Chọn thành phần kem đánh răng phù hợp với tình trạng răng miệng của bạn

Chọn kem đánh răng tưởng chừng đơn giản, nhưng thực tế lại liên quan mật thiết đến tình trạng răng miệng và thói quen chăm sóc cá nhân mỗi ngày. Ngoài yếu tố thương hiệu hay mức giá, người tiêu dùng cần hiểu rõ thành phần trong mỗi sản phẩm, để lựa chọn sản phẩm phù hợp tùy theo tình trạng răng nướu.

Tại Việt Nam, phần lớn các loại kem đánh răng đều được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn do Bộ Y tế ban hành và chịu sự kiểm soát chất lượng từ Cục Quản lý Dược. Về thành phần, kem đánh răng thường chứa sáu nhóm chất chính, phối hợp để làm sạch và bảo vệ khoang miệng một cách toàn diện.

Chất mài mòn như silica hydrat hoặc canxi carbonate có tác dụng loại bỏ mảng bám và làm bóng bề mặt răng, thường nằm trong ngưỡng RDA an toàn (dưới 70) sẽ không gây tổn hại men răng. Florua (hợp chất sodium fluoride hoặc monofluorophosphate) với hàm lượng cho phép từ 1.000 đến 1.500 ppm giúp tái khoáng hóa và ngăn ngừa sâu răng.

Bên cạnh đó, chất hoạt động bề mặt như sodium lauryl sulfate (SLS) có khả nặng tạo bọt và phân tán cặn bẩn, nhưng với người có khoang miệng nhạy cảm, nên ưu tiên sản phẩm chứa thành phần dịu nhẹ hơn như cocamidopropyl betaine. Các chất giữ ẩm (glycerin, sorbitol) giúp kem không bị khô và duy trì kết cấu kem mềm mịn. Thành phần hương liệu, thường là bạc hà, tạo mùi vị dễ chịu trong quá trình đánh răng. Cuối cùng, chất kết dính như carboxymethyl cellulose giữ cho kết cấu sản phẩm ổn định, hạn chế tách lớp trong suốt thời gian sử dụng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Dễ bị sâu răng

Người có men răng yếu hoặc dễ tích tụ mảng bám nên lựa chọn kem đánh răng có chứa florua. Đây là hoạt chất đã được chứng minh giúp tái khoáng hóa men răng và tăng cường khả năng bảo vệ răng miệng trước vi khuẩn xâm nhập và gây hại. Theo khuyến nghị, các sản phẩm có hàm lượng florua từ 1.000 đến 1.500 ppm sẽ phù hợp cho những ai có nguy cơ sâu răng cao, giúp tăng hiệu quả phòng ngừa khi sử dụng đều đặn.

Răng xỉn màu do cà phê, thuốc lá

Thói quen sử dụng cà phê, trà đặc hoặc thuốc lá dễ để lại vết ố trên răng. Để làm sạch hiệu quả bề mặt răng, có thể lựa chọn kem đánh răng có độ mài mòn cao hơn bình thường. Mức độ này được đo bằng chỉ số RDA (Relative Dentin Abrasivity), dao động từ 30 đến 200. Trong đó, RDA khoảng 50 -70 là mức an toàn cho người trưởng thành sử dụng hàng ngày.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Răng nhạy cảm, dễ ê buốt

Người thường xuyên cảm thấy ê buốt khi ăn đồ nóng, lạnh hoặc chua nên chọn kem đánh răng có độ mài mòn thấp để tránh làm tổn thương thêm men răng và vùng cổ chân răng nhạy cảm. Ngoài ra, các sản phẩm chứa hoạt chất như canxi phosphate, kali nitrate hoặc kali chloride có thể giúp giảm ê buốt nhờ khả năng ức chế tín hiệu đau từ dây thần kinh bên trong răng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Viêm nướu, chảy máu lợi

Tình trạng nướu sưng đỏ, dễ chảy máu khi đánh răng hoặc nhạy cảm kéo dài thường là dấu hiệu của viêm lợi hoặc các bệnh lý vùng quanh răng. Trong trường hợp này, nên chọn kem đánh răng có tác dụng kháng viêm và hỗ trợ phục hồi mô nướu. Một số thành phần thường xuất hiện trong các sản phẩm chuyên biệt bao gồm muối khoáng, vitamin E, vitamin B6, allantoin và aminocaproic acid. Những hoạt chất này giúp làm dịu vùng viêm, tăng cường sức đề kháng của nướu và thúc đẩy quá trình hồi phục tổn thương tại chỗ.

Theo Brunch, Naver

Trang Nguyen

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://sgtt.thesaigontimes.vn/chon-thanh-phan-kem-danh-rang-phu-hop-voi-tinh-trang-rang-mieng-cua-ban/