Cần 3.000 tỷ đồng để sửa chữa hạ tầng giao thông hư hỏng do bão số 3
Cơn bão Yagi kèm mưa, lũ và hoàn lưu sau bão đã gây thiệt hại nặng nề đối với ngành GTVT khoảng trên 3.000 tỷ đồng đối với tất cả các lĩnh vực đường sắt, hàng không, đường bộ, đường thủy và hàng hải.
Toàn cảnh thiệt hại sau bão, lũ
Đề cập đến thiệt hại, công tác khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 và tình hình mưa, lũ sau bão gây ra đối với ngành GTVT, báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT cho biết, các lĩnh vực của ngành đều bị ảnh hưởng, trong đó có lĩnh vực thiệt hại nặng nề.
Đối với lĩnh vực hàng hải, trụ sở của Cảng vụ Hàng hải Thái Bình và Trường Cao đẳng Hàng hải I bị hư hỏng nhẹ, công tác khắc phục đã cơ bản hoàn thành.
Kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư thiệt hại khoảng 130 tỷ đồng (trên 30 vị trí sạt lở, đất lấp đường sắt; trên 40 vị trí ngập nước, trôi nền đường, nền đá; hàng trăm vị trí cây, vật kiến trúc đổ vào đường sắt, đường dây thông tin, tín hiệu).
Bên cạnh đó, doanh nghiệp đường sắt thiệt hại khoảng 48 tỷ đồng, trong đó thiệt hại về tài sản do doanh nghiệp đầu tư khoảng 20 tỷ đồng (17 đầu máy; nhiều phương tiện, thiết bị ngập nước; nhiều khu nhà cung cầu, cung đường, lưu trú, trụ sở làm việc bị tốc mái, đổ tường rào); thiệt hại doanh thu vận tải đường sắt khoảng 28 tỷ đồng (bãi bỏ trên 22 chuyến tàu hàng, trên 54 chuyến tàu khách).
Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3, Bộ GTVT và Công đoàn GTVT Việt Nam đã phát động trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, doanh nghiệp ủng hộ bằng vật chất, tinh thần. Ngày 13/9, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang thay mặt lãnh đạo Bộ, đại diện cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành GTVT đã đến trụ sở Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao số tiền 4 tỷ đồng ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3.
Mặc dù ngành GTVT bị thiệt hại rất nặng nề về kết cấu hạ tầng giao thông, trước trong và sau bão, hàng nghìn nhân lực ngành GTVT phải căng mình ứng trực, bảo đảm và khắc phục giao thông, song với tinh thần "tương thân tương ái", "nhường cơm, sẻ áo", mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành GTVT đã có sự động viên, chia sẻ, ủng hộ kịp thời tới đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 vừa qua.
Lĩnh vực đường thủy nội địa, các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Phú Thọ, Nam Định, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Hà Nam, Hòa Bình, Ninh Bình, Hưng Yên, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên có số lượng cảng, bến, luồng đã hoạt động là 10/763 cảng, bến (các cảng chuyên dùng chủ yếu phục vụ nhu cầu sản xuất cho các nhà máy nhiệt điện hiện chỉ bốc xếp các phương tiện đang nằm trong cảng), số lượng còn lại chưa hoạt động. Tại các địa phương Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, số lượng cảng, bến chưa hoạt động là 98/155 cảng, bến. Thời gian dự kiến hoạt động trở lại là sau khi mực nước trên các tuyến sông đảm bảo an toàn, các thông báo hạn chế giao thông được gỡ bỏ, triển khai các hệ thống báo hiệu trên tuyến, luồng và khắc phục các thiệt hại tại cảng, bến. Riêng các cảng, bến khu vực sông Kinh Thầy chưa hoạt động được do nước lũ dâng cao gây ngập lụt, chờ khi nước rút là sẵn sàng cho hoạt động trở lại. "Phần lớn các hoạt động đường thủy nội địa đã trở lại bình thường, chỉ dừng hoạt động các cảng, bến có mực nước vượt báo động trong vùng bị ảnh hưởng", Bộ GTVT cho biết.
Lĩnh vực hàng không, tại các cảng: Điện Biên, Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Đồng Hới không có thiệt hại về người, chỉ có thiệt hại một số cây xanh tại sân đỗ ô tô bị gãy đổ; hàng rào, bốt gác an ninh tại một số cảng bị đổ nhưng số lượng ít và đã được khắc phục ngay. Ngay sau bão, các cảng hàng không đã hoạt động trở lại bình thường.
Đối với kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, thiệt hại chủ yếu tại các tuyến quốc lộ ở Thanh Hóa và các tỉnh phía Bắc. Tổng số vị trí bị ảnh hưởng, thiệt hại là 4.177 vị trí, đoạn đường bị thiệt hại. Bước đầu ước tính giá trị thiệt hại cần khắc phục đối với quốc lộ từ Thanh Hóa trở ra khoảng 2.900 tỷ đồng (bao gồm chi phí dự kiến xây dựng lại cầu Phong Châu mới dự kiến khoảng hơn 800 tỷ đồng).
Trên các tuyến quốc lộ đã có 820 vị trí bị tắc. Trong đó, đến ngày 17/9 đã khắc phục và giảm được 559 vị trí (so với 567 vị trí) sạt lở đất đá để thông toàn bộ mặt đường hoặc thông một phần mặt đường phục vụ giao thông. Còn 8 vị trí chưa thông do sạt lở, sụt lún nền đường với khối lượng lớn, địa hình khó khăn trong việc tiếp cận và đưa máy móc vào thi công. "Bộ GTVT đang chỉ đạo triển khai quyết liệt máy móc, phương tiện và nhân lực để sớm khắc phục dứt điểm các vị trí sạt lở", Bộ GTVT cho hay.
Chủ động, tích cực ứng phó với bão, lũ
Bộ GTVT đã chỉ đạo phải chủ động, quyết liệt triển khai công tác phòng, chống lụt bão tới tất cả các cơ quan, đơn vị của Bộ nhằm ứng phó hiệu quả với cơn bão, giảm thấp nhất thiệt hại đối với tài sản và cơ sở vật chất của Ngành, đồng thời phối hợp, hỗ trợ tối đa cho các địa phương bị ảnh hưởng bởi cơn bão, từ đó ứng phó, khắc phục hậu quả do bão, mưa lũ do hoàn lưu bão gây ra với phương châm "4 tại chỗ".
Khi điều kiện thời tiết không cho phép, Bộ GTVT yêu cầu dừng khai thác sân bay, cảng biển, dừng khai thác chạy tàu, hạn chế, cấm phương tiện lưu thông trên đường bộ. Bộ GTVT khẳng định: "Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ nên đã giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản của ngành GTVT".
Cũng theo đánh giá của Bộ GTVT, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đã chủ động bố trí nhân lực, phương tiện, thiết bị, vật tư tại khu vực trọng điểm, xung yếu để sẵn sàng tổ chức cứu nạn, cứu hộ và khắc phục nhanh nhất sự cố do bão lũ gây ra, đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt, đặc biệt trên các tuyến giao thông trọng điểm; tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông an toàn, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực nước chảy siết, vị trí bị sạt lở; tổ chức trực ban 24/24h và theo dõi sát diễn biến của bão số 3 để có phương án ứng phó kịp thời.
Bộ GTVT đã thành lập Sở Chỉ huy tiền phương tại Hải Phòng. Lãnh đạo Bộ đã tham gia Đoàn công tác của Chính phủ đi kiểm tra, đôn đốc chỉ đạo tại các địa phương về công tác ứng phó, khắc phục hậu quả do bão, lũ gây ra.
Đặc biệt, ngay sau khi nhận được thông tin về thiệt hại do sạt lở, lũ quét gây thiệt hại tại làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai), Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị đường bộ huy động lực lượng, thiết bị, phối hợp với địa phương triển khai khắc phục ngay các điểm sạt, trượt, thông tuyến để mở đường cho lực lượng cứu hộ tiếp cận hiện trường trong thời gian sớm nhất.
Bên cạnh việc quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục hậu quả, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục ưu tiên hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại nặng do bão, mưa, lũ gây ra, đồng thời cấp bổ sung kinh phí từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương cho Bộ GTVT để tổ chức triển khai sửa chữa, khôi phục kết cấu hạ tầng giao thông. Tổng số thiệt hại ước tính khoảng 3.000 tỷ đồng.
Cùng với đó, Bộ GTVT kiến nghị các địa phương tiếp tục phối hợp, hỗ trợ cơ quan quản lý đường bộ trong việc bố trí khu vực đổ đất, đá bị sụt trượt để tạo thuận lợi cho công tác khắc phục sự cố sụt trượt ta-luy; hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng, trong trường hợp khắc phục hư hỏng lớn phải mở rộng đường để bảo đảm an toàn.
Về lâu dài, để nâng cao năng lực ứng phó với bão, áp thấp nhiệt đới trên biển, Bộ GTVT đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quan tâm, tiếp tục ưu tiên đầu tư để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác dự báo tình hình thời tiết, thiên tai; xây dựng mạng lưới thông tin cảnh báo nguy cơ sụt trượt, ngập, lũ quét tại các vị trí xung yếu. Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng và triển khai những phương án ứng phó phù hợp, hiệu quả.
Đồng thời, cần nghiên cứu, phát triển thêm các khu neo đậu tránh trú bão mới và cải tạo, mở rộng các khu neo đậu tránh trú bão hiện có; tiếp tục ưu tiên đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cho các lực lượng nòng cốt trong công tác này; đầu tư tàu tìm kiếm cứu nạn cỡ lớn hoạt động được dài ngày trên biển cho Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam để đảm bảo hoạt động tìm kiếm cứu nạn khu vực xa bờ và dài ngày trên biển.