Campuchia tổ chức lễ cầu an nhân dịp Tết cổ truyền 2025

Nhân dịp Tết cổ truyền Choul Chnam Thmey năm 2025, từ ngày 13 - 14/4, tại khu đền cổ Angkor Wat thuộc tỉnh Siem Reap, Chính phủ Hoàng gia Campuchia tổ chức lễ cầu an theo nghi thức lễ hội hoàng gia, nhằm chào đón một năm mới thịnh vượng, nguyện cầu quốc thái dân an, cũng như duy trì nét văn hóa truyền thống của quốc gia Đông Nam Á này.

Quốc vương Norodom Sihamoni và các quan chức cấp cao Campuchia đến tham dự lễ cầu an năm 2025 tại đền Angkor Wat, tỉnh Siem Reap. Ảnh: Huỳnh Thảo/PV TTXVN tại Campuchia

Quốc vương Norodom Sihamoni và các quan chức cấp cao Campuchia đến tham dự lễ cầu an năm 2025 tại đền Angkor Wat, tỉnh Siem Reap. Ảnh: Huỳnh Thảo/PV TTXVN tại Campuchia

Theo phóng viên TTXVN tại Campuchia, sáng 14/4, hoạt động chính của lễ cầu an năm 2025 chính thức diễn ra trong khuôn viên ngôi đền cổ Angkor Wat nổi tiếng ở Tây Bắc Campuchia, dưới sự chủ trì Quốc vương Norodom Sihamoni.

Các nhà lãnh đạo cấp cao của Campuchia, bao gồm Chủ tịch Thượng viện Samdech Techo Hun Sen, Thủ tướng Samdech Thipadei Hun Manet, Phó Chủ tịch thứ nhất Quốc hội Cheam Yeap, Chủ tịch Hội đồng Hiến pháp Im Chhun Lim, cùng các thành viên Thượng viện, Quốc hội và Chính phủ Hoàng gia, các quan chức cấp cao, đại sứ nước ngoài tại Campuchia, chức sắc các tăng đoàn, chư tăng và nhiều vị khách quý khác. Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Campuchia Nguyễn Minh Vũ và phu nhân tham dự sự kiện.

Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni chủ trì lễ cầu an năm 2025. Ảnh: Huỳnh Thảo/PV TTXVN tại Campuchia

Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni chủ trì lễ cầu an năm 2025. Ảnh: Huỳnh Thảo/PV TTXVN tại Campuchia

Lễ cầu an năm nay diễn ra đúng trình tự và phong tục truyền thống Campuchia với nghi thức tụng kinh chúc phúc của 79 nhà sư thuộc nhiều hàng giáo phẩm, cùng các vị cao tăng. Sau đó, ông Heng Kimkun, người đứng đầu Ban Lễ nghi và Tôn giáo của Cung điện Hoàng gia Campuchia đọc lời cầu nguyện.

Tiếng trống lễ vang lên, cùng vũ điệu dâng lễ và cầu nguyện độc đáo do các nghệ sĩ múa cung đình biểu diễn, hòa nhịp trong không gian ngôi đền cổ Angkor Wat nổi tiếng ở Tây Bắc Campuchia.

Trong khuôn khổ sự kiện, còn diễn ra các nghi lễ tụng kinh, trì bình của 79 vị sư. Ở phần cuối chương trình, Quốc vương Norodom Sihamoni và các quan chức cấp cao Campuchia tiến hành trao tịnh tài cúng dường chư tăng và tặng quà chúc mừng năm mới cho những người tham dự sự kiện.

Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Thipadei Hun Manet trao tịnh tài cúng dường chư tăng và tặng quà cho người dân Campuchia. Ảnh: Huỳnh Thảo/PV TTXVN tại Campuchia

Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Thipadei Hun Manet trao tịnh tài cúng dường chư tăng và tặng quà cho người dân Campuchia. Ảnh: Huỳnh Thảo/PV TTXVN tại Campuchia

Lễ cầu an là một phong tục truyền thống bắt nguồn từ lịch sử lâu đời của Campuchia và tiếp tục được duy trì cho đến hôm nay. Tuy chủ yếu gắn với các nghi thức của một nghi lễ tôn giáo, song lễ cầu an cũng đóng vai trò như một biểu tượng của tinh thần đoàn kết, thống nhất và niềm tự hào dân tộc của người dân trên xứ sở của kỳ quan Angkor Wat.

Lễ cầu an mang ý nghĩa mong cầu sự thịnh vượng không ngừng cho đất nước và người dân, đồng thời tôn vinh tổ tiên người Campuchia đã xây dựng quần thể Angkor và các ngôi đền lịch sử khác, trao tặng những kiệt tác kiến trúc này như một di sản đáng tự hào cho các thế hệ tương lai.

Ngoài ý nghĩa tâm linh, lễ cầu an còn thể hiện khát vọng chung và cam kết của người dân Campuchia, cùng hướng tới xây dựng một quốc gia ngày càng thịnh vượng và hòa hợp hơn.

Đại biểu khách mời quốc tế tham dự sự kiện. Ảnh: Huỳnh Thảo/PV TTXVN tại Campuchia

Đại biểu khách mời quốc tế tham dự sự kiện. Ảnh: Huỳnh Thảo/PV TTXVN tại Campuchia

Bên cạnh tầm quan trọng về mặt tôn giáo, văn hóa và tâm linh, lễ cầu an được kỳ vọng sẽ góp phần quảng bá di sản phong phú của Campuchia, giúp thu hút du khách quốc tế mong muốn khám phá, tìm hiểu phong tục, tập quán và truyền thống của người dân ở quốc gia Đông Nam Á này.

Lễ cầu an năm nay được tổ chức với nghi thức lễ hội hoàng gia, diễn ra vào ngày đầu tiên của năm mới 2025 theo phong tục truyền thống Campuchia, khiến mùa Tết cổ truyền Choul Chnam Thmey càng thêm ý nghĩa với người dân Chùa Tháp. Cùng với đó là sự kiện Angkor Sankranta rộn ràng được nối lại sau một năm gián đoạn, diễn ra trong 4 ngày, từ ngày 13 - 16/4.

Vũ điệu dâng lễ vật và cầu nguyện do đội múa cung đình biểu diễn tại sự kiện. Ảnh: Huỳnh Thảo/PV TTXVN tại Campuchia

Vũ điệu dâng lễ vật và cầu nguyện do đội múa cung đình biểu diễn tại sự kiện. Ảnh: Huỳnh Thảo/PV TTXVN tại Campuchia

Tết cổ truyền Choul Chnam Thmey năm 2025 ở Campuchia diễn ra trong 3 ngày, từ 14 - 16/4. Từ đầu tháng 4, thủ đô Phnom Penh và các địa phương đã được trang hoàng, chuẩn bị cho sự kiện đón chào Năm mới với nhiều hoạt động theo các nghi thức tôn giáo và truyền thống ở các ngôi chùa, phum sóc trên xứ sở của kỳ quan Angkor Wat. Trong đó, điểm nhấn của những ngày Tết là các lễ hội Sankranta (còn gọi là Songkran hay Sangkran) sôi động với nhiều hoạt động vui chơi giải trí thu hút đông đảo giới trẻ tham gia.

Lễ hội Choul Chnam Thmey là Tết chịu tuổi, được xem là sự kiện lễ hội lớn nhất trong năm ở Vương quốc Campuchia, đất nước có có hơn 5.100 ngôi chùa với trên 90% trong tổng số khoảng 17 triệu dân là tín đồ Phật giáo.

Huỳnh Thảo - Quang Anh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/campuchia-to-chuc-le-cau-an-nhan-dip-tet-co-truyen-2025-20250414145659673.htm