Cán bộ cấp chiến lược thắp lên và duy trì ngọn lửa về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí
PGS,TS. Nguyễn Minh Tuấn cho rằng, cán bộ cấp chiến lược chính là người trực tiếp thắp lên ngọn lửa, duy trì ngọn lửa về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Vì vậy, việc làm gương, nêu gương của đội ngũ này là rất quan trọng, có tính quyết định đến hiệu quả phòng, chống tham nhũng.
Phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, nói về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Trung ương thống nhất bổ sung thêm 2 nhóm nhiệm vụ, giải pháp là: Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm.
Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: Nhân Dân
Bài liên quan
Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Toàn văn phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 4 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì khai mạc Hội nghị Trung ương 4
Theo đó, chú trọng nêu gương những người tốt, việc tốt; ngăn ngừa, cảnh báo, phê phán những việc làm sai trái. Đấu tranh mạnh mẽ chống chủ nghĩa cá nhân, thói ích kỷ vụ lợi, "lợi ích nhóm". Rà soát, hoàn thiện, thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền. Xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Tổng Bí thư cũng lưu ý: "Sự gương mẫu của Trung ương là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Từng đồng chí Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, từng đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải tự giác, gương mẫu thực hiện nghị quyết, nói đi đôi với làm, chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm rất cao, sự nỗ lực rất lớn".
Trao đổi với Nhà báo và Công luận, PGS,TS. Nguyễn Minh Tuấn – Nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá, Hội nghị lần thứ tư đã quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục triển khai nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng với tinh thần kiên quyết, kiên trì và triển khai một cách cụ thể, bài bản.
Hội nghị đã thống nhất rất cao đánh giá những chuyển biến quan trọng và kết quả toàn diện của việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, được tổ chức đảng, đảng viên, nhân dân rất đồng tình, phấn khởi, tạo nên khí thế mới, sức mạnh mới cho việc tiếp tục đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực trong Đảng và kỳ vọng của nhân dân về nhiệm kỳ đại hội XIII của Đảng chắc chắn tốt hơn nhiệm kỳ Đại hội XII.
Nói về 2 nhóm nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong thời gian tới được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc đến, PGS,TS Nguyễn Minh Tuấn cho biết, nhiệm vụ chỉnh đốn Đảng còn nguyên những giá trị.
"Có thể nhận thấy, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII vẫn còn nguyên giá trị, đã và tiếp tục đi vào cuộc sống, được nhân dân đón nhận và nhân dân thừa nhận, cho nên phải tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp đó. Trong đó, chú trọng đến một số giải pháp mang tính chất đột phá cần tập trung giải quyết. Nói đến giải pháp đột phá tức là nói đến giải pháp mà khi giải quyết được những giải pháp này thì đó sẽ tạo tiền đề, điều kiện, thực hiện các giải pháp khác và tạo ra bước đột phá làm xoay chuyển tình hình", PGS,TS. Nguyễn Minh Tuấn nói.
PGS.TS. Nguyễn Minh Tuấn. Ảnh: Tuyên Giáo
Cũng theo PGS,TS. Nguyễn Minh Tuấn, trước đây có 4 nhóm giải pháp là: Một là, về công tác chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình. Hai là, về cơ chế, chính sách. Ba là, về kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Bốn là, về phát huy vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội. Hệ thống những giải pháp đó vẫn còn nguyên giá trị.
Trong đó, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII nhấn mạnh vào 2 nhóm nhiệm vụ, giải pháp:
Thứ nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Có thể thấy cán bộ cấp chiến lược chính là người trực tiếp thắp lên ngọn lửa, duy trì ngọn lửa về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và quan liêu.
"Họ là người trực tiếp triển khai thực hiện nên họ phải nêu gương, làm gương là rất quan trọng, cho nên giải quyết tốt từ cấp cao thì sẽ xoay chuyển cả cấp dưới và đây cũng là kinh nghiệm của nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XII", PGS,TS. Nguyễn Minh Tuấn cho hay.
PGS,TS. Nguyễn Minh Tuấn lấy dẫn chứng số liệu thống kê, trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, có 113 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật, thậm chí một số cán bộ bị xử lý hình sự. Điều này thể hiện một thông điệp rất mới là không còn vùng cấm, không có ngoại lệ và không còn trường hợp hạ cánh an toàn...
Thứ hai, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm. Bởi vì, nguy cơ của Đảng cầm quyền vẫn còn, khi mà một bộ phận cán bộ, đảng viên được bố trí lãnh đạo quản lý, có chức, có quyền dễ lợi dụng, lạm dụng chức vụ để tham nhũng nếu không giáo dục thường xuyên, nếu không kiểm tra, giám sát thường xuyên và nếu không xử lý một cách rốt ráo thì nguy cơ đó vẫn còn rình rập.
"Bản thân tham nhũng, tiêu cực, cán bộ sai phạm hiện nay mặc dù có sự trùng lắng, nhưng không có nghĩa là không còn tình trạng đó, mà thậm chí có tính chất tinh vi hơn và mức độ phức tạp hơn, nên phải tiếp tục kiên quyết, kiên trì thực hiện nghiêm, không ngừng, không nghỉ, không thể tự mãn, chủ quan, lơ là được." PGS,TS. Nguyễn Minh Tuấn nói.
Cũng theo PGS,TS. Nguyễn Minh Tuấn, cần phải quán triệt và thực hiện tốt phương châm như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về mối quan hệ giữa xây và chống: “xây” là chính, quan trọng, thường xuyên, cơ bản, lâu dài, còn “chống” là cần thiết, cấp bách, “xây” là giải quyết vấn đề từ gốc, ngăn chặn tiêu cực từ xa khi biểu hiện mới manh nha. Hơn nữa cần giáo dục, kiểm điểm kết hợp với xử lý kỷ luật nếu vi phạm; sử dụng đồng bộ các biện pháp để đủ sức răn đe.