Cán bộ không lo 'tu thân' không thể thành cán bộ tốt
Cán bộ, đảng viên dù ở cương vị nào, trọng trách nào, không bao giờ được quên bài học về sự tự ý thức, rèn luyện của bản thân.
Dư luận những ngày qua chứng kiến tòa tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng 13 năm tù giam về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh bị tuyên phạt 14 năm tù giam về tội Cố ý làm trái, chung thân về tội Tham ô tài sản. Tổng hình phạt là Chung thân.
Nhiều ý kiến cho rằng việc xét xử nghiêm minh đã lấy lại được niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong đấu tranh chống suy thoái, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Qua đây, Đảng tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và XII gắn với thực hiện Chỉ thị 05 về đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quốc Bảo, nguyên Trưởng khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, từ bản án tòa đã tuyên, trong đó có cán bộ cao cấp của Đảng, cần trở lại lời dạy của Bác Hồ. Ngay từ tác phẩm “Đường kách mệnh” Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra 23 điểm quy định “Tư cách của người cách mệnh”. Sau này, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Bác Hồ lại đề cập đến 12 điều về “Tư cách của Ðảng chân chính cách mạng”. Bác Hồ dạy cán bộ, đảng viên phải luôn tự rèn luyện mình, tự mình tu dưỡng đạo đức, lối sống.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quốc Bảo khẳng định: bài học cho tất cả đảng viên là dù ở cương vị nào, trọng trách nào, không bao giờ được buông lỏng sự tự ý thức, rèn luyện của bản thân.
“Việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của mỗi cán bộ đảng, đảng viên hết sức quan trọng. Bởi không phải lúc nào tổ chức cũng ở bên mình, không phải lúc nào tự thân mỗi người có thể nhận ra được khuyết điểm của mình. Một khi đã ý thức, tự tu dưỡng thì chúng ta không chỉ có bản lĩnh và luôn luôn ý thức được mình đã làm đúng chưa? Có vì dân chưa? Việc làm của mình có tổn hại đến lợi ích chung của tập thể không? có tổn hại đến lợi ích của người dân không? Tổn hại danh dự của Đảng và trong đó của bản thân không. Theo tôi, việc tu dưỡng rèn luyện là hết sức quan trọng”.
Bài học đắt giá về "mất" cán bộ liên quan đến các vụ án lớn vừa qua có nguyên nhân chủ yếu là do các cán bộ, đảng viên đó không giữ được mình, trở thành kẻ có tội, đánh mất danh dự, tổn thương uy tín của Đảng. Bên cạnh đó, nếu chỉ kiểm soát quyền lực, quan tâm công tác cán bộ nhưng cán bộ không tự tu dưỡng, rèn luyện mà chỉ tham vọng quyền lực để đạt được mục đích thì chắc chắn không có cán bộ như mong muốn của Đảng.
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức lối sống được biểu hiện trong thực hành chức danh lãnh đạo.
“Kết quả hành vi của anh về đạo đức lối sống, không phải xem trong quá trình anh tu dưỡng như thế nào. Mà quá trình biểu hiện hành vi trong quá trình thực hiện chức năng là lãnh đạo, cán bộ chủ chốt là có thể được. Có thể giám sát biểu hiện như thế nào, chứ không thể giám sát quá trình được. Biểu hiện hành vi, kết quả tu dưỡng trong quá trình lãnh đạo, thực hiện nhiệm vụ chính trị”, ông Nguyễn Tiến Dĩnh nêu quan điểm.
Bộ Chính trị đang chuẩn bị trình Ban Bí thư Đề án "Xây dựng Quy định về giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên". Để việc giám sát này đạt kết quả, theo ông Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cần có quy chế, quy định cụ thể việc giám sát tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên. Nếu việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên được thể hiện bằng hành động thì điều này đã quy định tại 19 điều cấm của Đảng, đây là những tiêu chí để giám sát, đánh giá đảng viên đã thực hiện được gì, còn điều gì chưa thực hiện thì phản ánh, kiến nghị.
Ông Trần Ngọc Đường
Ông Trần Ngọc Đường cũng đề nghị: “Làm rõ phương thức giám sát, giám sát tu dưỡng, rèn luyện đạo đức bằng cách nào? Bằng hội nghị do MTTQ tổ chức hay là bằng việc phản ánh của tập thể những người làm công tác mặt trận. Cách thức tổ chức việc giám sát này quy định không rõ thì khó thực hiện, không khéo việc thực hiện chỉ mang tính hình thức. Vì vậy, phải quy định rõ, khách thể cần giám sát cũng như hình thức và phương thức giám sát".
Tiền nhân nói “Tu thân tề gia trị quốc bình thiên hạ". Nếu không “tu thân” thì sao có thể “tề gia trị quốc bình thiên hạ”. Nếu “tu thân” kém thì dù Đảng và tập thể có ưu ái, lựa chọn thì cuối cùng cũng không trở thành cán bộ tốt, cán bộ giỏi được. Khi vào được vị trí cũng luôn cần tu dưỡng, nâng cao trình độ; tránh coi chức vụ là vị trí cơ hội làm ăn, mang lại lợi ích riêng. Việc thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức sẽ giúp bản thân mỗi cán bộ tự đề cao trách nhiệm của mình trước Đảng, trước đất nước và trước nhân dân.