Cần 17 tháng để hoàn thiện cây cầu tĩnh không cao nhất Việt Nam
Chủ đầu tư dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đang chờ đợi ý kiến của JICA để tái khởi động hạng mục cầu Phước Khánh nối TP.HCM với Đồng Nai.
Sau hơn 2 năm dừng thi công gói thầu J3 (cầu Phước Khánh) thuộc dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đang xúc tiến khởi động lại gói thầu này.
VEC ước tính phần công việc còn lại của gói thầu J3 có giá trị xấp xỉ 750 tỷ đồng, dự kiến lựa chọn nhà thầu trong quý I/2023. Thời gian thi công bắt đầu từ cuối tháng 6 và kết thúc vào tháng 1/2025 (17 tháng).
Tuy nhiên, đến nay JICA, cơ quan tài trợ vốn cho dự án, chưa chấp thuận đề nghị của VEC. Vì vậy, VEC kiến nghị Bộ GTVT có ý kiến gửi JICA để đẩy nhanh thủ tục chấp thuận kế hoạch triển khai của VEC.
Trước đó, VEC ký hợp đồng xây lắp gói thầu J3 với liên danh Sumitomo Mitsui - Cienco 4. Gói thầu được triển khai từ 4/1/2016 và dừng thi công từ năm 2020 đến nay do vướng mắc trong bố trí vốn và gia hạn hiệp định vay. Tiến độ giải ngân gói thầu đến nay đạt 2.317,4 tỷ đồng (87,4%).
Hiện nay, tư vấn đang lập dự toán cập nhật phần công việc còn lại Gói thầu J3.
Cao tốc Bến Lức - Long Thành được khởi công năm 2014, sau nhiều lần điều chỉnh tiến độ thì được thống nhất hoàn thành vào ngày 31/12. Tổng mức đầu tư dự án là 1.607,4 triệu USD, tương đương khoảng 31.320 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ADB 635,7 triệu USD, vốn vay JICA 634,8 triệu USD, vốn đối ứng 336,9 triệu USD.
Trong đó, hạng mục cầu Phước Khánh (gói thầu J3) bắc qua sông Lòng Tàu, nối huyện Cần Giờ (TP.HCM) với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai). Đây là cây cầu cao nhất Việt Nam với tĩnh không 55 m, vượt 5 m so với ngôi vị số 1 của cầu Bãi Cháy (Quảng Ninh).
Ngày 21/2/2021, một tàu biển chở theo 357 container khi đi qua công trường cầu Phước Khánh đã để xảy ra va chạm, làm sập toàn bộ cẩu tháp phục vụ thi công trụ tháp P16. Lãnh đạo VEC cho biết sự cố gây thiệt hại cho dự án khoảng 20 tỷ đồng.