Cần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc

Đồi Cư Mblim (xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột) được tỉnh Đắk Lắk chọn để xin Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương xây Đền thờ Vua Hùng của vùng Tây Nguyên. Khu vực này có đông đồng bào Êđê sinh sống, mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào.

Quy hoạch Khu du lịch sinh thái Đền Hùng 120ha

Liên quan đến việc tỉnh Đắk Lắk muốn xây dựng Đền thờ Vua Hùng của vùng Tây Nguyên tại đồi Cư Mblim (xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột và xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin), bà Lê Thị Thanh Xuân - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh này cho biết hiện chưa nắm được thông tin. Quá trình tiếp xúc cử tri, bà cũng chưa nghe người dân phản ánh.

Trong khi đó, ông Phạm Ngọc Nghị -Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho hay việc xây Đền thờ Vua Hùng phức tạp, phải từ từ xử lý theo quy định. Bí thư Tỉnh ủy cũng đã có chỉ đạo về việc này.

Về hình thức đầu tư xây dựng khu Đền thờ Vua Hùng, theo tìm hiểu của PV, khi có chủ trương của Thủ tướng, UBND tỉnh Đắk Lắk mới vận động, kêu gọi, tìm nguồn vốn xã hội hóa và triển khai thực hiện.

Trước đó, như Tiền Phong phản ánh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk thống nhất chủ trương xây dựng Đền thờ Vua Hùng của vùng Tây Nguyên tại đồi Cư Mblim, thuộc xã Ea Kao và xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin), diện tích khoảng 20ha, bằng nguồn vốn xã hội hóa.

Tỉnh Đắk Lắk đã trình Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương xây dựng. Văn phòng Chính phủ đã có công văn phản hồi, nêu rõ: “Hồ sơ trình của UBND tỉnh Đắk Lắk chưa có ý kiến của các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan và tiếp thu, giải trình, đề nghị bổ sung, hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng theo đúng quy định”.

Cho ý kiến về vị trí xây dựng Đền thờ Vua Hùng, một số chuyên gia văn hóa nêu quan điểm cần cân nhắc chọn địa điểm phù hợp.

Theo tìm hiểu của PV, ngoài dự án xây dựng Đền thờ Vua Hùng của vùng Tây Nguyên trên, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Đắk Lắk còn báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy xin chủ trương lập quy hoạch xây dựng Khu du lịch sinh thái Đền Hùng khoảng 120ha (trong đó bao gồm cả 20ha xây dựng đền thờ nói trên).

Theo đề xuất này, diện tích lập quy hoạch khoảng 120ha, trong đó 94ha thuộc xã Ea Kao (TP Buôn Ma Thuột), 26ha thuộc xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin).

Khu vực đồi Cư Mblim được đề xuất xây Đền thờ Vua Hùng của vùng Tây Nguyên

Khu vực đồi Cư Mblim được đề xuất xây Đền thờ Vua Hùng của vùng Tây Nguyên

Bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống

Rời xa không gian náo nhiệt của phố thị, PV tìm về xã Ea Kao (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), nơi có hồ nước nhân tạo được ví “không bao giờ cạn”. Buổi trưa, nơi đây khá yên ắng, đến mức nghe rì rào tiếng gió. Phía bên kia hồ phủ một màu xanh của đồi cây - nơi được tỉnh Đắk Lắk chọn xây Đền thờ Vua Hùng của vùng Tây Nguyên (đang xin chủ trương của Thủ tướng Chính phủ). Phía bên này có rất đông bà con dân tộc Êđê sinh sống quần cư thành các buôn. Chúng tôi ghé thăm gia đình bà H’Yam BKrông (trưởng buôn Tơng Jú, xã Ea Kao), cũng là chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Dệt thổ cẩm Tơng Bông. Hơn 12 giờ trưa, mẹ ruột của bà- cụ H’Ti BKrông (82 tuổi) miệt mài kết hạt cườm làm điểm nhấn cho các bộ trang phục thổ cẩm.

Liên quan đến việc tỉnh Đắk Lắk muốn xây dựng Đền thờ Vua Hùng của vùng Tây Nguyên tại đồi Cư Mblim (xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột và xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin), bà Lê Thị Thanh Xuân- Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh này cho biết, hiện chưa nắm được thông tin.

Bà H’Yam BKrông cho biết, mấy hôm nay gia đình và các thành viên trong HTX tất bật chuẩn bị sản phẩm truyền thống như váy áo thổ cẩm, túi xách… để trưng bày tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột năm 2023 sắp diễn ra. Nói về việc gìn giữ bản sắc văn hóa của người Êđê, bà H’Yam chia sẻ, không riêng buôn Tơng Jú, mà các buôn khác (Hdrát, Cư Mblim…) vẫn gìn giữ được nét văn hóa đặc sắc của người Êđê. Minh chứng là nhiều nếp nhà dài vẫn hiện hữu giữa cơn lốc đô thị hóa len lỏi vào khắp buôn làng. Trong buôn Tơng Jú còn có 2 đội chiêng, nghệ nhân tạc tượng, chế tác nhạc cụ dân tộc…

Nói về đồi Cư Mblim, bà H’Yam kể hồi nhỏ hay vào rừng hái măng. Vào đấy, H’Yam được căn dặn không được nói những lời không tốt nếu đi qua hang đá có nước chảy róc rách. Tò mò, H’Yam hỏi lý do thì được kể, nếu phạm phải điều cấm kỵ trên sẽ bị quên đường về. Về sau, bà ít ghé vào khu đồi trên. Tuy nhiên, bà con trong buôn vẫn duy trì thói quen vào khu đồi Cư Mblim bẻ măng, hái rau, quả rừng… Còn về dự án xây Đền thờ Vua Hùng của vùng Tây Nguyên tại khu đồi trên, bà H’Yam bảo có nghe bà con xung quanh nhắc đến.

Cụ H’Ti BKrông miệt mài tra hạt cườm vào trang phục thổ cẩm.

Cụ H’Ti BKrông miệt mài tra hạt cườm vào trang phục thổ cẩm.

Đứng sau hiên nhà dài truyền thống, ông Y Ale Êban (60 tuổi, buôn Tơng Jú, xã Ea Kao) chỉ tay về ngọn đồi cao, giáp hồ Ea Kao nói: “Kia là đồi Cư Mblim. Hồi nhỏ, tôi thường đi chăn bò ở đây. Trước kia, khu vực này rậm rạp cây cối um tùm, hoang sơ, nay bà con canh tác trồng cà phê, hồ tiêu… xung quanh chân đồi. Trên đồi còn nhiều cây rừng lắm, nhất là tre mọc tự nhiên. Khách du lịch đến đây thường ghé ngắm hồ nước và mảng xanh bên hồ”. Cũng như bà H’Yam, ông Y Ale từng nghe việc có dự án muốn xây dựng Đền thờ Vua Hùng tại Ea Kao nhưng đến nay vẫn chưa thấy gì…

Ông Y Nguyên BKrông- trưởng buôn Cư Mblim thông tin thêm, ngoài đền thờ, ông còn nghe quanh khu vực đồi Cư Mblim được quy hoạch làm dự án sân golf, biệt thự ven hồ. Tuy nhiên, tất cả mới dừng ở việc nghe, chứ ông chưa thấy dự án nào được triển khai. Ông Y Nguyên nói bà con trong buôn rất tự hào khi ngọn đồi cao nhất được đặt tên cho buôn làng. Do đó ông mong muốn nếu triển khai các dự án ở đây, phải đảm bảo công tác bảo tồn, phát huy được lợi thế giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.

HUỲNH THỦY

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/can-bao-ton-ban-sac-van-hoa-dan-toc-post1515142.tpo