Cán bộ, đảng viên nêu gương sáng, xây dựng nếp sống văn minh
BHG - Chỉ thị 09 và Nghị quyết 27 của cấp ủy tỉnh về xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang chỉ rõ: “Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu trong việc xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh để nêu gương cho quần chúng làm theo”. Thấm nhuần quan điểm này, cán bộ, đảng viên trên địa bàn huyện Bắc Quang đã tiên phong, nêu gương sáng để đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
Đưa ý Đảng đến với nhân dân
Huyện Bắc Quang có 23 xã, thị trấn với 236 thôn, tổ dân phố; dân số trên 124 nghìn người. Đảng bộ huyện có 78 tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc với 11.303 đảng viên sinh hoạt ở 389 chi bộ. Toàn huyện có 19 dân tộc cùng sinh sống; trong đó, dân tộc Tày có tỷ lệ đông nhất, chiếm 45% dân số toàn huyện, tiếp đến là dân tộc Kinh (27,4%), Dao (15%), Nùng (5%), còn lại là các dân tộc khác.
Chị Nguyễn Thị Linh, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Bắc Quang chia sẻ: Để đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở đã vào cuộc, triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp như: Xây dựng các mô hình hiệu quả để tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân theo phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”. 100% cán bộ, đảng viên và 98% số hộ dân tại 23 xã, thị trấn ký cam kết xây dựng nếp sống văn minh (số hộ dân còn lại chưa ký cam kết do đi làm ăn xa). Đặc biệt, huyện đã đưa Chỉ thị 09 và Nghị quyết 27 vào nội dung sinh hoạt thường kỳ của các chi bộ, cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể ở các cấp; coi đây là một trong những tiêu chí đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên hằng năm, xếp loại thi đua của tổ chức cơ sở Đảng, cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện.
Hiện nay, huyện Bắc Quang có 46 mô hình điểm xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh; trong đó, 23 xã, thị trấn đăng ký 37 mô hình, 7 cơ quan cấp huyện đăng ký 9 mô hình. Đi vào hoạt động, nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả, chứng minh vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, tạo sức lan tỏa trong xây dựng con người mới, nếp sống mới văn minh. Điển hình như: Câu lạc bộ Thanh niên nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tại xã Tân Lập, Đông Thành do Huyện đoàn thực hiện; mô hình 100% đoàn viên Công đoàn gương mẫu chấp hành các quy định của Đảng, Nhà nước và địa phương nơi cư trú trong việc cưới, việc tang, lễ hội, do Liên đoàn Lao động huyện triển khai thực hiện tại xã Liên Hiệp...
Nói đi đôi với làm
Trước đây, trong việc cưới, việc tang, nghi lễ của đồng bào Dao thôn Vật Lậu (xã Vĩnh Hảo) còn tồn tại không ít hủ tục gây lãng phí, cản trở việc xây dựng nếp sống văn minh. Nhưng khi Chỉ thị 09 và Nghị quyết 27 của cấp ủy tỉnh ra đời, Trưởng thôn Vật Lậu, Lê Văn Siểu đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để tuyên truyền, vận động, đưa ý Đảng đến với nhân dân. Nhờ những năm tháng cần mẫn “vác tù và hàng tổng” của Trưởng thôn Siểu, ánh sáng văn minh đã soi rọi cuộc sống đồng bào Dao.
Minh chứng cho thấy, từ năm 2021 đến nay, trong thôn không còn trường hợp tảo hôn, thách cưới cao, tổ chức cưới nhiều ngày. Riêng với đám tang đã rút ngắn thời gian tổ chức từ 48 giờ xuống còn 24 – 30 giờ và không giết mổ nhiều gia súc, gia cầm gây lãng phí, tổn thất về kinh tế. Đặc biệt, thay vì tổ chức lễ cấp Sắc 1 lần cho 1 người thì nay, lễ cấp Sắc được ghép từ 2 – 6 người/1 lần làm lễ mà vẫn giữ nguyên giá trị nhân văn, sự trang trọng của lễ cấp Sắc. Nếu như trước đây, 1 gia đình phải chi 8 triệu đồng để tổ chức lễ cấp Sắc cho con trai thì nay, qua công tác dân vận khéo của Trưởng thôn Siểu, các thầy cúng đều đồng ý giảm tiền lễ từ 8 triệu đồng xuống còn 5 triệu đồng. Như vậy, cùng với việc giảm số tiền lễ và tổ chức cấp Sắc ghép, các gia đình chỉ phải bỏ chi phí nhiều nhất 2,5 triệu đồng và thấp nhất là hơn 800 nghìn đồng thay vì 8 triệu đồng như trước kia. Thêm một ấn tượng khác, trước nguy cơ mai một nghề thêu thổ cẩm, Trưởng thôn Siệu đã vận động đồng bào Dao gìn giữ nghề truyền thống. Đến nay, trên 50% phụ nữ trong thôn tham gia học nghề và biết cách thêu thổ cẩm, tiêu biểu như bà Đặng Thị Tâm, Bàn Thị Miệt; chị Lý Thị Thu, Triệu Thị Bình...
Chia sẻ về những kết quả trên, anh Siểu bộc bạch: “Bác Hồ kính yêu từng dạy: “Một trăm bài diễn thuyết hay không bằng một tấm gương sống”. Muốn khuyên người khác làm việc tốt thì trước hết mình phải nêu gương sáng, nói đi đôi với làm. Điều đó có nghĩa là bản thân, gia đình và dòng họ mình phải là những người đầu tiên thực hiện nếp sống văn minh, sau đó mới tuyên truyền, vận động người khác làm theo”. Chung quan điểm với anh Siểu, anh Chúng Hạnh Vĩ, Bí thư Chi bộ thôn Mục Lạn (xã Tân Quang) đã linh hoạt, khéo léo đưa Nghị quyết 27 vào cuộc sống để xóa bỏ hủ tục trong việc tang của đồng bào La Chí.
Anh Vĩ chia sẻ: Trước đây, người La Chí thường mở nắp áo quan, ngồi quạt cho người đã khuất. Hành động này diễn ra liên tục cho đến khi an táng để thể hiện sự hiếu nghĩa với người thân sau khi rời nhân thế. Tuy nhiên, khi mạn đàm nhận diện hủ tục, cấp ủy, chính quyền địa phương xác định đây không chỉ là hủ tục rườm rà trong đám hiếu mà còn gây mất vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe của những người xung quanh. Song, làm thế nào để xóa bỏ hủ tục khi nó vốn ăn sâu vào tiềm thức đồng bào? Nhiều đêm trăn trở với câu hỏi khó, anh Vĩ đã tìm được lời giải. Đó là phát huy vai trò của nghệ nhân dân gian trong lĩnh vực tín ngưỡng. Từ đây, thầy cúng là người trực tiếp xóa bỏ hủ tục này, yêu cầu chủ tang bỏ nghi thức không cần thiết. Đặc biệt, qua công tác tuyên truyền, vận động của anh Vĩ, 22/22 hộ La Chí cam kết với chính quyền địa phương xóa bỏ hủ tục trong việc tang để xây dựng nếp sống văn minh...
Ngoài anh Siểu, anh Vĩ, trên địa bàn huyện Bắc Quang còn rất nhiều cán bộ, đảng viên nêu gương sáng trong thực hiện Chỉ thị 09 và Nghị quyết 27. Việc làm của họ được ví như ánh rạng Đông, làm bừng sáng những góc khuất trong đời sống nhân dân. Từ đó, đưa ý Đảng đến với nhân dân, cùng dệt xây cuộc sống văn minh, tiến bộ, không hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu.