Cần 25 ngàn tỷ đồng để người dân được khám sức khỏe định kỳ hằng năm
Bộ Y tế đặt mục tiêu 100% người dân Việt Nam được khám sức khỏe định kỳ mỗi năm một lần, ước tính cần 25 ngàn tỷ đồng từ ngân sách.

Ông Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế trả lời báo chí (Ảnh: Việt Thắng)
Chiều 6/5, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4, trả lời về lộ trình thực hiện chủ trương miễn viện phí cho tất cả toàn dân được Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra khi gặp mặt cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mới đây, ông Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, miễn viện phí cho toàn dân là chủ trương lớn, rất nhân văn, thể hiện rõ tính ưu việt của chế độ ta trong việc chăm lo sức khỏe cho nhân dân. Chỉ đạo của Tổng Bí thư để tiến tới miễn viện phí cho toàn dân không chỉ là định hướng mang tính chiến lược lâu dài, mà cũng là mục tiêu mà ngành y tế đang quyết tâm thực hiện. Gợi ý chính sách đã chạm tới trái tim của hàng triệu dân, và cũng là niềm mong mỏi của người dân và ngành y tế.
“Việc thực hiện chủ trương này sẽ có tác động tích cực, tăng tiếp cận dịch vụ y tế, chủ động phòng, chuẩn đoán, phát hiện và điều trị sớm bệnh tật, tăng hiệu quả điều trị, sử dụng tối ưu nguồn tài chính y tế, giảm gánh nặng tài chính cho người dân, tăng cơ hội thoát nghèo, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, sức khỏe tốt hơn đồng nghĩa với lượng lao động có năng suất cao hơn, góp phần tăng trưởng GDP, giảm nguy cơ tụt hậu về kinh tế, thúc đẩy công bằng xã hội. Quan tâm cho đầu tư cho y tế chúng ta sẽ mang lại nhiều kết quả, thành quả”, ông Thuấn nói.
Về định hướng theo ông Thuấn, từ năm 2026 – 2030 dự kiến 90% người dân được tiếp cận đầy đủ dịch vụ dự phòng bệnh tật, nâng cao sức khỏe, tiêm chủng vaccine đầy đủ theo độ tuổi, đối tượng chăm sóc sức khỏe ban đầu, sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ trẻ em, sức khỏe tâm thần, sàng lọc nguy cơ sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ.
Ông Thuấn nói: 100% người dân được khám sức khỏe định kỳ ít nhất mỗi năm một lần. Chúng tôi uớc tính 100 triệu dân, với chi phí mỗi lần khám sức khỏe khoảng 250 ngàn đồng thì mất khoảng 25 ngàn tỷ mỗi năm. Người dân được lập sổ sức khỏe điện tử để quản lý sức khỏe trong suốt cả cuộc đời, được sống trong môi trường xanh sạch, bảo đảm an toàn thực phẩm, chế độ dinh dưỡng hợp lý, người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu thế được quan tâm chăm sóc xã hội. Phấn đấu 100% dân số có bảo hiểm y tế.
Bên cạnh đó mở rộng phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế, từng bước chi trả cho dịch vụ dự phòng, khám sàng lọc điều trị bệnh, từng bước giảm tỷ lệ chi trả của người dân trong tổng chi tiêu cho dịch vụ y tế, hiện tại người dân bỏ ra khoảng 40-45% tổng chi phí cho khám chữa bệnh. Theo khuyến cáo của WHO chúng ta phải giảm dưới 30%.
Về tầm nhìn đến năm 2045, ông Thuấn cho hay hệ thống y tế theo hướng đầy đủ, kịp thời yêu cầu chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khở nhân dân, gảm gánh nặng chi phí y tế, thực hiện chủ trương người dân không phải chi trả thêm chi phí khi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, góp phần đưa vào thuộc nhóm quốc gia hàng đầu thế giới về bảo đảm an sinh xã hội trong y tế.
Ông Thuấn cho hay, thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư, Bộ Y tế hiện đang xây dựng dự thảo nghị quyết của Bộ Chính trị để báo cáo Chính phủ trình Bộ Chính trị ban hành nghị quyết về đột phá trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, trong đó đề xuất nhiều giải pháp chú trọng phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân tiến tới miễn viện phí cho tất cả người dân.
Hiện Bộ đang khẩn trương xây dựng nghị định dự thảo của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm y tế để trình Chính phủ xem xét ký ban hành có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Nghị định quy định một số nhóm đối tượng được nhà nước hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế góp phần bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân. Nghị định cũng quy định chi tiết phạm vi quyền lợi, mức hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế.
Bộ Y tế đang xây dựng để ban hành các thông tư quy định danh mục tỷ lệ mức và điều kiện thanh toán với dịch vụ kỹ thuật y tế, thuốc, thiết bị y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế. Trong đó quy định tăng tỷ lệ mức tính toán một số thuốc, thiết bị y tế theo hướng miễn phí cho một số đối tượng, đặc biệt là các đối tượng chính sách.
“Lộ trình thực hiện chúng tôi dự kiến từ năm 2026 – 2030 sẽ nghiên cứu trình Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn thí điểm một số chính sách để thực hiện như mở rộng quyền lợi gói dịch vụ y tế cơ bản để tăng lên 20-30% mức lương cơ sở. Khám sức khỏe định kỳ, khám sàng lọc chuẩn đoán, phát hiện sớm một số bệnh, một số đối tượng có nguy cơ theo độ tuổi nghề nghiệp, tăng mức hưởng lên 100% đối với các đối tượng đang có mức hưởng 95%, và có lộ trình tăng dần đối với đối tượng đang có mức hưởng 80%”, ông Thuấn thông tin và cho biết, Bộ Y tế sẽ nghiên cứu mở rộng tỷ lệ mức thanh toán đối với dịch vụ kỹ thuật, thuốc, thiết bị y tế đối với một số đối tượng như người nghèo, người cận nghèo, người có mức sống trung bình. Thiết kế các quỹ thành phần của quỹ bảo hiểm y tế gồm có quỹ khám bệnh, chữa bệnh, quỹ dự phòng và quỹ hỗ trợ một số trường hợp phải chi trả thêm cho các bệnh hiểm nghèo, liên kết giữa bảo hiểm y tế với chương trình mục tiêu quốc gia chăm sóc sức khỏe dân số và phát triển giai đoạn 2026 – 2035.
Từ năm 2030 – 2035 sẽ nghiên cứu sửa đổi toàn diện Luật bảo hiểm y tế, hoàn thiện các chính sách quy định hướng dẫn để thực hiện miễn phí trong chăm sóc sức khỏe toàn dân bền vững, ổn định, lâu dài.
“Hai định hướng mà Tổng Bí thư nêu ra bao gồm khám cho người dân mỗi năm một lần và miễn viện phí cho toàn dân không chỉ là mục tiêu y tế mà còn là lời nhắc nhở sâu sắc rằng, chính sách phải bắt nguồn từ con người, vì con người và vì một Việt Nam phát triển bền vững. Khám sức khỏe mỗi năm một lần và miễn viện phí toàn dân không phải là điều quá xa vời nếu chúng ta có quyết tâm chính trị đủ mạnh, sự đồng thuận xã hội rộng rãi và một lộ trình thực hiện rõ ràng và bài bản”, ông Thuấn nói.