Giải bài toán an cư khi chỉnh trang đô thị

Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang triển khai nhiều dự án nhằm di dời, tái định cư hàng chục nghìn hộ dân sinh sống ven kênh rạch. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn gặp nhiều lực cản, đặc biệt là trong khâu đền bù, giải phóng mặt bằng và bố trí tái định cư, khiến không ít hộ dân chưa an tâm khi di dời.

Dự án cải tạo bờ bắc kênh Đôi (Quận 8 cũ) sắp được khởi công. (Ảnh THẾ ANH)

Dự án cải tạo bờ bắc kênh Đôi (Quận 8 cũ) sắp được khởi công. (Ảnh THẾ ANH)

LÀM CÁCH NÀO ĐỂ AN CƯ?

Gia đình ông Lâm Kim Tâm (65 tuổi), cư ngụ bên bờ bắc Kênh Đôi, phường Phú Định (Quận 8 cũ), là một trong hàng nghìn hộ dân đang phải sống trong tâm trạng phấp phỏng chờ đợi. Mảnh đất rộng 18 m² ông mua bằng giấy viết tay từ năm 2006 hiện chỉ được hưởng chính sách hỗ trợ di dời, với mức hỗ trợ khoảng 250 triệu đồng. Số tiền này, theo ông là không đủ để mua một căn nhà mới hay ổn định nơi ở lâu dài, nhất là với gia đình tám người, sống chủ yếu nhờ thu nhập bấp bênh từ nghề xe ôm. “Tôi chạy xe ôm nuôi vợ con, mấy đứa nhỏ công việc cũng không ổn định. Cầm 250 triệu đi thuê nhà cũng chỉ được một thời gian. Mua nhà ở xã hội hay suất tái định cư thì nằm mơ cũng không tới…”, ông Tâm nghẹn lời.

Tình cảnh của gia đình bà Trần Thị Kiều Hoa cũng không khá hơn. Sau nhiều lần làm việc với chính quyền địa phương, bà đồng ý với phương án đền bù, hỗ trợ tái định cư và đang dọn dẹp để rời khỏi căn nhà chưa đầy 20 m², nơi cả gia đình đã gắn bó hơn 20 năm. Tuy nhiên, số tiền bồi thường bà nhận được chỉ khoảng 300 triệu đồng, không đủ để mua suất nhà tái định cư, chưa nói đến sinh hoạt ổn định lâu dài. Với thu nhập ít ỏi từ công việc bán rau dạo, gia đình năm nhân khẩu của bà luôn sống trong cảnh thiếu trước hụt sau. “Giờ chỉ mong Nhà nước tạo điều kiện, hỗ trợ để gia đình mua căn hộ trả góp lâu dài. Có như vậy chúng tôi mới yên tâm phần nào”, bà Hoa bày tỏ nguyện vọng.

Không chỉ riêng ông Tâm hay bà Hoa, hàng chục nghìn hộ dân sống ven các tuyến kênh rạch cùng chia sẻ một nỗi lo: Được hỗ trợ, đền bù nhưng chưa đủ điều kiện để bắt đầu cuộc sống mới. Cái khó không chỉ là tiền, mà còn là sinh kế, học hành của con cái, và cảm giác mất gốc rễ nơi mình từng sinh sống nhiều năm.

Chính những nỗi lo ấy của người dân là nguyên nhân khiến hàng loạt dự án bị đình trệ, kéo dài hàng chục năm, không chỉ đội vốn đầu tư mà còn làm xấu bộ mặt đô thị. Điển hình như dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm, công trình được kỳ vọng giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường, ngập nước và tái thiết cảnh quan đô thị khu vực dọc tuyến rạch từ quận Bình Thạnh đến quận Gò Vấp cũ. Dự án được phê duyệt từ năm 2002 nhưng đến tận tháng 5/2025 mới chính thức khởi công, sau hơn hai thập niên trì hoãn. Tổng mức đầu tư của dự án đã tăng gần gấp đôi, từ hơn 9.600 tỷ đồng lên hơn 17.200 tỷ đồng, do điều chỉnh chính sách đền bù, chi phí vật liệu và nhân công tăng cao theo thời gian...

CẦN TƯ DUY MỚI, GIẢI PHÁP ĐỘT PHÁ

Thực tế triển khai các dự án chỉnh trang đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng là một trong những khâu vướng mắc lớn nhất, tác động trực tiếp đến tiến độ toàn dự án. Thành phố đã xây dựng cơ chế phân loại cụ thể theo từng đối tượng, diện tích, kết cấu nhà ở, thời gian cư trú... Tuy nhiên, quá trình thực hiện phát sinh nhiều khó khăn khi không ít hộ dân chưa đồng thuận với kết quả xác minh nguồn gốc đất, mức giá đền bù hay chính sách hỗ trợ tái định cư. Nhiều trường hợp kéo dài khiếu nại hoặc không chịu di dời, khiến các dự án bị trì hoãn nghiêm trọng.

Theo thống kê, khoảng 40% số hộ trong vùng ảnh hưởng bởi các dự án chỉnh trang kênh rạch không đủ điều kiện bồi thường hoặc hưởng các chính sách hỗ trợ, tái định cư theo Quyết định số 28/2018/QĐ-UBND ngày 9/8/2018. Nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng lấn chiếm, xây dựng không phép, không có giấy tờ pháp lý rõ ràng. Thực trạng “đi không đành, ở chẳng xong” đã đẩy nhiều hộ dân vào cảnh tiến thoái lưỡng nan. Mặc dù chính sách đã ban hành, nhưng quyền lợi cụ thể và tương lai an cư vẫn chưa thật sự được đảm bảo khiến người dân lo lắng, mất niềm tin vào chủ trương chung.

Tâm lý bất ổn này nếu không được tháo gỡ triệt để sẽ tiếp tục là lực cản lớn, khiến các dự án trì trệ kéo dài. Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ năm 1993 đến nay, thành phố đã triển khai sáu giai đoạn di dời, giải tỏa nhà trên và ven kênh rạch, với khoảng 44.500 căn trong tổng mục tiêu 72.600 căn. Riêng trong năm 2025, dự kiến có thêm 5.548 căn được bồi thường, di dời. Giai đoạn 2025-2030 đặt mục tiêu di dời, tái định cư thêm khoảng 39.600 căn thuộc 398 dự án dọc các tuyến sông, kênh rạch. Con số này gần tương đương với tổng khối lượng công việc đã thực hiện trong suốt 32 năm trước đó, cho thấy áp lực rất lớn đang đặt lên hệ thống quản lý đô thị. Nếu không có những điều chỉnh mang tính đột phá về chính sách và cách thức thực hiện, rất khó để hoàn thành mục tiêu đề ra, nhất là trong bối cảnh nhu cầu an sinh của người dân ngày càng cao.

Bên cạnh đó, thực tiễn từ các dự án đã hoàn tất trước đây cho thấy, việc bố trí tái định cư dù được thực hiện theo đúng quy định vẫn chưa bảo đảm sự ổn định lâu dài cho người dân. Tại dự án Nhiêu Lộc-Thị Nghè, người dân được bố trí về các chung cư như Rạch Miễu, Hiệp Bình Phước, Trần Quốc Thảo, Nguyễn Đình Chiểu. Thế nhưng, chỉ sau khoảng 10 năm, tỷ lệ hộ dân còn cư trú tại những khu này giảm mạnh. Chung cư Trần Quốc Thảo chỉ còn khoảng 60% hộ dân ở lại, Hiệp Bình Phước chưa đến 50%. Tương tự, dự án kênh Tân Hóa-Lò Gốm từng bố trí 94 hộ tái định cư về Bình Hưng Hòa A, nhưng hiện tại chỉ còn khoảng 40% hộ tiếp tục cư trú.

Điều này cho thấy, dù nơi ở mới được đánh giá tốt về cơ sở hạ tầng, chất lượng công trình, nhưng nếu không bảo đảm được các điều kiện mưu sinh, việc làm, người dân vẫn có xu hướng quay lại khu vực cũ - nơi họ quen thuộc, dễ kiếm sống. Sự di chuyển ngược dòng này không chỉ tạo ra áp lực mới cho đô thị mà còn dẫn đến nguy cơ hình thành các khu ổ chuột tự phát, đi ngược lại mục tiêu chỉnh trang đô thị. Từ thực tế đó, có thể khẳng định: Nếu không giải quyết thấu đáo bài toán an cư lập nghiệp, các chương trình di dời, tái định cư sẽ mãi rơi vào vòng luẩn quẩn, kéo dài tiến độ và tiêu tốn nguồn lực

ĐẠT THÀNH QUÝ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/giai-bai-toan-an-cu-khi-chinh-trang-do-thi-post895326.html