Căn bệnh 'ám ảnh' người yêu chó mèo, hàng chục nghìn ca mắc mỗi năm
Đôi mắt mờ khiến người đàn ông phải 'cầu cứu' bác sĩ. Nhiều người khác cũng tìm đến bệnh viện trong tình trạng ngứa ngáy.
Buổi sáng tháng 8/2011, người đàn ông 34 tuổi sống tại Sơn La đến khám tại Bệnh viện Mắt Trung ương (Hà Nội) vì mắt trái đau âm ỉ, sưng đỏ và mất dần thị lực sau 3 tháng.

Giun đũa chó mèo gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Ảnh: Adobe Stock.
Các bác sĩ phát hiện võng mạc của anh đã bị bong tách, viêm mô, hình thành u hạt và một nang chứa ấu trùng nằm sâu dưới đáy mắt. Kết quả xét nghiệm cho thấy anh dương tính với giun đũa chó (Toxocara canis), tỷ lệ bạch cầu ái toan cao bất thường.
Sau phẫu thuật lấy dị vật, ấu trùng dài khoảng 350 micromet được các chuyên gia xác định chính xác qua phân tích gene, khẳng định đây là một ca nhiễm giun di chuyển nội tạng hiếm gặp, nhưng không phải duy nhất.
Hàng chục nghìn ca mắc mỗi năm
Toxocariasis là bệnh nhiễm ký sinh trùng do giun tròn Toxocara gây ra. Dù phần lớn ca nhiễm không biểu hiện triệu chứng rõ ràng, một số trường hợp có thể diễn tiến nghiêm trọng, dẫn đến viêm màng não hoặc thậm chí mù lòa vĩnh viễn.
Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), bệnh này thường gặp ở người sống trong điều kiện kinh tế - xã hội thấp, đặc biệt là tại các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới. Hai loài phổ biến gây bệnh ở người là Toxocara canis (ký sinh ở chó) và Toxocara cati (ký sinh ở mèo).
Chó, mèo, cáo và các loài ăn thịt khác là vật chủ chính, mang giun trưởng thành trong ruột và thải trứng ra môi trường qua phân. Những trứng này sau khi phát triển thành dạng có phôi có thể tồn tại ngoài môi trường hàng năm liền và vẫn giữ khả năng lây nhiễm.

Tại Mỹ ghi nhận hàng chục nghìn ca mắc giun đũa chó mèo mỗi năm. Ảnh: CMJ.
Con người thường bị nhiễm do vô tình nuốt phải trứng giun có trong đất, cát hoặc bề mặt bị ô nhiễm, chẳng hạn như khi trẻ em chơi ở công viên, sân vườn mà không rửa tay sạch sẽ. Các nghiên cứu cũng ghi nhận lây truyền qua nhau thai ở chó và mèo, góp phần duy trì chu kỳ sống của ký sinh trùng trong tự nhiên.
Tại Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) ước tính khoảng 10.000 ca nhiễm Toxocara được ghi nhận mỗi năm, với 5-15% dân số có kháng thể chứng tỏ từng nhiễm. Ở các nước đang phát triển, tỷ lệ này cao hơn nhiều. Một nghiên cứu tại Nigeria từng ghi nhận trên 80% trẻ em có dấu hiệu từng phơi nhiễm với Toxocara.
Tại Việt Nam, tỷ lệ này cũng đáng lo ngại. Năm 2024, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ tiếp nhận gần 30.000 trường hợp nhiễm giun đũa chó mèo, gấp đôi so với năm 2023 (15.527 ca). Trong đó, số lượt điều trị ngoại trú đạt 22.189 trường hợp, tăng 33,5% so với năm trước.
4 thể phổ biến của bệnh
Nhiễm giun đũa chó mèo có thể biểu hiện dưới nhiều thể lâm sàng khác nhau, tùy vào cơ quan bị ấu trùng xâm nhập và mức độ phản ứng miễn dịch của cơ thể. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể nhận thấy những dấu hiệu rõ ràng như các đường ngoằn ngoèo trên da do ấu trùng di chuyển. Tuy nhiên, phần lớn tổn thương lại diễn ra âm thầm bên trong.
Thể phổ biến nhất là ấu trùng di chuyển nội tạng, khi giun xâm nhập vào gan, phổi, ruột hoặc lách. Người bệnh thường có biểu hiện toàn thân như sốt nhẹ, đau bụng kéo dài, gan hoặc lách to, kèm theo xét nghiệm máu cho thấy tăng bạch cầu ái toan. Nếu lan đến phổi, bệnh nhân có thể bị ho kéo dài, thở khò khè, dễ bị nhầm lẫn với hen suyễn.

Bàn tay của người nhiễm giun đũa chó mèo. Ảnh: Bệnh viện Đặng Văn Ngữ.
Bệnh nhân N.L. (64 tuổi) sống tại Quảng Ninh, nhập viện trong tình trạng đau bụng vùng thượng vị kéo dài, đi ngoài liên tục hơn 25 lần trong vài giờ và ngứa da suốt hơn một tháng. Trước đó, bà từng điều trị tại bệnh viện tuyến dưới và có cải thiện, nhưng bệnh nhanh chóng tái phát.
Theo người bệnh, gia đình bà nuôi một con chó lớn, từng nôn ra sán nhưng không được xử lý đúng cách. Bà L. vẫn tiếp xúc trực tiếp với chó, không dùng găng tay hay đi giày dép khi dọn dẹp. Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các xét nghiệm cho thấy bà nhiễm đồng thời giun đũa chó mèo và sán lá gan lớn. Trên da xuất hiện tổn thương dạng sẩn, các đường hằn ngoằn ngoèo do sán di chuyển. Dù bị nhiễm ký sinh trùng dạng nặng, tuy nhiên, nhờ được điều trị đúng cách, sức khỏe người bệnh ổn định sau một tuần.
Một thể nặng khác là ấu trùng di chuyển đến mắt, thường gặp ở trẻ em. Khi ấu trùng xâm nhập vào nhãn cầu gây viêm võng mạc, u hạt và thậm chí dẫn đến mù vĩnh viễn. Biểu hiện ban đầu chỉ là mờ mắt nhẹ hoặc mắt đỏ thoáng qua, dễ bị bỏ sót nếu không được khám chuyên sâu. Trong một thống kê tại Mỹ từ năm 2009 đến 2010, có tới 83% bệnh nhân bị mất thị lực vì ký sinh trùng di chuyển đến mắt.
Trường hợp của Millie Knight ở Anh là một ví dụ. Millie sống tại một trang trại ở Canterbury, thường xuyên tiếp xúc với các vật nuôi như chó, mèo, cừu. Các bác sĩ cho rằng cô bé có thể đã nhiễm giun từ khi mới một tuổi, nhưng bệnh không biểu hiện rõ ràng cho đến năm em lên 6.

Trong một số trường hợp, ký sinh trùng có thể tấn công mắt người. Ảnh: Times of India.
Chỉ trong ba tuần, Millie mất gần như toàn bộ thị lực ở mắt trái. Em được chẩn đoán mắc toxocariasis và phải điều trị lâu dài bằng thuốc ức chế miễn dịch và kháng sinh. Tuy nhiên, thị lực của người bệnh mãi mãi không thể trở về như trước.
Ở thể thần kinh, ấu trùng xâm nhập hệ thần kinh trung ương, gây viêm não, viêm màng não hoặc co giật, yếu liệt, rối loạn cảm giác.
Ngoài ra, nhiều người có thể mang bệnh ở dạng thể ẩn, gần như không có triệu chứng cụ thể. Chỉ một số biểu hiện nhẹ như mệt mỏi, nổi mề đay thoáng qua, rối loạn tiêu hóa nhẹ hoặc xét nghiệm máu phát hiện tăng bạch cầu ái toan không rõ nguyên nhân mới giúp phát hiện tình cờ.
Cách phòng tránh giun đũa chó mèo
Việc điều trị tùy thuộc vào vị trí và mức độ tổn thương do ấu trùng gây ra trong cơ thể. Nếu ấu trùng di chuyển đến các cơ quan như gan, phổi, ruột... và gây viêm nhiễm (gọi là thể nội tạng), người bệnh sẽ được chỉ định dùng thuốc diệt giun.
Trong những trường hợp tổn thương nghiêm trọng, bác sĩ có thể kê thêm thuốc chống viêm (corticosteroids) để giảm phản ứng viêm trong cơ thể.
Phòng bệnh vẫn là cách hiệu quả nhất, đặc biệt với trẻ nhỏ - nhóm dễ bị lây nhiễm nhất:
Tẩy giun định kỳ cho chó mèo nuôi trong nhà là điều bắt buộc. Các chuyên gia khuyến cáo nên tẩy giun ít nhất mỗi 3 tháng, hoặc mỗi tháng nếu vật nuôi thường ra ngoài, tiếp xúc với môi trường đất cát.
Dọn sạch phân chó mèo càng sớm càng tốt. Dù đã dọn, trứng giun vẫn có thể tồn tại trong đất và gây nhiễm cho người nếu không xử lý đúng cách.
Không để chó mèo phóng uế bừa bãi.
Trẻ nhỏ cần được hướng dẫn rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi chơi đất, cát, hạn chế đưa tay lên miệng hoặc dụi mắt.