Cán bộ, đảng viên phải có dũng khí bảo vệ lẽ phải
Đức tính thanh liêm, chính trực và danh dự của người đảng viên là nền tảng để họ có dũng khí đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực, tham ô, lãng phí…
Trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực (TC), không ít người phải chịu cảnh bất công khi bị cô lập, trù dập, thậm chí bị cấp trên kỷ luật vì lý do “không biết điều”, “không biết mình là ai”... Nhưng nhiều người đã dũng cảm đứng lên đấu tranh chống tiêu cực, bảo vệ lẽ phải với tinh thần “chỉ biết còn Đảng là còn mình”. Trường hợp của cựu chiến binh Đàm Tiến Chiêm (Phó Ban liên lạc Cựu chiến binh Đặc công tỉnh Ninh Bình) là một ví dụ.
Năm 1999, khi giữ cương vị làm Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp xã Ninh Tiến (TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình), ông Chiêm phát hiện nhiều cán bộ lạm dụng chức quyền chiếm đoạt 5% đất của xã làm của riêng. Khi ông và các xã viên đấu tranh chống tiêu cực, có nhiều đối tượng đã đến gặp ông dụ dỗ, không được thì đe dọa. Nhưng với “tinh thần thép” của người chiến sĩ, ông không cho phép mình chùn bước. Vì việc làm này, ông Chiêm trở thành “vật cản” trong mắt một số cán bộ thoái hóa, biến chất ở địa phương.
Năm 2015, chi ủy đặt vấn đề với ông không tham gia ứng cử vào vị trí Phó Giám đốc Hợp tác xã với lý do ông đã cao tuổi. Tuy nhiên, khi ra Đại hội, ông vẫn được các xã viên tín nhiệm và được bầu vào vị trí này. Lấy lý do ông không chấp hành nghị quyết của chi bộ, chi ủy đã ra quyết định kỷ luật ông. Sau đó, cấp ủy lại đề xuất khai trừ ông ra khỏi Đảng. Điều đáng buồn là tổ chức đảng các cấp cũng thống nhất theo đề xuất này, dẫn đến việc Ban Thường vụ Thành ủy Ninh Bình ra quyết định xóa tên đảng viên Đàm Tiến Chiêm.
Với danh dự của người lính Cụ Hồ, ông Chiêm luôn vững lòng tin với Đảng và quyết tâm tranh đấu với tiêu cực đến cùng. Và niềm tin của ông đã được đền đáp khi Thường vụ Thành ủy Ninh Bình sau đó ban hành các quyết định khôi phục quyền đảng viên đối với ông. Năm 2018, trong lễ khôi phục quyền đảng viên, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình lúc đó là bà Nguyễn Thị Thanh (nay là Trưởng Ban công tác đại biểu - Ủy ban Thường vụ Quốc hội) đã bày tỏ sự nể trọng đối với ông, bởi vì lòng tự trọng và danh dự của đảng viên, ông đã đấu tranh tìm lại sự trong sạch cho chính mình và cũng là góp phần củng cố niềm tin trong Đảng.
Trường hợp của ông Chiêm là một trong những điển hình của hàng triệu đảng viên “không bị cám dỗ bởi bất cứ lợi ích nào và cũng không ngại bất cứ lực cản không trong sáng nào, dám nói, dám làm, kiên quyết làm vì lợi ích chung” như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thực tế cho thấy, trong đấu tranh PCTN,TC, hầu hết đối tượng bị tố cáo đều là những người có chức vụ, quyền hạn, còn người tố cáo thường là cấp dưới hoặc yếu thế hơn. Điều này dẫn đến việc có rất nhiều cá nhân biết về hành vi tham nhũng, tiêu cực nhưng lại e ngại và không dám tố cáo do sợ bị “sứt đầu, mẻ trán”. Không ít cán bộ, đảng viên thực sự chính trực đã phải ngậm ngùi rời khỏi cơ quan, tổ chức, vì họ không thể chấp nhận sống chung với tiêu cực. Một số người khác thì chấp nhận sống trong im lặng, an phận thủ thường bởi suy nghĩ “đấu tranh thì tránh đâu”. Tuy nhiên, nhiều người đã vượt qua được nỗi sợ hãi này. Họ đã đấu tranh với chính mình, với cái lợi bất chính, cái tâm vô cảm.
Rất nhiều cán bộ, đảng viên đã được khen thưởng vì dũng cảm tố cáo hành vi tham nhũng, tiêu cực. Đây chính là niềm động viên, khích lệ, lan tỏa tinh thần đấu tranh PCTN,TC mà Đảng, Nhà nước ta đang đẩy mạnh. Minh chứng là ngày 16/9/2022, Thanh tra Chính phủ đã có Quyết định 331/QĐ-TTCP khen thưởng cho 4 cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng tại tỉnh Hà Giang. Đó là ông Phạm Ngọc Chuyển và ông Phạm Văn Phú - công chức thuộc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Giang, mỗi người 20 tháng lương cơ sở, tương đương 29,8 triệu đồng; khen thưởng ông Khuất Duy Mỹ và ông Nguyễn Ngọc Đức, hai cán bộ thuộc Công ty TNHH Một thành viên Xổ số kiến thiết Hà Giang mỗi người 30 tháng lương cơ sở, tương đương 44,7 triệu đồng.
Có thể khẳng định, những người dám đứng ra tố cáo hành vi tham nhũng, tiêu cực hoàn toàn không phải vì mục đích để được khen thưởng, được vinh danh, mà đó là bổn phận, trách nhiệm và danh dự của người đảng viên buộc họ phải lên tiếng để bảo vệ niềm tin yêu của nhân dân với Đảng và chế độ.
Trong cuộc họp báo sau khi kết thúc Đại hội XIII của Đảng (ngày 01/02/2021), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chia sẻ: “Có người hối lộ, xách vali tiền đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương định biếu xén, lấp liếm. Cán bộ kiểm tra bảo mở ra xem nó là gì, mở vali ra thấy toàn là tiền đô-la. Cán bộ liền bảo khóa lại, lập biên bản, ký vào đây rồi xách va li đó về”. Kể lại câu chuyện này, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ: đấu tranh chống tham nhũng là phức tạp, khó khăn, nếu không có bản lĩnh, dũng khí, tình cảm chân chính thì không làm được.