Đông Nam Á này.
Trong chỉ thị do Thủ tướng Hun Manet ký ngày 14/7 vừa được công bố, Chính phủ Hoàng gia Campuchia yêu cầu người đứng đầu cơ quan hành chính, công an thủ đô và các tỉnh trên phạm vi toàn quốc, cũng như các cơ quan bộ, ban, ngành hữu quan các cấp tổ chức triển khai hoạt động tấn công trấn áp, triệt phá triệt để các ổ nhóm lừa đảo trực tuyến trên địa bàn và khu vực thẩm quyền của mình.
Cùng với đó, Bộ Nội vụ nước này chuẩn bị tổ chức triển khai quy trình thủ tục trục xuất những người nước ngoài nhập cảnh, cư trú trái phép hoặc tham gia các hoạt động bất hợp pháp ở Campuchia.
Đây là động thái mới nhất thể hiện quyết tâm của Chính phủ Hoàng gia Campuchia trong nỗ lực ngăn chặn, đấu tranh phòng chống hoạt động lừa đảo sử dụng công nghệ cao, góp phần duy trì và bảo vệ an ninh công cộng, trật tự và an toàn xã hội.
Trước đó, tháng 2 vừa qua, Chính phủ Hoàng gia Campuchia đã thành lập Ủy ban chuyên trách công tác phòng chống tội phạm lừa đảo sử dụng công nghệ cao do Thủ tướng Hun Manet đứng đầu, với 24 thành viên khác, là các phó thủ tướng, các bộ trưởng, lãnh đạo các đơn vị quân đội và công an, cùng người đứng đầu các cơ quan chính quyền cấp tỉnh trong toàn quốc.
Ủy ban này có nhiệm vụ đề ra các giải pháp phòng chống và trấn áp tội phạm lừa đảo sử dụng công nghệ cao; hướng dẫn, điều phối, hỗ trợ và đưa ra giải pháp can thiệp cần thiết; theo dõi, kiểm tra, đánh giá công tác thực hiện trong thực tế; và triển khai hoạt động hợp tác quốc tế với các quốc gia liên quan.
Ngay sau chỉ thị trên được ban hành, lực lượng chức năng Campuchia đã tiến hành hàng loạt cuộc đột kích, trấn áp các địa điểm nghi ngờ có hoạt động tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Hôm 15/7, lực lượng liên ngành của Tòa Đô chính Phnom Penh, do Phó Đô trưởng Hun Surithy chỉ huy, đã ra quân triệt phá một ổ nhóm lừa đảo trực tuyến tại chung cư số 382, trên trục đường Duong Nghiep, ấp T’rung Moan, phường O Bek K’om, quận Sen Sok.
Tại tòa nhà chung cư cao 8 tầng này, lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt giữ 3 đối tượng người Trung Quốc, cùng một số tang vật bao gồm 47 máy tính để bàn, 19 máy tính xách tay, 1 iPad, 28 điện thoại và 6 két sắt...
Trước đó, ngày 14/7, lực lượng kiểm tra liên ngành do ông Surithy dẫn đầu đã ập vào một địa điểm nghi ngờ liên quan hoạt động lừa đảo trực tuyến tại tòa nhà số 15, đường 128, ấp 6, phường Phsar Depo 1, quận Toul Kork, trung tâm thủ đô Phnom Penh. Qua khám xét, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ hơn 200 đối tượng liên quan, trong đó có 85 người Campuchia, còn lại là người nước ngoài.
Theo cơ quan điều tra, các đối tượng này hành nghề thợ điện, công nhân xây dựng, nhân viên bảo vệ, đầu bếp và phụ bếp thuộc một công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ.
Tháng Năm vừa qua, Hiệp hội Liên minh Nhà báo Campuchia (CamboJA) dẫn thông cáo báo chí của Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về Nhân quyền (OHCHR), cảnh báo thực trạng có tới hàng trăm nghìn người trên khắp thế giới đang bị lôi kéo, dụ dỗ thông qua những lời mời làm việc giả mạo và sau đó bị ép tham gia các hoạt động lừa đảo trực tuyến và bị giam giữ trong các cơ sở hoạt động của các ổ nhóm lừa đảo ở Campuchia, Myanmar, Lào, Philippines và Malaysia.
Theo CamboJA, OHCHR đã đưa ra cảnh báo này trong tuyên bố chung của Báo cáo viên đặc biệt về các hình thức nô lệ kiểu mới được công bố hôm 10/5, trong đó nhấn mạnh thực trạng có nhiều trung tâm lừa đảo trực tuyến được mở ở Campuchia trong những năm gần đây, đặc biệt kể từ năm 2021.
Hoạt động của các trung tâm này "thường được ngụy trang dưới vỏ bọc các tổ hợp công nghệ hợp pháp" và do các “đường dây tội phạm lớn"điều hành với đội ngũ nhân viên túc trực thường xuyên.
Các nạn nhân của lừa đảo trực tuyến thường là nam giới có học thức và tuổi đời còn trẻ. Họ bị tước hộ chiếu và bị giam giữ trong điều kiện phòng ốc chật chội, mất vệ sinh, buộc phải làm việc nhiều giờ dưới sự giám sát chặt chẽ. Trong số này, nhiều người được cho là đang mắc nợ hoặc tống tiền người thân.
Thông cáo của OHCHR nêu rõ: “Những người tìm cách trốn thoát sẽ phải chịu các hình phạt nặng nề, bao gồm tra tấn, lạm dụng tình dục và bị bán lại cho các đường dây khác.”
Nhận định “tình hình đã đến mức khủng hoảng nhân đạo và nhân quyền,” các chuyên gia của LHQ kêu gọi cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các quốc gia ở các khu vực Đông Nam Á và Đông Á, phối hợp và tiến hành các biện pháp khẩn cấp để giải cứu và bảo vệ các nạn nhân, cũng như tăng cường nỗ lực phòng ngừa, ngăn chặn.
Thông cáo của OHCHR cho rằng hoạt động lừa đảo diễn ra trên diện rộng và thường xuyên thay đổi địa điểm với các trung tâm điều hành được đặt tại thủ đô Phnom Penh và nhiều địa phương khác như Preah Sihanouk, Pailin, Anlong Veng, O'Smach, Kandal, Pursat, Koh Kong, Bavet, Chrey Thom, Kampot, Oddar Meanchey, Poipet, Banteay Meanchey, cũng như các đặc khu kinh tế Dara Sakor và Thmor Da. CamboJA dẫn một nguồn tin cho biết có ít nhất 350 tụ điểm lừa đảo đang hoạt động ở Campuchia, sử dụng khoảng 150.000 lao động nước ngoài.
Tại Hội nghị công bố báo cáo quốc gia về công tác phòng chống buôn người năm 2024 và đề ra phương hướng hoạt động năm 2025 do Ủy ban quốc gia Campuchia về chống buôn người (NCCT) tổ chức hạ tuần tháng Ba vừa qua, ông Sar Sokha - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nội vụ, Chủ tịch NCCT cũng cảnh báo tình trạng tội phạm xuyên biên giới đáng lo ngại và nạn buôn người ở Campuchia, đồng thời kêu gọi các nỗ lực nhằm giải quyết và phòng chống hiệu quả hơn.
Theo NCCT, Chính phủ Hoàng gia Campuchia xác định công tác đấu tranh phòng chống mua bán người là một trong những ưu tiên hàng đầu, cùng với nhiệm vụ giải quyết tác động do ma túy, rượu bia và tai nạn giao thông ở quốc gia Đông Nam Á này.
Trên tinh thần đó, Campuchia đã đề ra chiến lược ứng phó hiệu quả hơn và triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ sự an toàn, an ninh của con người, cũng như an ninh quốc gia và hỗ trợ tiến trình phát triển mọi mặt của đất nước./.