Cán bộ làm việc gì cũng sợ sai: Vì 'giữ mình' trước mỗi kỳ đại hội?
'Nhiều nơi, người ta cũng phát biểu giống như Chủ tịch Đà Nẵng, lấy đó là cái cớ biện minh cho sự trì trệ của bộ máy'.
Mới đây, báo cáo với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, hiện chính quyền đang phải đương đầu với vô vàn rối rắm và phức tạp liên quan đến việc giải quyết thủ tục cho người dân và doanh nghiệp do quá trình thanh tra, kiểm tra, điều tra những sai phạm trước đây. Điều này đã khiến tinh thần làm việc, sự cẩn trọng của cán bộ công chức, viên chức của thành phố có xu hướng trì trệ.
“Trước đây, thành phố làm gì cũng giải quyết nhanh, vượt rào, bỏ qua nhiều quy định dẫn đến những sai phạm. Bây giờ cán bộ làm việc gì cũng sợ sai", Chủ tịch Đà Nẵng nói.
Nhiếu cán bộ có cùng tâm trạng giống Chủ tịch Đà Nẵng
Nêu quan điểm trước phát ngôn của ông Huỳnh Đức Thơ, đại biểu Quốc hội đoàn Cà Mau, ông Lê Thanh Vân cho rằng, tâm trạng và nhận thức ấy không chỉ của riêng Chủ tịch Đà Nẵng. Một số cán bộ địa phương, thậm chí một số cán bộ Trung ương cũng có tâm lý ấy, lấy đó là cái cớ biện minh cho sự trì trệ của bộ máy. Cán bộ giữ vai trò trụ cột ở địa phương, có trách nhiệm, thẩm quyền được trao không dám làm gì, như thế có khác nào một người lính ra trận vì sợ bị bắn mà bỏ chạy, trốn tránh, đầu hàng.
Đại biểu Quốc hội đoàn Cà Mau còn cho rằng, những phát ngôn như thế phản ánh chất lượng cán bộ, bao gồm cả tri thức lãnh đạo, năng lực trí tuệ và đặc biệt là dũng khí. Tâm lý sợ hãi phản ánh sự nhu nhược trong dũng khí, phản ánh trình độ, kiến thức nhận biết đúng sai của anh rất yếu. Chính vì anh không có những điều kiện đó nên anh mới sợ hãi không dám làm cả những việc là trách nhiệm của mình. Nếu thực sự có trình độ, có năng lực, có niềm tin vào pháp luật, thì “lò chống tham nhũng” cháy càng mạnh, anh càng phải làm và phải làm đúng hơn, tốt hơn nhiệm vụ của mình.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Thanh Vân cho biết: "Thời gian qua, cuộc chiến chống tham nhũng mà người dân vẫn gọi là “cái lò của cụ Tổng” quét đến đâu, cán bộ sợ hãi đến đó. Cuộc chiến chống tham nhũng càng được làm một cách mạnh mẽ càng cho thấy sự quyết tâm của Đảng, của Nhà nước trong việc nghiêm trị những cán bộ, đảng viên vi phạm. Cán bộ công chức phải coi đó là những bài học kinh nghiệm để chỉnh đốn tổ chức, sốc lại đội hình, để cẩn trọng hơn trong các quyết định chứ không thể sợ hãi co cụm rồi không dám làm gì".
Cán bộ giữ mình trước mỗi kỳ Đại hội
Ngoài câu chuyện ở Đà Nẵng, theo ông Lê Thanh Vân, còn một thực trạng đã tồn tại lâu nay, đã trở thành một biểu hiện khá thường xuyên, lặp lại ở trước mỗi kỳ đại hội, cán bộ giữ mình khỏi bị vi phạm, chờ đến khi đại hội bầu bán xong mới làm việc.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau cho rằng, đó là biểu hiện vi phạm pháp luật, khi anh không hành động, không thực hiện chức trách được giao. Theo Luật Cán bộ công chức, không thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao là phải xử lý, nhưng vì chúng ta chưa xem xét yếu tố vi phạm trong việc không hành động nên cán bộ nhiều nơi mới có suy nghĩ, mình không làm thì không sai.
Nhận thức như vậy là sai lầm. Có làm thì có sai, nhưng cái sai có thể do hạn chế về năng lực, cẩu thả trong công việc, yếu tố lỗi ở đây có thể xem xét do vô ý. Nhưng anh nhận thức rõ trách nhiệm của mình mà không làm, dẫn đến công việc bị đình trệ, hậu quả xấu, thì đấy là lỗi chủ quan, chủ ý. Nếu không xử lý để làm gương thì theo đà đó, cán bộ nào cũng không thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình. Như vậy, bộ máy nhà nước nói riêng, hệ thống chính trị nói chung sẽ đi về đâu?
Công việc của Đảng, của Nhà nước đòi hỏi phải thường xuyên liên tục, thậm chí có tính kế thừa giữa nhiệm kỳ này với nhiệm kỳ khác. Ngày mai anh nghỉ nhưng hôm nay vẫn phải hoàn thành trách nhiệm được giao mới bảo đảm tính liên tục của bộ máy.
“Trước đại hội cả 1 năm, thậm chí 2 năm, anh phòng thủ bằng cách không làm gì để giữ cho mình tròn trịa, ý thức trách nhiệm, phẩm chất cán bộ như thế là không thể chấp nhận”, ông Lê Thanh Vân nêu quan điểm.
Người đứng đầu không làm gì để mặc bộ máy trì trệ là vi phạm
Ông Lê Thanh Vân cho rằng, cần phải xem xét đến trách nhiệm của mỗi cá nhân, đặc biệt trách nhiệm của người đứng đầu. Người đứng đầu các cơ quan Đảng, chính quyền các địa phương trong vai trò, trách nhiệm của mình không làm gì, để mặc bộ máy dưới quyền trì trệ khiến các lĩnh vực đời sống kinh tế -xã hội không phát triển cũng là một loại vi phạm. Nếu là lỗi cố ý không thực hiện vì lo sợ trách nhiệm, thì phải xem xét năng lực, trình độ, phẩm chất của người đó, có thể cách chức, thay thế. Nếu anh có hành vi đối phó, do thanh tra, kiểm tra nhiều, do chống tham nhũng, do “lò của cụ Tổng” quét đến, anh thoái thác bằng cách không làm, thì phải xem xét trách nhiệm ở mức độ nặng hơn.
Việc cán bộ không hành động, không làm việc trong khi đáng ra phải làm, xét ở góc độ pháp lý, rõ ràng là một loại vi phạm, trước hết là vi phạm kỷ luật hành chính. Thế nên, đừng lấy lý do sợ sai không dám làm để bao biện. Bởi nếu anh đã làm đúng thì chẳng việc gì phải sợ. Trong một cơ quan, người đứng đầu phải là người truyền cảm hứng để cấp dưới cùng tự giác thực hiện, nhưng vì sợ sai mà không dám làm, không chỉ đạo cấp dưới làm thì nên chăng phải xem xét lại vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu ở cơ quan đó./.