Cán bộ công đoàn cần nắm vững quy định Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024
Việc nắm vững những quy định của Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội và sớm có hành động thiết thực, cụ thể để đưa quy định của pháp luật vào cuộc sống là nhiệm vụ của mỗi cán bộ Công đoàn và tổ chức Công đoàn các cấp.
Sáng 5/2, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tới gần 100 điểm cầu trên toàn quốc.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết: Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII đã xác định công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong thực hiện chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi đoàn viên, người lao động; là trách nhiệm của toàn hệ thống, là nhiệm vụ thường xuyên để chăm lo, bảo vệ tốt nhất quyền lợi người lao động.
Năm 2024 là thời điểm đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng của Công đoàn Việt Nam trong tham gia xây dựng, hoàn thiện pháp luật. Đó là tập trung xây dựng và tham gia xây dựng các dự án Luật quan trọng trong lĩnh vực lao động, an sinh xã hội như: Luật Bảo hiểm xã hội, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Luật Việc làm, đặc biệt là Luật Công đoàn (sửa đổi) - đạo luật mang tính chính trị, pháp lý cao - do Tổng Liên đoàn là cơ quan đề nghị và chủ trì soạn thảo.
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV vào tháng 11/2024 đã thông qua Luật Công đoàn (sửa đổi) với tỷ lệ tán thành cao, tạo cơ sở pháp lý mới cho tổ chức Công đoàn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, nâng cao vị thế, khẳng định vai trò, hiệu quả hoạt động trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đạo luật quan trọng có tác động sâu sắc, trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của hàng chục triệu người lao động. Trong quá trình xây dựng và tham gia xây dựng các đạo luật nêu trên, Tổng Liên đoàn luôn nhận được sự quan tâm, phối hợp của các cơ quan có thẩm quyền trong việc lắng nghe, ghi nhận những nguyện vọng, kiến nghị của người lao động; phản ảnh kịp thời thực tiễn đời sống công nhân lao động và hoạt động công đoàn vào trong quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật. Nhiều kiến nghị, đề xuất của người lao động, tổ chức Công đoàn đã được tiếp thu, ghi nhận và thể hiện trong các dự án Luật.
Theo ông Nguyễn Đình Khang, việc Quốc hội thông qua 2 đạo luật quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của đoàn viên, người lao động và tổ chức Công đoàn đã tạo hành trang pháp lý quan trọng để cán bộ Công đoàn, tổ chức Công đoàn các cấp thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Trong đó, việc nắm vững những quy định của Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội và sớm có hành động thiết thực, cụ thể để đưa quy định của pháp luật vào cuộc sống là nhiệm vụ của mỗi cán bộ Công đoàn và tổ chức Công đoàn các cấp.
Trên cơ sở đó, Hội nghị do Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ Công đoàn về nội dung Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024; thể hiện vai trò, trách nhiệm của Tổng LĐLĐ Việt Nam trong việc triển khai thi hành Luật, bảo đảm các quy định của Luật được triển khai kịp thời, hiệu quả trên thực tế.
Tại Hội nghị, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tặng Bằng khen cho 5 tập thể và 38 cá nhân có nhiều đóng góp trong hoạt động tham gia xây dựng Luật Công đoàn 2024.