Cần biết về quy trình Code Stroke 'thần tốc' cứu bệnh nhân đột quỵ
Vận hành quy trình Code Stroke cứu người bệnh đột quỵ ở bệnh viện tuyến quận, huyện liệu có khả thi không?
Một bạn đọc ở miền Trung hỏi: Tôi đang công tác tại một bệnh viện tuyến quận ở miền Trung, vừa rồi có đọc trên Báo Người Lao Động bản tin Bệnh viện Quân y 175 (TP HCM) cứu sống một bệnh nhân đột quỵ nhờ quy trình báo động Code Stroke. Theo tôi biết Code Stroke thường áp dụng cho liên chuyên khoa nhưng quy mô và trình độ của hệ thống bệnh viện cấp quận, huyện thường không đáp ứng. Vậy có thể vận hành quy trình này thì tuyến quận, huyện có khả thi không? Thời gian vàng xử lý đột quỵ cho bệnh nhân thường rất ngắn, một số địa bàn xa, không kịp chuyển lên bệnh viện đa khoa tỉnh hoặc đi TP HCM thì Code Stroke rất cần cho bệnh viện tại chỗ để cứu sống bệnh nhân đột quỵ. Rất mong được tư vấn thêm.
TS-BS TẠ VƯƠNG KHOA, Bệnh viện Quân y 175 (TP HCM), trả lời: Thân chào quý đồng nghiệp !.
Code Stroke là quy trình báo động đột quỵ với sự tham gia đồng thời của các y - bác sĩ thuộc nhiều chuyên khoa nhằm mục đích rút ngắn tối đa thời gian cấp cứu người bệnh nhập viện vì đột quỵ cấp, cụ thể là đột quỵ nhồi máu não trong vòng 24 giờ đầu.
Các bằng chứng đến thời điểm hiện tại chứng minh trong vòng 24 giờ đầu kể từ thời điểm khởi phát nhồi máu não, người bệnh gia tăng cơ hội cải thiện dự hậu (tử vong, tàn tật) nếu được điều trị tái thông động mạch não bị tắc (trong đa số trường hợp do cục máu đông) càng sớm càng tốt bởi các phương pháp tiêm truyền thuốc tiêu huyết khối theo đường tĩnh mạch, can thiệp nội mạch lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học theo đường động mạch.
Nói tóm lại, ý nghĩa chính của việc triển khai Code Stroke tại các cơ sở y tế là giúp người bệnh đột quỵ nhồi máu não cấp có cơ hội được điều trị tái thông càng sớm càng tốt.

BS Tạ Vương Khoa (phải), Bệnh viện Quân y 175 (TP HCM). Ảnh: TẤN THẠNH
Cơ cấu nhân sự tham gia Code Stroke phổ biến bao gồm 1 bác sĩ có chuyên môn đột quỵ (có thể là bác sĩ chuyên Khoa Nội Thần kinh hoặc bác sĩ thuộc các chuyên khoa khác đã được đào tạo và có chứng chỉ điều trị đột quỵ), 1 bác sĩ và 1 điều dưỡng Khoa Cấp cứu (là địa chỉ đầu tiên tiếp nhận và nhận diện người bệnh đột quỵ cấp để kích hoạt Code Stroke), 1 bác sĩ và 1 kỹ thuật viên Khoa Chẩn đoán hình ảnh (thực hiện chụp và đọc kết quả CT hoặc MRI sọ cho người bệnh; nếu thực hiện được CT hoặc MRI có thuốc tương phản thì càng tốt, nếu không được thì chỉ cần CT hoặc MRI không thuốc tương phản cũng đạt yêu cầu), 1 bác sĩ và 1 kỹ thuật viên Khoa Xét nghiệm (thực hiện và trả kết quả các xét nghiệm huyết học, sinh hóa cho người bệnh, hầu hết là các xét nghiệm thường quy thông thường; nếu cơ sở y tế có Khoa Huyết học và Khoa Sinh hóa là các khoa riêng biệt thì cần 1 bác sĩ và 1 kỹ thuật viên của mỗi khoa). Khi Code Stroke được kích hoạt, tất cả các thành phần nêu trên sẽ ngay lập tức cùng tham gia xử lý ca bệnh theo phân nhiệm.
Trên thực tế, với mô hình tổ chức của ngành y tế, phần lớn các bệnh viện tuyến quận, huyện trên cả nước đều có thể đáp ứng hầu hết các điều kiện về nhân lực và trang thiết bị để triển khai Code Stroke tại bệnh viện mình. Cái khó nhất là đáp ứng điều kiện về bác sĩ có chuyên môn đột quỵ và quy trình phối hợp đa chuyên khoa thuần thục.
Tuy nhiên, theo tôi, các khó khăn này không phải là quá khó để không thể xử lý. Hiện nay, ở TP HCM, một số bệnh viện lớn như Bệnh viện Nhân Dân 115, Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Đại học Y Dược… thường xuyên mở các lớp đào tạo và cấp chứng chỉ chẩn đoán và điều trị đột quỵ (hầu hết là khóa học 6 tháng) cũng như hỗ trợ các cơ sở y tế tuyến dưới trong việc xây dựng, tập huấn, vận hành, chuyển giao kỹ thuật quy trình xử lý đột quỵ cấp nếu có yêu cầu. Các bệnh viện tuyến quận, huyện hoàn toàn có thể dựa vào đây để thực thi.
Trong 2 phương pháp điều trị tái thông nhắc đến ở phần trên, việc triển khai tại chỗ phương pháp tiêu huyết khối tĩnh mạch vốn không đòi hỏi yêu cầu quá cao về nhân lực và trang thiết bị, không phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên khiến nguy cơ lỡ mất "thời gian vàng" (cửa sổ điều trị tiêu huyết khối tĩnh mạch khá ngắn, chỉ trong vòng 4,5 giờ đầu) đối với các bệnh viện tuyến quận, huyện là hoàn toàn khả thi.
Còn đối với phương pháp can thiệp nội mạch vốn đòi hỏi yêu cầu cao hơn về nhân lực và trang thiết bị nhưng bù lại có cửa sổ điều trị dài hơn (trong vòng 24 giờ đầu), các bệnh viện tuyến quận, huyện không nhất thiết đặt nặng nhu cầu triển khai, chỉ cần nhận diện đúng bệnh nhân có chỉ định và chuyển lên tuyến trên là đủ.
Tại TP HCM, một số bệnh viện quận, huyện đã triển khai thuần thục quy trình báo động đột quỵ và điều trị tại chỗ tiêu sợi huyết tĩnh mạch từ nhiều năm nay, thậm chí có bệnh viện triển khai cả điều trị can thiệp nội mạch lấy huyết khối cơ học.