Cần bài bản, đồng bộ
Giai đoạn 2016-2020, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu phát triển khoảng 31,5 triệu mét vuông sàn nhà ở (bao gồm cả nhà ở thương mại, nhà ở xã hội và nhà tái định cư...). Tuy nhiên, đến hết năm 2020, thành phố đã xây mới khoảng 34,8 triệu mét vuông sàn nhà ở, vượt mục tiêu đề ra.
Đáng chú ý, trong nhiều năm qua, các dự án nhà ở trên địa bàn Hà Nội được phát triển theo quy hoạch, với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội đồng bộ, bảo đảm điều kiện, chất lượng sống ngày càng tốt hơn cho người dân, đồng thời góp phần xây dựng đô thị văn minh, hiện đại. Kết quả này đồng nghĩa có rất nhiều hộ gia đình đã có nơi ở hoặc được cải thiện nơi ở.
Tuy nhiên, áp lực về nhà ở đối với Hà Nội vẫn rất lớn và sẽ ngày càng lớn bởi đây là trung tâm về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế…; là nơi giao lưu và hội tụ nên tốc độ tăng dân số nhanh. Chưa kể, Hà Nội vẫn còn hàng nghìn chung cư cũ và đời sống của người dân ngày càng nâng cao nên nhu cầu cải thiện chỗ ở cũng ngày càng lớn. Theo tính toán của Bộ Xây dựng, từ nay đến năm 2030, mỗi năm cả nước cần thêm khoảng 70 triệu mét vuông nhà ở, trong đó riêng Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh chiếm 2/3 nhu cầu.
Mặt khác, cơ cấu sản phẩm nhà ở còn nhiều bất cập. Nhu cầu nhà chung cư giá rẻ và trung bình là phân khúc chiếm 70% nhu cầu hiện vẫn thiếu; hoặc dự án ở xa trung tâm nên không hấp dẫn. Trong khi đó, tâm lý chung của người dân là muốn sở hữu nhà thay vì chỉ thuê nhà, kể cả với gia đình trẻ chưa đủ tích lũy về tài chính. Bên cạnh đó, nhiều cơ chế, chính sách về phát triển các loại hình nhà ở cũng cần sửa đổi, bổ sung; nhất là việc rút gọn thủ tục đầu tư, bố trí quỹ đất, nguồn vốn ưu đãi cho dự án nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội; hay việc giải quyết hài hòa lợi ích nhà nước - nhà đầu tư - người dân trong cải tạo chung cư cũ.
Tất cả những vấn đề trên đòi hỏi kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn tới phải bài bản, đồng bộ, từ quy hoạch, huy động nguồn lực, đến cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, hỗ trợ người dân cải thiện chỗ ở.
Hơn hết, kế hoạch không chỉ đặt ra mục tiêu phát triển diện tích nhà ở trong 5 năm, 10 năm tới mà cần đưa ra giải pháp để thực hiện được mục tiêu. Cùng với đó là giải quyết những bất cập về cung - cầu nhà ở; phát triển đồng bộ dự án nhà ở thương mại, dự án nhà ở xã hội, nhà tái định cư; hợp lý hóa cơ cấu phân khúc nhà ở giá rẻ, trung bình với phân khúc cao cấp, nhằm hướng tới nhu cầu thực của thị trường. Trong giải pháp về cơ chế, chính sách cũng cần lưu ý việc phát triển các đô thị vệ tinh theo quy hoạch, có như vậy mới giải quyết được yêu cầu giảm áp lực dân số cho khu vực đô thị trung tâm và phát triển các chức năng của đô thị vệ tinh theo định hướng quy hoạch.
Hiện, nhà ở về cơ bản đang được phát triển theo cơ chế thị trường. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư đương nhiên sẽ có sự lựa chọn hướng phát triển của riêng mình. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, nhu cầu thực của thị trường hiện nay đang là phân khúc nhà ở giá rẻ và trung bình, có xu hướng gia tăng trong dài hạn. Tương tự, chung cư sẽ là loại hình nhà ở phát triển chủ đạo của thị trường trong 10 năm tới. Song, dù là loại hình nhà ở nào thì yếu tố đồng bộ về hạ tầng, bảo đảm chất lượng sống là không thể thiếu đối với một đô thị văn minh, hiện đại mà Thủ đô đang hướng tới.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/991433/can-bai-ban-dong-bo