Cán bộ chọn thà bị kỷ luật còn hơn đi tù là phổ biến hay cá biệt?
Chỉ có cán bộ thiếu bản lĩnh, sợ trách nhiệm mới có tư tưởng bất an, sợ sai, sợ trách nhiệm.
Ngày 27/10, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Trong phát biểu thảo luận, Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận) nêu ý kiến về việc kỷ luật, kỷ cương hành chính có nơi còn chưa nghiêm.
Có một bộ phận cán bộ công chức bị xử lý hành chính, thậm chí xử lý hình sự.
Ông cũng đề cập đến tình trạng bất an, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có cả cán bộ, lãnh đạo, quản lý.
“Có cán bộ tâm sự rằng, thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử”, ông Thông cho hay.
Nói về phát biểu của Đại biểu Nguyễn Hữu Thông, ông Ngô Văn Sửu – nguyên Vụ trưởng Vụ 1- Ủy ban kiểm tra Trung ương cho rằng đây là phát biểu đáng suy nghĩ.
“Chúng ta cần phải có những điều chỉnh để tránh tình trạng như vậy. Nếu tình trạng đó có thật thì thật đáng nghĩ ngợi.
Như tôi đã nhiều lần bày tỏ ý kiến, cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước đã và đang thu được nhiều thắng lợi, tạo niềm tin lớn đối với Đảng viên và Nhân dân.
Những sự việc vừa qua cho thấy: tham nhũng xảy ra ở nhiều cấp từ địa phương tới Trung ương.
Đồng thời, không phải chỉ tham nhũng ở cấp Trung ương mới để lại hậu quả nghiêm trọng mà tham nhũng ở các tỉnh, thành phố cũng gây thiệt hại vô cùng lớn, gây xói mòn lòng tin trong xã hội. Như một số vụ việc gần đây tại các địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Thuận…
Tuy vậy, nếu thấy nhiều cán bộ bị xử lý quá mà hoang mang, e ngại, không chịu làm bất cứ việc gì thì chứng tỏ các cán bộ đang sợ sai, sợ trách nhiệm đã thiếu bản lĩnh.
Ông Ngô Văn Sửu cho rằng: “Các cán bộ đảng viên là những người có trình độ, có bản lĩnh, được Đảng rèn luyện thông qua thực tiễn công việc.
Với động cơ trong sáng, trong quá trình làm việc, nếu thấy những vấn đề bất ổn của tổ chức, của công việc chung, cán bộ đảng viên cần có những phản biện, đóng góp và xây dựng.
Nếu đã nhìn ra điểm chưa hợp lý, thay vì đóng góp để sửa đổi, chọn giải pháp im lặng, không làm gì thì rõ ràng vừa thiếu bản lĩnh vừa thiếu trách nhiệm với công việc.
Chúng ta đã đẩy mạnh việc phát huy dân chủ từ cơ sở, người dân cũng có quyền đóng góp vào chính sách của nhà nước thì tại sao cán bộ có trình độ, có bản lĩnh lại không làm như vậy.
Chúng ta cũng có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá rồi. Nếu vẫn sợ sai, sợ trách nhiệm thì có phải cán bộ bản lĩnh kém hay không?”.
“Thực tế thời gian qua cũng cho thấy, đúng là chúng ta đang có những vấn đề chồng chéo về luật. Có một số vấn đề mà luật chưa theo kịp so với thực tế.
Đây là điều dễ hiểu vì thực tế luôn phát triển, luôn thay đổi, luôn phát sinh cái mới. Do vậy, trong khi xây dựng luật, cần có sự thống nhất, tránh chồng chéo, tránh hiểu thế nào cũng được, tạo kẽ hở, dẫn đến việc có cán bộ dựa vào những kẽ hở đó để thực hiện hành vi sai phạm.
Như từ sự việc của Việt Á, chúng ta thấy nhiều vấn đề về cách áp dụng các luật liên quan vào thực tiễn công việc, như Luật Đấu thầu chẳng hạn, còn cần điều chỉnh. Những sự việc như vậy là bài học thực tế để chúng ta xây dựng luật, tránh kẽ hở”, nguyên Vụ trưởng Vụ 1 - Ủy ban kiểm tra Trung ương cho biết.
Cũng trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử điện tử Giáo dục Việt Nam về phát biểu của Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận), bà Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội khóa 13 - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội cho rằng đây là phát biểu đáng suy ngẫm và cần có những biện pháp chấn chỉnh kịp thời về thực trạng mà Đại biểu nêu.
“Trước hết cần phải khẳng định rằng những cán bộ, đảng viên mà có tư tưởng “thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử” là những cán bộ thiếu bản lĩnh.
Vấn đề mấu chốt vẫn là câu chuyện bản lĩnh của cán bộ - có dám đứng lên đấu tranh với những bất cập hay không”, bà Bùi Thị An nói.
“Cán bộ có bản lĩnh, có trí tuệ hoàn toàn có thể đưa ra các phản biện của mình cho lãnh đạo cấp trên.
Trước ý kiến phản biện, những người lãnh đạo có tâm, có tầm nghiêm túc đưa ra thảo luận tập thể, nhận ý kiến đóng góp để có điều chỉnh, đưa ra quyết định đúng luật, phù hợp vì sự phát triển của cơ quan, tổ chức.
Trừ khi cán bộ có những ý nghĩ khác thì mới tư duy kiểu "không làm để hưởng an thân" như vậy.
Chúng ta đã có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, được ban hành trong Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị.
Việc sắp tới là làm sao nhanh chóng cụ thể hóa việc này. Có như vậy, tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám phản biện sẽ được khắc phục”, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội phát biểu.
“Bên cạnh vấn đề bản lĩnh của cán bộ, chúng ta cũng cần nhìn nhận về việc xây dựng pháp luật sao cho hợp lý, phù hợp với tình hình thực tiễn.
Thực tế cho thấy, có nhiều luật chồng chéo nhau dẫn đến việc lúng túng cho cán bộ khi áp dụng. Ví dụ triển khai một vấn đề nhưng có quá nhiều luật liên quan, mà có khi các luật, văn bản dưới luật liên quan không thống nhất. Nên mới dẫn đến tâm lý sợ sai. Điều chỉnh về hệ thống luật không thể xong trong ngày một, ngày hai, nhưng cần thiết phải thực hiện, cần có tầm nhìn sâu và rộng. Trong khi xây dựng luật, chúng ta cần chú ý điều này”, bà Bùi Thị An cho biết.