Cán bộ, Đảng viên tỉnh Lào Cai đặt nhiều kỳ vọng vào Nghị quyết 11 - NQ/TW của Bộ Chính trị

Nghiêm túc tiếp thu nội dung cốt lõi, vui mừng trước sự quan tâm của Đảng đối với vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ, trong đó có tỉnh Lào Cai là tâm thế chung của hàng nghìn cán bộ, đảng viên, nhân dân Lào Cai khi tham dự Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 11 - NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phóng viên và cộng tác viên Báo Lào Cai đã ghi nhận không khí tại các điểm cầu và những chia sẻ, kỳ vọng của cán bộ, đảng viên, người dân khi Nghị quyết 11 mở đường cho những cơ chế chính sách mới, tạo đà cho các địa phương phát triển.

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu thành phố Lào Cai.

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu thành phố Lào Cai.

* Thành phố Lào Cai: Nghị quyết là tiền đề quan trọng để xây dựng đô thị loại I

Sáng 15/4, tại điểm cầu Trung tâm hội nghị thành phố Lào Cai, các cán bộ, đảng viên đã có mặt từ rất sớm. Trước giờ hội nghị diễn ra, nhiều đại biểu đã thảo luận về sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với thành phố Lào Cai nói riêng, tỉnh Lào Cai nói chung. Nghị quyết 11 được đại biểu đón nhận với tâm thế hồ hởi, mừng vui khi thành phố đang trong tiến trình xây dựng đô thị loại I.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu thành phố Lào Cai.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu thành phố Lào Cai.

Đồng chí Hoàng Đăng Khoa, Chủ tịch UBND TP Lào Cai.

Đồng chí Hoàng Đăng Khoa, Chủ tịch UBND TP Lào Cai.

Ngày 1/10/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 16 về phát triển thành phố Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, thành phố Lào Cai là đô thị loại I, giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là trung tâm khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc về dịch vụ, thương mại, xuất - nhập khẩu, logistics, du lịch, công nghiệp phụ trợ…

Theo đồng chí Hoàng Đăng Khoa, Chủ tịch UBND thành phố Lào Cai: Nghị quyết 11 là tiền đề quan trọng để địa phương hiện thực hóa mục tiêu trở thành đô thị loại I. Trên cơ sở này, thành phố Lào Cai tiếp tục chủ động xác định và triển khai các định hướng phát triển trong thời gian tới, lựa chọn các mục tiêu đầu tư trước mắt và lâu dài.

Đảng viên Nguyễn Thị Thu Phương, Đảng bộ Cơ quan Đảng – Đoàn thể thành phố Lào Caitheo dõi hội nghị tại điểm cầu trung tâm thành phố bày tỏ mong muốn trên cơ sở nội dung nghị quyết, các cấp, các ngành sẽ sớm tham mưu, triển khai đồng bộ các giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu đã đề ra.

* Thị xã Sa Pa: Khai thác tối đa lợi thế về du lịch

Đồng chí Vương Trinh Quốc, Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa.

Đồng chí Vương Trinh Quốc, Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa.

Tại thị xã Sa Pa, các đại biểu đều nghiêm túc, chú ý tiếp thu những nội dung quan trọng của Nghị quyết số 11, bởi những định hướng từ nghị quyết sẽ mở đường cho địa phương khai thác các tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là về du lịch của “thành phố trong sương”.

Được biết đến là khu du lịch nổi tiếng ở cả trong và ngoài nước, Sa Pa hấp dẫn du khách bởi khí hậu mát mẻ, cảnh quan tươi đẹp cùng bản sắc văn hóa độc đáo. Việc đẩy mạnh liên kết vùng theo định hướng của Nghị quyết số 11 được chính quyền và người dân kỳ vọng sẽ tiếp thêm đà phát triển cho địa phương, hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, Sa Pa trở thành đô thị loại 3 và là trung tâm nghỉ dưỡng quốc gia tầm cỡ quốc tế; tổng lượng khách du lịch đạt 9 triệu người/năm.

Đồng chí Vương Trinh Quốc, Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa cho biết: Để khai thác tối đa các lợi thế về du lịch thông qua liên kết vùng, thị xã Sa Pa tiếp tục quan tâm đến việc mở rộng kết nối với các địa phương, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc, trong đó ưu tiên du lịch xanh, gắn phát triển du lịch với bảo tồn bản sắc văn hóa.

Theo dõi và lắng nghe nội dung triển khai tại hội nghị, ông Trần Chí Thành, Chủ nhiệm Hợp tác xã Du lịch Tả Phìn Xanh vui mừng và bày tỏ mong muốn nghị quyết sớm đi vào cuộc sống. “Trên cơ sở các nội dung nghị quyết có liên quan đến du lịch, tôi mong trong thời gian tới sẽ hình thành những tour, tuyến du lịch đặc sắc giữa các địa phương. Du lịch phát triển bền vững cũng đồng nghĩa với việc chất lượng cuộc sống, hoạt động du lịch, dịch vụ được nâng lên”.

* Mường Khương: Xây dựng nền nông nghiệp xanh bền vững

Các đại biểu tham dự hội nghị ở các điểm cầu của huyện Mường Khương tập trung, nghiêm túc tiếp thu các nội dung của Nghị quyết và đặc biệt là bài phát biểu của đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại hội nghị.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu huyện Mường Khương

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu huyện Mường Khương

Hiện nay, huyện Mường Khương đã hình thành một số vùng chuyên canh như vùng lúa séng cù đặc sản trên 400 ha, hơn 3.000 ha chè. Về cây ăn quả, hiện địa phương có trên 2.300 ha dứa, chuối, quýt. Đây đều là những sản phẩm nông nghiệp thế mạnh, có thương hiệu, mang lại giá trị kinh tế cao. Nhiều sản phẩm đã được tiêu thụ rộng rãi, được thị trường ưa chuộng và tin dùng.

Cán bộ đảng viên chi bộ thôn Cốc Ngù, xã Nậm Chảy theo dõi hội nghị.

Cán bộ đảng viên chi bộ thôn Cốc Ngù, xã Nậm Chảy theo dõi hội nghị.

Với việc quan tâm đẩy mạnh liên kết vùng, nông sản Mường Khương sẽ có thêm nhiều cơ hội để chiếm lĩnh và khẳng định thương hiệu trên thị trường, đảm bảo đầu ra hiệu quả cho các vùng nông sản hàng hóa. Hoạt động kết nối, liên kết giữa các địa phương, giữa doanh nghiệp với địa phương, giữa doanh nghiệp với người dân được tăng cường, tạo nên các sản phẩm có chất lượng, giá trị cao để cung cấp cho thị trường trong nước, thay thế sản phẩm nhập khẩu và hướng tới xuất khẩu.

Theo Bí thư Huyện ủy Mường Khương Giàng Quốc Hưng, Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị và những định hướng cụ thể của tỉnh Lào Cai trong bài phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong là “kim chỉ nam” để địa phương bám sát, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh. Mường Khương tiếp tục quan tâm đến xây dựng nền nông nghiệp xanh, mục tiêu phấn đấu trở thành vùng trọng điểm nông nghiệp của tỉnh.

*Si Ma Cai: Nghị quyết tạo cơ hội để rút ngắn khoảng cách phát triển

Quang cảnh một điểm cầu của huyện Si Ma Cai.

Quang cảnh một điểm cầu của huyện Si Ma Cai.

Sáng nay, hơn 3.000 cán bộ, đảng viên của huyện Si Ma Cai tham dự Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến kết nối từ Trung ương đến điểm cầu cấp huyện và 10 xã, thị trấn.

Tiếp thu những thông tin về Nghị quyết 11 tại hội nghị, đồng chí Lý Seo Vảng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Si Ma Cai khẳng định, việc đưa nghị quyết đi vào cuộc sống là nhiệm vụ quan trọng của toàn hệ thống chính trị trong thời gian tới. Bởi đây là nghị quyết quan trọng, sát thực và đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của người dân vùng cao Si Ma Cai.

Si Ma Cai khai thác tiềm năng từ cây ăn quả ôn đới.

Si Ma Cai khai thác tiềm năng từ cây ăn quả ôn đới.

Là huyện nghèo biên giới, khoảng cách phát triển giữa Si Ma Cai với các địa phương tương đối lớn. Việc đổi mới tư duy liên kết giữa các vùng theo Nghị quyết 11 sẽ giúp địa phương thu hẹp khoảng cách, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân. Từ những ưu thế đặc biệt của địa phương với các sản phẩm đặc hữu như cây ăn quả, dược liệu, Si Ma Cai hướng đến mục tiêu xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa, tạo ra những sản phẩm đặc sản có thương hiệu. Nghị quyết 11 đi vào cuộc sống không chỉ mở lối tư duy liên kết vùng, mà còn góp phần làm thay đổi tư duy của người dân trong sản xuất, phát triển kinh tế, có trách nhiệm hơn với việc bảo vệ môi trường.

* Bảo Thắng: Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gắn với liên kết vùng nguyên liệu

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu huyện Bảo Thắng.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu huyện Bảo Thắng.

Bí thư Huyện ủy Bảo Thắng Trần Minh Sáng.

Bí thư Huyện ủy Bảo Thắng Trần Minh Sáng.

Với lợi thế hệ thống hạ tầng giao thông thuận lợi, nguồn nhân lực dồi dào, Bảo Thắng đã hình thành vùng nguyên liệu nông – lâm sản rộng lớn, các khu, cụm công nghiệp trọng điểm của tỉnh. Trong sản xuất nông nghiệp, giá trị sản xuất đạt mức trung bình 100 triệu đồng/ha. Huyện duy trì, mở rộng các vùng sản xuất hàng hóa quy mô hàng nghìn ha, như vùng rau, cây ăn quả, chè hoặc các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện tiếp tục dẫn đầu toàn tỉnh với giá trị đạt gần 23.330 tỷ đồng.

Đồng chí Trần Minh Sáng, Bí thư Huyện ủy Bảo Thắng cho biết: Nghị quyết 11 có ý nghĩa rất quan trọng, là đòn bẩy đối với phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong tương lai, đặc biệt là chủ trương, quan điểm về phát triển và liên kết vùng. Trên cơ sở nội dung nghị quyết, Bảo Thắng sẽ xác định nhiệm vụ đột phá, trọng tâm trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Đồng chí Lê Chí Dũng, Chủ tịch UBND thị trấn Tằng Loỏng cho biết: Cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn thị trấn rất phấn khởi khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 11. Nghị quyết được triển khai sẽ tác động tích cực, toàn diện trong định hướng xây dựng, phát triển công nghiệp theo hướng chuyên sâu, liên kết với các doanh nghiệp, khu, cụm công nghiệp trong cả nước để cung cấp sản phẩm chất lượng cho thị trường, nâng cao giá trị kinh tế và tạo thêm việc làm, thu nhập cho người lao động.

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu thị trấn Tằng Loỏng.

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu thị trấn Tằng Loỏng.

Bát Xát: Quyết tâm sớm đưa Nghị quyết 11 vào cuộc sống

Đồng chí Trần Văn Tuấn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bát Xát.

Đồng chí Trần Văn Tuấn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bát Xát.

Đối với huyện Bát Xát, Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị có ý nghĩa vô cùng quan trọng khi địa phương là 1 trong 4 huyện nghèo của tỉnh Lào Cai đang được Trung ương, tỉnh quan tâm và dành nhiều nguồn lực để phát triển.

Với những mục tiêu, phương hướng được đề cập trong Nghị quyết, đặc biệt là trong đẩy mạnh liên kết vùng; coi du lịch là “chìa khóa” cho sự phát triển, cán bộ, đảng viên và nhân dân Bát Xát kỳ vọng khi Nghị quyết đi vào cuộc sống sẽ làm thay đổi đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, đặc biệt là người dân vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đồng chí Trần Văn Tuấn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bát Xát cho biết: Để Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, thời gian tới, địa phương tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành tuyên truyền, lan tỏa tinh thần và nội dung Nghị quyết đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Sau khi có hướng dẫn của Tỉnh ủy, căn cứ vào tình hình thực tiễn ở địa phương, Bát Xát sẽ xây dựng chương trình hành động, tranh thủ các nguồn lực và sự đồng tình của Nhân dân để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết.

Kỳ vọng vào Nghị quyết mới, bà Tạ Thị Ca, tổ 7, thị trấn Bát Xát bày tỏ tin tưởng khi Nghị quyết đi vào cuộc sống, đời sống của bà con sẽ ngày càng nâng cao, diện mạo quê hương ngày càng tươi đẹp.

* Bắc Hà: Quan tâm thu hút các nguồn lực đầu tư

Thời gian qua, với đặc thù là huyện vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Bắc Hà nhận được nhiều sự quan tâm đầu tư nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ địa phương phát triển. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố, hiện Bắc Hà vẫn là một trong những huyện nghèo của cả nước.

Bắc Hà kỳ vọng Nghị quyết sẽ tạo động lực để phát triển các lợi thế của địa phương trong sản xuất nông nghiệp.

Bắc Hà kỳ vọng Nghị quyết sẽ tạo động lực để phát triển các lợi thế của địa phương trong sản xuất nông nghiệp.

Qua nắm thông tin của Nghị quyết với nhiều nội dung quan trọng, đổi mới, đồng chí Nguyễn Duy Hòa, Bí thư Huyện ủy Bắc Hà cho rằng: Nghị quyết đã chỉ ra những phương hướng, mục tiêu cụ thể, là tiền đề để Bắc Hà khai thác tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế, vì một nền nông nghiệp xanh và phát triển du lịch bền vững. Điều này cũng mở ra cơ hội để Bắc Hà thu hút các nguồn lực đầu tư thông qua các hoạt động kết nối, hợp tác giữa các địa phương.

Đồng chí Lý Seo Sùng, Bí thư Đảng ủy xã Bản Phố bày tỏ mong muốn, Nghị quyết sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho nông sản địa phương thông qua việc mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

* Văn Bàn: Phát huy lợi thế về kết cấu hạ tầng

Đảng viên Ngô Quang Hải, Chi bộ thôn Yên Thành, xã Khánh Yên Thượng.

Đảng viên Ngô Quang Hải, Chi bộ thôn Yên Thành, xã Khánh Yên Thượng.

Hết năm 2021, huyện Văn Bàn đã chỉ đạo hoàn thành công tác quy hoạch, quản lý sử dụng, đầu tư nâng cấp mở rộng, cứng hóa hơn 1.100 km đường giao thông cơ bản; phối hợp với đơn vị liên quan triển khai dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc, gói thầu số 1 dự kiến khởi công tháng 6/2022, các gói còn lại khởi công trong năm 2022; 5 tuyến đường Tỉnh lộ cũng đã được UBND tỉnh giao danh mục đầu tư. Cùng với đó, huyện tập trung xây dựng thị trấn Khánh Yên là đô thị loại V; đẩy mạnh đô thị hóa tại trung tâm các xã.

Đồng chí Phí Công Hoan, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Văn Bàn là “cửa ngõ” của tỉnh Lào Cai, kết nối với các tỉnh Yên Bái, Lai Châu. Bởi vậy, thời gian qua, tỉnh và huyện luôn đặc biệt quan tâm phát triển mạng lưới giao thông. Đây là lợi thế của địa phương trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị trong thời gian tới.

Theo dõi nội dung hội nghị, đảng viên Ngô Quang Hải, Chi bộ thôn Yên Thành, xã Khánh Yên Thượng cho rằng: Nghị quyết thể hiện sự quan tâm của Đảng dối với các địa phương vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, giúp kéo gần khoảng cách và chênh lệch giữa các địa phương. Tôi tin tưởng vào các chủ trương được triển khai và kỳ vọng những nội dung này sẽ sớm được thực hiện hiệu quả.

* Bảo Yên: “Cú huých” để địa phương khai thác các tiềm năng, thế mạnh

Bảo Yên có nhiều lợi thế trong kết nối vùng khi là “cửa ngõ” của tỉnh Lào Cai, có tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi qua và Cảng hàng không Sa Pa đang được triển khai xây dựng.

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu huyện Bảo Yên.

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu huyện Bảo Yên.

Đồng chí Nguyễn Anh Chuyên, Bí thư Huyện ủy Bảo Yên.

Đồng chí Nguyễn Anh Chuyên, Bí thư Huyện ủy Bảo Yên.

Trong phát triển kinh tế, Bảo Yên có tiềm năng về du lịch, đặc biệt là du lịch xanh, du lịch cộng đồng. Sản xuất nông nghiệp với nhiều cây trồng, vật nuôi chủ lực đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, dần hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp quy mô và vùng sản xuất đặc trưng của huyện.

Theo Bí thư Huyện ủy Nguyễn Anh Chuyên, Bảo Yên là “cửa ngõ” của tỉnh Lào Cai với nhiều lợi thế, hệ thống giao thông thuận lợi, tuyến đường bộ kết nối ngang - dọc với các tỉnh, thành phố trong vùng và Cảng hàng không Sa Pa đang được đầu tư xây dựng. Cùng với việc đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng, Nghị quyết số 11 sẽ mở ra nhiều cơ hội, tạo “sức bật” cho huyện Bảo Yên nói riêng, tỉnh Lào Cai nói chung.

Ông Đặng Văn Mùi, bản 2 Vành, xã Xuân Thượng tin tưởng nghị quyết sẽ giúp người dân các địa phương có cơ hội vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/355305-can-bo-dang-vien-tinh-lao-cai-dat-nhieu-ky-vong-vao-nghi-quyet-11--nqtw-cua-bo-chinh-tri