Cần bắt buộc có lối thoát hiểm thứ hai cho nhà ống
Vụ cháy khiến 3 nạn nhân tử vong tại căn nhà ống trong ngõ nhỏ Thổ Quan, quận Đống Đa, Hà Nội sáng ngày 8-7 một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về phòng cháy chữa cháy ở các đô thị lớn.
Nguy cơ rình rập
Sáng 8-7, đọc thông tin về vụ cháy tại ngõ Thổ Quan, Hà Nội, bà Dương Bích Diệp, ngụ tại hẻm 60/66 đường Lâm Văn Bền, phường Tân Kiểng, quận 7 (thành phố Hồ Chí Minh), chia sẻ: “Thật đau xót! Xin chia buồn cùng gia đình! Nhưng tôi thấy cần có hành động quyết liệt cho việc phòng, chống cháy nổ ở nhà dân. Rất cần có quy định cứng về lối thoát hiểm thứ 2 trong nhà ống, nhà chung cư. Không thể để những vụ thương tâm thế này tiếp tục xảy ra”.
Lo lắng của bà Diệp cũng là lo lắng của rất nhiều người, nhất là những người dân đang sống trong những căn nhà phố ngay bên cạnh những cơ sở kinh doanh kết hợp nhà ở. Phần lớn những căn nhà này chỉ có 1 lối ra vào duy nhất ở tầng 1. Nếu xảy ra cháy, ngọn lửa sẽ bít lối thoát duy nhất này; khói bốc lên cao, dễ gây ngạt cho người trong phòng kín, nhất là với những người không có kỹ năng thoát hiểm trong đám cháy.
Ngay sáng 8-7, ông Nguyễn Trung Nghĩa ngụ tại mặt đường Lâm Văn Bền gần nhà bà Diệp, đã kêu thợ sắt về nhà cắt lồng sắt trên sân thượng, tạo thành một cửa thoát hiểm sang nhà bên cạnh, phòng khi có cháy nổ. Ông Nghĩa nói: “Ngay sát nhà tôi là cửa hàng sơn, vật liệu xây dựng. Đó là những chất dễ cháy. Tôi làm cửa thoát hiểm trên sân thượng để phòng khi bất trắc. Trước đây, tôi không làm vì lo chống trộm, nhưng nay thấy cần thiết phải có lối thoát thứ 2 này”.
Tuy nhiên, những nỗ lực của ông Nghĩa mới chỉ là những nỗ lực cá nhân, chưa phải là quy định bắt buộc trong phòng cháy chữa cháy.
Luật Phòng cháy chữa cháy và các văn bản dưới luật hiện hành đã đề cập các quy định về phòng cháy chữa cháy đối với các công trình nhà ở. Trong đó, với nhà ở riêng lẻ từ 7 tầng trở lên và nhà ở kết hợp kinh doanh, quy định về phương án phòng cháy khá chặt chẽ. Tuy nhiên, quy chuẩn số 06/2021 không bắt buộc áp dụng phương án phòng cháy đối với nhà ở riêng lẻ có chiều cao từ 6 tầng trở xuống.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, thống kê của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và Cứu hộ, cứu nạn cho thấy, trong năm 2022, toàn thành phố xảy ra 232 vụ cháy, làm 4 người chết, 14 người bị thương, 75 người được lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp hỗ trợ thoát ra ngoài.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, thành phố Hồ Chí Minh xảy ra 95 vụ cháy, giảm 11,2% so với cùng kỳ. Các vụ cháy làm 3 người chết và 9 người bị thương; trị giá tài sản thiệt hại khoảng 3,5 tỷ đồng (còn 50 vụ chưa thống kê được thiệt hại). Nguyên nhân gây cháy chủ yếu do sự cố hệ thống, thiết bị điện. Đáng chú ý, các vụ cháy dẫn đến chết người đều xảy ra ở nhà ở kết hợp kinh doanh hoặc không có lối thoát hiểm thứ 2.
Điểm "tử huyệt" của nhà ống
Theo Thạc sĩ, Kiến trúc sư Phạm Hoàng Phương, điểm đáng chú ý cần nhận diện đối với các vụ cháy nhà ống gây thiệt hại nặng nề trong thời gian gần đây có nguyên nhân từ góc độ kiến trúc công trình.
Trước tiên, các ngôi nhà ống bị xuống cấp do quá trình sử dụng, hoặc sự bất cẩn của người dân do công trình kém tiện nghi gây nên chập cháy trong quá trình sử dụng.
Bên cạnh đó, theo dõi các vụ cháy trong thời gian gần đây, đặc biệt vụ cháy tại quận Hà Đông khiến 4 bà cháu tử vong và vụ cháy khiến 3 người tử vong vào sáng nay ở ngõ Thổ Quan đều thấy nguyên nhân mới rất đáng chú ý và chiếm số đông các vụ cháy được các chuyên gia nhận diện chính là sự chuyển dịch công năng sử dụng của nhà ống một cách tùy tiện, thiếu kiểm soát. Ngôi nhà ban đầu được xây dựng có chức năng nhà ở gia đình được chuyển đổi bổ sung hoặc hoàn toàn sang chức năng mới như: Cửa hàng dịch vụ, văn phòng cho thuê, bar và karaoke…
Bên cạnh nhiều trường hợp gần như không có điều chỉnh nâng cấp về biện pháp phòng cháy, chữa cháy, hệ thống kỹ thuật trong ngôi nhà khi chức năng sử dụng thay đổi, một số trường hợp đã có điều chỉnh về vật liệu xây dựng, tổ chức thang thoát hiểm bổ sung cho công trình, tuy nhiên vẫn chủ yếu mang tính tình thế, thiếu bài bản, có chất lượng thấp hơn rất nhiều so với các tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy mà vốn dĩ công trình cần đạt được. Do vậy, khi có tai nạn cháy, nổ trong nhà ống, thiệt hại chắc chắn là rất khốc liệt.
Nguyên nhân thứ 2 gây cháy cho nhà ống là cháy lan từ các hộ gia đình bên cạnh sang. Đối với các công trình nhà ống do người dân tự xây dựng, đặc biệt trong các khu vực cũ của đô thị, việc quản lý và thanh tra, kiểm tra nội dung chống cháy lan rất khó khăn. Do vậy, không hiếm trường hợp chỉ một vụ cháy nhỏ, dẫn đến nhiều ngôi nhà xung quanh bắt lửa và bùng cháy theo.
Về khả năng thoát hiểm và cứu hộ, cứu nạn - vấn đề nổi cộm gây nên thiệt hại lớn trong các tai nạn cháy nổ nhà ống, ông Phạm Hoàng Phương chỉ rõ là do thiếu các lối thoát hiểm, đường cứu hộ, cứu nạn cho đơn vị chức năng khi có sự cố xảy ra.
Vấn đề đầu tiên do nhà ống xây trong các ngõ hẹp, mật độ cao, khiến đơn vị chức năng rất khó tiếp cận để chữa cháy và giải cứu nạn nhân. Thứ hai, do hạn chế về diện tích đất và tiền đầu tư xây dựng nên đa phần nhà ống chỉ có 1 lối cầu thang kết nối theo chiều đứng toàn bộ chiều cao công trình. Khi xảy ra cháy, nổ, do hiện tượng đối lưu, trục giao thông này sẽ bị khói và lửa lấp đầy nên không thể sử dụng làm lối thoát hiểm, và cũng là nguồn đưa khói lên các tầng trên gây hiện tượng ngạt khói.
Thêm vào đó, việc làm rào thép trên cửa sổ, ban công, tầng thượng… dù đáp ứng nhu cầu chống trộm trước mắt nhưng khi có tai nạn cháy, nổ lại cản trở sự thoát hiểm ra bên ngoài của nạn nhân cũng như sự tiếp cận chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn của cơ quan chức năng.
Rất cần lối thoát hiểm thứ hai
Từ việc nhận diện những nguyên nhân khiến các vụ cháy, nổ tại nhà ống thường gây thiệt hại nặng nề cả về người và tài sản, các chuyên gia cho rằng, một trong những giải pháp hữu hiệu là các công trình cần được thiết kế lối thoát hiểm thứ hai.
Qua quá trình vận động của Công an thành phố Hồ Chí Minh, hiện thành phố Hồ Chí Minh đã có hơn 1,4 triệu hộ dân mở lối thoát hiểm thứ 2, hơn 1,6 triệu hộ gia đình trang bị bình chữa cháy, hơn 1,6 triệu hộ trang bị phương tiện thoát nạn tại chỗ. Thành phố đã xây dựng được gần 500 tổ liên gia phòng cháy, chữa cháy và hơn 660 điểm chữa cháy công cộng.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Công an thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, trong nửa cuối năm 2023, Công an thành phố tiếp tục vận động người dân tự trang bị lối thoát hiểm thứ 2, trang bị bình chữa cháy và dụng cụ thoát nạn. Cùng với đó, tham mưu khắc phục triệt để những tồn tại trong công tác phòng, chống cháy nổ trên địa bàn.
Từ góc độ kiến trúc công trình, kiến trúc sư Phạm Hoàng Phương cho rằng, cần sớm quy định nhà ống khi bổ sung hoặc chuyển đổi sang chức năng khác cần bảo đảm các yêu cầu chặt chẽ như công trình công cộng. Một số các chức năng đặc thù tập trung đông người, dễ gây cháy nổ như xưởng sản xuất, bar, karaoke… thì không cho phép cải tạo bổ sung công trình, mà phải xây dựng cải tạo đồng bộ theo đúng các yêu cầu phòng cháy, chữa cháy với nhà công cộng.
Đồng thời, cần hướng dẫn và yêu cầu người dân bố trí bổ sung đường thoát hiểm khi có tai nạn cháy, nổ trong ngôi nhà của mình (thang dây thoát hiểm khẩn cấp, cửa thoát hiểm ra không gian mở xung quanh…, mở thêm lối thoát trên song sắt ban công, cửa sổ, tầng thượng); tăng cường tuyên truyền, giáo dục, tập huấn ý thức và khả năng tự thoát hiểm, hỗ trợ nhau khi có cháy, nổ trong khu dân cư cho cộng đồng.
Đáng chú ý, Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng) đang hoàn thiện dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia Nhà ở riêng lẻ - Yêu cầu chung về thiết kế, dự kiến ban hành vào tháng 9-2023. Theo đó, mọi nhà ở riêng lẻ phải bắt buộc có 1 lối thoát hiểm ở tầng 1; nhà ở kết hợp kinh doanh có ít nhất 2 lối thoát nạn. Mỗi lối rộng tối thiểu 0,8m, cao 1,9m, luôn phải để thông thoáng và có phương án ngăn cách với các vật liệu dễ cháy gần đó.
Cũng theo dự thảo, lối thoát hiểm thứ 2 có thể bố trí qua ban công, lô gia, cửa sổ có mặt ngoài thông thoáng, lối lên mái nhà hoặc bằng thang sắt, ống tụt, thang dây ngoài nhà… để thoát nạn khi cần thiết. Nếu tạo lối thoát qua lồng sắt, cửa thoát cần có kích thước tối thiểu 0,8x0,8 m. Nếu trổ cửa qua mái, phải bảo đảm kích thước tối thiểu 0,6x0,8 m.
Trường hợp không thể bố trí đường thoát nạn, lối ra thoát nạn riêng hoặc lối ra phụ ở tầng 1, cần có các khu vực lánh nạn tạm thời ở các tầng tại các vị trí ban công hoặc lô-gia, được quây bằng tường và cửa chống cháy hoặc vật liệu khó cháy.
Nhà có sân thượng cần bố trí lối lên sân thượng qua cửa có chiều rộng tối thiểu 0,8m, chiều cao tối thiểu 1,9m, Đặc biệt, dự thảo quy định không xây bít ô thông tầng để không ảnh hưởng đến thoát khói tự nhiên. Hy vọng các quy định “cứng” này sẽ giúp giảm thiểu hậu quả thương tâm trong các vụ cháy nhà ống, nhà ở kết hợp kinh doanh.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/can-bat-buoc-co-loi-thoat-hiem-thu-hai-cho-nha-ong-634516.html