Cán bộ bị kỷ luật thôi tham gia BCH Trung ương: Tiền lệ xây dựng văn hóa từ chức
Ông Lê Như Tiến nhận định việc để cán bộ bị kỷ luật thôi tham gia Ban chấp hành Trung ương sẽ là tiền đề để những cán bộ yếu năng lực, kém đạo đức tự nguyện từ chức.
Một điểm mới tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII là lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định để cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII theo chủ trương của Bộ Chính trị tại Quy định số 41-QĐ/TW, ngày 03/11/2021 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ và Thông báo số 20-TB/TW, ngày 08/9/2022 về bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật, đối với các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng Nguyễn Thành Phong, Huỳnh Tấn Việt, Bùi Nhật Quang.
Trước đó, những cán bộ này đã bị Bộ Chính trị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo vì những sai phạm trong quá trình công tác.
Xóa bỏ quan niệm “tắm từ vai trở xuống”
Trả lời VTC News, ông Lê Như Tiến - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - cho rằng, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, 7 Ủy viên Trung ương Đảng lần lượt nhận các hình thức kỷ luật, gồm bị khai trừ Đảng, cách chức, cho thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng (trong đó 1 người đã bị tuyên án sơ thẩm, 3 người bị khởi tố, bắt tạm giam). Đó là sự khẳng định, thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Đảng và Nhà nước ta, rằng chống tham nhũng, tiêu cực thì không có vùng cấm, không có ngoại lệ và không trừ bất cứ một ai.
“Quyết tâm chính trị của chúng ta rất lớn, không còn quan niệm ngày xưa chỉ “tắm từ vai trở xuống”, không có vị trí công tác nào bất khả xâm phạm. Rất nhiều Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bình Dương… vẫn bị xử lý khi có sai phạm”, ông Lê Như Tiến nhấn mạnh.
Bàn luận về việc để ba cán bộ cấp chiến lược ra khỏi Trung ương sau khi bị Bộ Chính trị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, ông Tiến cho rằng, đó là bước tiến mới, mở ra những tiền lệ tốt, rất có ý nghĩa trong việc làm trong sạch bộ máy. Điều này cũng thể hiện ý thức chấp hành Thông báo số 20-TB/TW về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật.
“Đã bị kỷ luật, không còn uy tín nữa thì cán bộ nên xin thôi nhiệm vụ và chúng ta gọi là từ chức. Đây là điều rất tốt và tôi hy vọng qua sự việc này sẽ mở ra một tiền lệ nhân rộng từ Trung ương đến địa phương, các bộ ngành, đơn vị, nếu ai cảm thấy mình không đảm đương được nhiệm vị vì năng lực và đạo đức yếu kém, uy tín bị giảm sút hay có thể sức khỏe không đảm bảo thì tự xin rút lui”, ông Lê Như Tiến nói.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - cho rằng, việc để cán bộ bị kỷ luật thôi tham gia Ban chấp hành Trung ương Đảng là điểm mới, chưa có tiền lệ.
“Ý nghĩa sâu xa của việc này là mở cánh cửa, tạo điều kiện cho cán bộ, đảng viên mắc khuyết điểm có đường lui, góp phần vào việc xây dựng, triển khai văn hóa từ chức”, ông Chức nhận định và nói thêm, xét về quan điểm văn hóa thì đây là quyết sách rất nhân văn đối với những người có khuyết điểm. Đảng mở đường, tạo điều kiện cho những cán bộ mắc khuyết điểm rút lui có trật tự, rút lui trong danh dự, mặc dù người đó cũng đã tự đánh mất danh dự trong một chừng mực nhất định.
“Anh bị khiển trách, phê bình, cảnh cáo có nghĩa đã mắc khuyết điểm nhưng ở đây chưa đến mức phải xử lý. Rút lui như thế cũng có thể tạm coi rút lui trong danh dự và đây chính là dần dần để mở ra cho mỗi cán bộ, đảng viên tự thấy mình không xứng đáng, không hoàn thành nhiệm vụ thì từ chức”, ông Chức nói.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng cho rằng, sự việc này cho thấy, Đảng sẵn sàng đưa ra khỏi đội ngũ những người không còn xứng đáng, giống như lời khẳng định của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII: “Không thể để cho mấy ông cán bộ bị kỷ luật cứ ngồi đấy mãi làm ảnh hưởng lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, trong khi hàng chục nghìn tổ chức cơ sở Đảng khác đang làm tốt”.
Để từ chức trở thành “chuyện bình thường”
Ông Lê Như Tiến nhận định, lâu nay, chúng ta quan niệm “đã lên không xuống, đã vào không ra”, tư duy này cần phải dẹp bỏ.
Từ chức và thay cán bộ phải "như dòng sông có sự lưu chuyển, nước đục, nước không trong sạch sẽ bị loại trừ", thay vào đó là những dòng nước tươi mới, chất lượng hơn.
“Mấy chục năm nay, có ông Lê Huy Ngọ tự nguyện xin từ chức Bộ trưởng Nông nghiệ̣p và Phát triển nông thôn sau khi bị kỷ luật cảnh cáo. Từ đó đến giờ, không thấy vị nào (thuộc diện Trung ương quản lý - PV) đứng lên để từ chức cả”, ông Tiến nêu.
Theo ông Tiến, từ chức là văn hóa đẹp, nhường chỗ cho những người khác có điều kiện hơn mình để đảm đương những công việc, trọng trách của đất nước, của xã hội.
Ông Nguyễn Viết Chức cũng cho rằng: “Cán bộ phải có nhân cách, trung thực mới có văn hóa từ chức. Anh đã kém, yếu rồi nhưng cứ ngồi ì ra đấy để bám lấy chức quyền là không có nhân cách”.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, từ chức đảm bảo danh dự, lòng tự trọng của cán bộ. Từ chức không nhất thiết là do mắc khuyết điểm, chỉ cần mình thấy không hoàn thành được nhiệm vụ, hoặc nhiệm vụ khó quá ông thể làm thì nên từ chức để người khác làm.
Văn hóa từ chức phải bắt đầu từ những quy định của Đảng, Nhà nước nhưng đồng thời phải thay đổi tư duy, cách nhìn nhận, không nên định kiến mới tạo ra được môi trường văn hóa từ chức.
“Xã hội cần ủng hộ, không nên thêu dệt thêm việc của người có khuyết điểm đã chọn đường rút lui. Đừng tạo cho họ suy nghĩ rằng rút lui là thân bại danh liệt. Tự rút lui là hành vi tốt, hành động đẹp để làm cho đội ngũ trong sạch, làm việc có hiệu quả hơn”, ông Chức nhấn mạnh.
Không nên 'tham quyền cố vị' khi mình không còn đủ năng lực, uy tín.
PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc
Có cùng góc nhìn này, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - cho biết, Thông báo 20-TB/TW đã nêu rõ, cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức. Nếu cán bộ không tự nguyện xin từ chức, cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định.
"Cán bộ thuộc diện bị xử lý kỷ luật cần có thái độ chủ động xin từ chức, không nên để bị 'gọi tên'. Trước đây, có một thời chúng ta hay xử lý nội bộ. Còn hiện nay, tất cả vụ dù lớn, nhỏ, xử lý trong Đảng hay trước pháp luật, đều công khai, nên cán bộ nào bị xử lý kỷ luật dư luận đều nắm rõ. Không nên 'tham quyền cố vị' khi mình không còn đủ năng lực, uy tín", ông Phúc nói.
Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng dẫn lại lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là "xử lý một người để cứu muôn người" và cho rằng điều này mang tính nhân văn. Vấn đề đó không được nương nhẹ nhưng cũng phải giáo dục, cảnh tỉnh cán bộ mắc sai phạm rồi sau này tạo điều kiện để họ có thể trở lại chứ không phải vùi dập, trừng trị cho không còn con đường phát triển.
"Có nhiều đồng chí từ chức sau đó phấn đấu công việc chuyên môn rất tốt thì lại hòa nhập, tiếp tục phát triển, cũng không đến nỗi chặn lại hết con đường phát triển của cán bộ, đảng viên. Đấy chính là tinh thần của nhân văn cách mạng trong Đảng Cộng sản", PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nói thêm.