Chính phủ gỡ vướng cho siêu dự án chống ngập 10.000 tỷ của TP.HCM
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 212/NQ-CP nhằm tháo gỡ các vướng mắc pháp lý then chốt cho siêu dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng tại TP.HCM. Điều này mở ra khả năng về việc tái khởi động lại một trong những dự án Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực quan tâm.
Theo Nghị quyết, vướng mắc lớn nhất về phương thức thanh toán cho nhà đầu tư sẽ được giải quyết bằng việc cho phép UBND TP.HCM dùng quỹ đất để thanh toán. Do đó, Chính phủ giao UBND TP.HCM quyền chủ động và chịu trách nhiệm toàn diện trong các quyết định của mình để tái khởi động dự án.
Cụ thể, TP.HCM sẽ phải thực hiện nhiệm vụ xác định quỹ đất và tiến hành định giá đất theo giá thị trường để thanh toán cho nhà đầu tư. Việc định giá đảm bảo minh bạch và tuân thủ chặt chẽ quy định của pháp luật về đất đai cũng như các cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội. Trong trường hợp giá trị quỹ đất không đủ để thanh toán toàn bộ giá trị hợp đồng (sau khi đã rà soát, loại bỏ các chi phí bất hợp lý), TP.HCM sẽ phải tự cân đối, bố trí từ nguồn vốn đầu tư công của mình để chi trả phần còn thiếu.

Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng của TP.HCM đã đạt hơn 90% tổng khối lượng
Ngoài ra, thành phố cũng được giao toàn quyền quyết định việc điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án để phù hợp với tình hình thực tế. Để đảm bảo tính minh bạch, Chính phủ cũng đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào cuộc, kiểm toán toàn bộ dự án trước khi quyết toán, nhằm hài hòa lợi ích giữa nhà nước và nhà đầu tư, tránh thất thoát, lãng phí.
Dự án giải quyết ngập do triều có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) được xem là giải pháp trọng điểm của TP.HCM, giúp bảo vệ khoảng 6,5 triệu dân trên diện tích 570 km² khỏi triều cường. Dù đã đạt hơn 90% tổng khối lượng, dự án đã phải tạm dừng thi công từ tháng 11/2020 đến nay. Việc đình trệ kéo dài khiến mỗi ngày phát sinh khoản lãi vay lên tới 1,73 tỷ đồng. Phía nhà đầu tư cam kết sẽ hoàn thành dự án trong 12 tháng nếu mọi vướng mắc được giải quyết.
Nghị quyết của Chính phủ cũng nêu rõ các nguyên tắc xử lý như: tuân thủ chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực; không hợp pháp hóa sai phạm và xử lý vướng mắc đúng thẩm quyền.

Dù đã đạt hơn 90% tổng khối lượng, dự án đã phải tạm dừng thi công từ tháng 11/2020 đến nay - Ảnh: TN
Dự án chống ngập 10.000 tỷ là một trong những công trình trọng điểm chậm tiến độ, gây lãng phí, được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đặc biệt quan tâm. Trong các cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo vào đầu năm 2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có những chỉ đạo quyết liệt, nhấn mạnh việc phải xử lý dứt điểm các vướng mắc tại những công trình, dự án trọng điểm bị trì trệ, hiệu quả thấp, gây thất thoát lớn.
Cùng với dự án chống ngập, Nghị quyết 212 cũng áp dụng các nguyên tắc tháo gỡ khó khăn tương tự cho Dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - Quốc lộ 1 thuộc địa bàn TP.Thủ Đức (trước đây).