Cân bằng lợi ích trong thí điểm cho thuê căn hộ ngắn hạn
Việc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố thí điểm mô hình cho thuê căn hộ ngắn hạn trong nhà chung cư đánh dấu một bước đi chủ động, kịp thời nhằm tháo gỡ vướng mắc trong phát triển đô thị,

Một góc đô thị Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh THẾ ANH)
hướng tới hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý hiệu quả loại hình lưu trú mới đang phát sinh từ nhu cầu thực tiễn.
Dù chưa được quy định cụ thể trong Luật Nhà ở và các văn bản hướng dẫn thi hành nhưng dịch vụ lưu trú ngắn hạn phát triển mạnh, nhu cầu cho thuê căn hộ thời gian ngắn là có thật và đang ngày càng tăng cao. Nếu không có cơ chế quản lý phù hợp sẽ kéo theo những hệ lụy về an ninh trật tự, an toàn phòng cháy, chữa cháy, quyền lợi cư dân và nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.
Với cách tiếp cận thận trọng, đề xuất thí điểm của Sở Xây dựng đặt ra nhiều điều kiện chặt chẽ: Việc cho thuê phải được hội nghị nhà chung cư thông qua, mức phí quản lý vận hành có thể được điều chỉnh tăng phù hợp với tính chất kinh doanh; chủ sở hữu phải đăng ký với chính quyền địa phương, ban quản trị và đơn vị vận hành tòa nhà; đồng thời thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế, lưu trú, phòng cháy, chữa cháy, bảo hiểm, vệ sinh môi trường. Quan trọng hơn, cơ chế kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm cũng được đặt ra rõ ràng, tạo tiền đề cho việc thực hiện nghiêm túc và minh bạch.
Điều này cho thấy tinh thần chủ động, cầu thị của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh trong việc vừa tạo điều kiện phát triển mô hình kinh doanh mới, vừa không buông lỏng quản lý. Mục tiêu cuối cùng là bảo đảm hài hòa lợi ích giữa chủ căn hộ, cư dân sinh sống lâu dài và chính quyền địa phương.
Việc cho phép hay không cho phép cho thuê ngắn hạn căn hộ trong các chung cư đã xảy ra nhiều tranh cãi. Để thống nhất, bảo đảm tính khả thi trong quản lý, Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị Bộ Xây dựng bổ sung quy định về cho thuê ngắn hạn vào Luật Nhà ở và các nghị định, thông tư liên quan; đồng thời, khuyến nghị về trách nhiệm phối hợp giữa người cho thuê và ban quản trị, chính quyền địa phương cũng như nghĩa vụ tài chính như nộp thuế, đóng phí quản lý cao...
Dưới góc nhìn pháp lý, quyền cho thuê căn hộ là quyền dân sự chính đáng của chủ sở hữu, được Hiến pháp và pháp luật dân sự bảo vệ. Tuy nhiên, quyền đó không thể tách rời trách nhiệm tuân thủ pháp luật và tôn trọng quyền lợi hợp pháp của cộng đồng cư dân. Bởi nhà chung cư không chỉ là nơi ở của một cá nhân hay một hộ gia đình, mà là không gian sống chung của hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người. Mọi hoạt động phát sinh trong không gian này đều cần được quản lý, điều phối để không ảnh hưởng tới an toàn, trật tự và quyền được sống yên ổn của cộng đồng.
Mặt khác, nếu được tổ chức tốt, việc cho thuê ngắn hạn hoàn toàn có thể mang lại nguồn thu hợp pháp cho chủ căn hộ, đồng thời đóng góp cho ngân sách nhà nước thông qua thuế, tăng hiệu quả khai thác bất động sản và hỗ trợ phát triển du lịch đô thị. Không thể vì phát sinh những bất cập mà khước từ một mô hình đang ngày càng phổ biến và có tiềm năng phát triển.
Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học và giáo dục của cả nước. Tốc độ đô thị hóa nhanh kéo theo những mô hình sử dụng nhà ở mới, cách thức khai thác tài sản mới đòi hỏi chính quyền phải có tư duy đổi mới trong quản lý. Việc tổ chức thí điểm, đánh giá, rút kinh nghiệm và đề xuất hoàn thiện pháp luật là cách làm bài bản, đúng định hướng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số, đô thị thông minh nhưng vẫn giữ vững kỷ cương, trật tự đô thị.
Cái cần ở đây không chỉ là một mô hình thí điểm, mà là một cơ chế quản trị đô thị linh hoạt, có khả năng thích ứng với thực tiễn. Trong đó, quyền lợi của cư dân, lợi ích của Nhà nước và nghĩa vụ của các chủ thể kinh doanh phải được soi chiếu trong cùng một hệ quy chiếu của pháp luật, để bảo đảm sự phát triển bền vững và hài hòa cho cộng đồng