Cán bộ cản trở hoạt động tố tụng phải bị xử lý nặng hơn bình thường
Sáng 15/8, UBTVQH xem xét, cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.
Về phân định thẩm quyền xử phạt VPHC đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, dự thảo pháp lệnh quy định: Người có thẩm quyền xử phạt trong CAND có thẩm quyền xử phạt đối với: Hành vi cản trở hoạt động tố tụng trong giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra của cơ quan, người có thẩm quyền trong CAND, VKSND, Cơ quan điều tra của VKSND tối cao; hành vi cản trở hoạt động tố tụng trong giai đoạn truy tố của cơ quan, người có thẩm quyền trong VKSND.
Người có thẩm quyền xử phạt trong TAND có thẩm quyền xử phạt đối với: Hành vi cản trở hoạt động tố tụng kể từ thời điểm TAND nhận, thụ lý vụ án, vụ việc.
Người có thẩm quyền xử phạt trong Tòa án quân sự có thẩm quyền xử phạt đối với: Hành vi cản trở hoạt động tố tụng kể từ thời điểm Tòa án quân sự nhận, thụ lý vụ án, vụ việc;
Hành vi cản trở hoạt động tố tụng trong giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra của cơ quan, người có thẩm quyền trong Viện kiểm sát quân sự, Cơ quan điều tra củaTViện kiểm sát quân sự Trung ương, Cơ quan điều tra trong QĐND và các cơ quan trong QĐND được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, trừ Bộ đội biên phòng và Cảnh sát biển; hành vi cản trở hoạt động tố tụng trong giai đoạn truy tố của cơ quan, người có thẩm quyền trong Viện kiểm sát quân sự.
Quyết định xử lý hành chính không bị khiếu nại
Phát biểu thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới băn khoăn về thẩm quyền xử phạt của lực lượng CAND trong giai đoạn hồ sơ gửi qua Tòa thì không có quyền xử phạt, trong khi thực tế vẫn có những hành vi cản trở xảy ra ở giai đoạn đó.
Bên cạnh đó, thi hành án cũng là một hoạt động của giai đoạn tố tụng, nếu như bị cản trở thì liệu có còn trong phạm vi điều chỉnh của pháp lệnh này nữa hay không, chưa thấy dự thảo pháp lệnh này đặt ra.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, công tác thi hành án những năm gần đây có nhiều thuận lợi nhưng vẫn còn vướng mắc, khó khăn. Chẳng hạn khi gần đến ngày cưỡng chế giải phóng mặt bằng thì lại có văn bản của cơ quan nọ, cơ quan kia đề nghị dừng lại để xem xét…Vậy giai đoạn thi hành án có nằm trong phạm vi điều chỉnh của pháp lệnh hay không?".
Giải trình làm rõ thêm sau đó, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ cho biết, trong Luật Xử lý VPHC đã quy định phần thi hành án dân sự giao cho Chính phủ và đã được quy định tại 2 nghị định: Điều 64, Nghị định số 82 của xử phạt VPHC trong lĩnh vực thi hành án dân sự; Điều 27 Nghị định 71 của Chính phủ xử phạt VPHC trong lĩnh vực thi hành án hành chính.
Trường hợp chuyển hồ sơ sang Cơ quan điều tra, Điều 65 Luật Xử lý VPHC đã quy định thời hạn 7 ngày. Nếu có dấu hiệu thì chuyển cơ quan Công an khởi tố hình sự, không có dấu hiệu thì trả lại cho cơ quan hành chính để xử lý VPHC. Trường hợp các cơ quan không làm tròn trách nhiệm thì bị xử lý theo quy định cán bộ công chức vi phạm công vụ, hoặc thậm chí bị khởi tố.
Phó Chủ nhiệm UBTP Nguyễn Thị Thủy cũng phát biểu làm rõ thêm và cho biết, dự thảo pháp lệnh liên quan chặt chẽ đến 9 luật và pháp lệnh khác. Nên trong quá trình phối hợp thẩm tra đã rất chặt chẽ.
Về nội dung ý kiến các quyết định xử lý hành chính này có bị khiếu nại hay không? Bà Thủy cho biết, nội dung này đã được quy định tại Điều 15 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, các quyết định này bị khiếu nại sẽ được xử lý theo Luật khiếu nại, tố cáo.
Đối với quyết định xử lý hành chính của Tòa có bị khởi kiện hay không? Theo bà Thủy, Điều 30 Luật XLVPHC đã loại trừ 4 nhóm quyết định không bị khởi kiện ra Tòa án, trong đó có Quyết định của Tòa án xử lý hành vi vi phạm tố tụng của Tòa án. Quyết định của Kiểm toán Nhà nước trong giải quyết khiếu nại cũng là một trong 4 nhóm quyết định không bị khởi kiện ra tòa.
Đối với quyết định về trình tự thủ tục của TAND xem xét đưa người nghiện ma túy vào cai nghiện bắt buộc nếu bị cản trở có được coi là hành vi cản trở tố tụng và xử lý theo pháp lệnh này hay không?
Bà Nguyễn Thị Thủy cho hay, trong quá trình phối hợp xây dựng dự thảo, các cơ quan đã thảo luận kỹ; trong quá trình thảo luận đều cho rằng đây là quyết định “đầu hành chính, đuôi tư pháp”. Đó là khi Bộ LĐ-TB-XH và các cơ quan có liên quan lập hồ sơ đưa những người nghiện vào cơ sở cai nghiện là biện pháp hành chính; từ khi hồ sơ này đưa sang Tòa án, Tòa án ban hành quyết định đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là biện pháp tư pháp. Nên khi hành vi này bị cản trở được coi là hành vi vi phạm tố tụng.
Cán bộ cản trợ hoạt động tố tụng phải bị xử lý nặng hơn
Về ý kiến liên quan đến thẩm quyền của Công an, bà Thủy nhấn mạnh, pháp lệnh đang đi theo hướng rành mạch về thẩm quyền của các cơ quan tố tụng. Công an nhân dân có thẩm quyền xử phạt trong giai đoạn điều tra, truy tố; TAND có thẩm quyền này từ khi Tòa án thụ lý vụ án; từ khi hồ sơ chuyển từ VKS sang.
Với những vụ án đang trong giai đoạn xét xử nhưng vẫn có những hành vi cản trở hoạt động điều tra của Công an. UBTP cũng nhận thấy khi hồ sơ Tòa án đang thụ lý thì không còn hành vi này nữa. Nhưng có những trường hợp Tòa triệu tập Điều tra viên, Kiểm sát viên tham gia phiên tòa khi đó những người tham gia tố tụng nếu có hành vi xúc phạm Điều tra viên, KSV, khi đó Thẩm phán tại phiên tòa ra quyết định xử lý hành vi đó để đảm bảo nhanh chóng, kịp thời.
Tất cả các hành vi được quy định trong dự thảo Pháp lệnh (Điều 9-24) đều nằm trong các Luật về tố tụng, trên cơ sở kế thừa từ các bộ luật này. Pháp lệnh không quy định thêm các hành vi ngoài những hành vi mà các luật này quy định, bà Thủy nhấn mạnh.
Về ý kiến băn khoăn, tại sao hành vi cản trở trong lĩnh vực tư pháp lại xử phạt nặng hơn so với cùng một hành vi thông thường, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đưa ra ví dụ, nếu đánh người gây thương tích bên ngoài là xử phạt bình thường, còn cán bộ Công an, Kiểm sát mà đánh người là quá nặng nên buộc phải xử nặng. Hay làm sai lệch hồ sơ vụ án, giấy tờ giả bên ngoài xử phạt khác, cán bộ Công an, Kiểm sát làm sai thì xử nặng hơn nhiều.
Tương tự, hành vi làm hồ sơ giấy tờ giả, trong trường hợp bình thường thì xử lý nhẹ hơn. Nhưng nếu cơ quan tố tụng làm sai hồ sơ giấy tờ thì liên quan đến công quyền, đến sinh mạng công dân, cho nên các vi phạm phải xử nặng hơn nhiều so với thông thường, cả về hành chính.
Cũng theo Chánh án TANDTC, nếu đưa thông tin sai lệch trên báo làm ảnh hưởng đến bản chất vụ án thì phải xử lý nặng hơn.
Còn việc quy định như vậy có quá nặng hay không, thì đều theo quy định trong khung cả. Chế tài chia làm 3 khung, mức phạt là khung tối đa chứ không vượt quá thẩm quyền Luật đặt ra.
Phát biểu kết luận nội dung, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Cơ quan soạn thảo phối hợp Cơ quan thẩm tra hoàn chỉnh pháp lệnh, trình UBTVQH thông qua và ban hành vào ngày 18/8 sắp tới.