Cán bộ nhiệt tình, người dân phấn khởi
Cùng với Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng, các địa phương khác trên cả nước cũng đã chính thức bước vào ngày làm việc đầu tiên của mô hình đơn vị hành chính hai cấp với khí thế hân hoan, tràn ngập cảm xúc.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn động viên người dân đến làm thủ tục hành chính tại phường Sầm Sơn. Ảnh: Phong Sắc
Từ đồng bằng ra hải đảo, từ miền ngược về miền xuôi, nhóm phóng viên Văn Hóa tiếp tục ghi nhận những ý kiến, kiến nghị từ cán bộ, công chức đến người dân: Có đôi phần bỡ ngỡ nhưng cũng rất hài lòng.
Mở ra tầm nhìn và cơ hội phát triển mới
Tỉnh Khánh Hòa cùng các địa phương khác trên cả nước chính thức vận hành mô hình đơn vị hành chính hai cấp. Sự kiện này đánh dấu một cột mốc lịch sử quan trọng trong tiến trình cải cách hành chính quốc gia.
Chị Đinh Thị Kim Ngân, cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công thuộc UBND phường Nha Trang không giấu nổi niềm vui: “Ngày đầu tiên làm việc theo mô hình mới, tôi thấy rất phấn khởi. Người dân đến giao dịch khá đông, ai nấy đều được hướng dẫn tận tình, các thủ tục hành chính diễn ra nhanh chóng, gọn gàng và thông suốt”.
Kiểm tra tại Trung tâm, ông Trần Xuân Tây, Chủ tịch UBND phường Nha Trang cho biết, hầu hết cán bộ, viên chức đều hân hoan và nhận thức rõ trách nhiệm mới của mình. “Sau lễ chào cờ, anh em cán bộ, viên chức đã tập trung ngay vào công việc”, ông nói.
Nhân dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Trần Quốc Nam đã gửi thư kêu gọi toàn thể nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư trên địa bàn. Trong thư, Chủ tịch Trần Quốc Nam nhấn mạnh, việc sắp xếp các đơn vị hành chính không chỉ tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước mà còn mở ra tầm nhìn và cơ hội phát triển mới cho Khánh Hòa. Ông khẳng định mục tiêu lớn lao này sẽ không thể thành công nếu thiếu đi sự chung sức, đồng lòng của toàn thể đồng bào...

Không khí làm việc đầy khẩn trương, trách nhiệm tại phường Thành Vinh (Nghệ An). Ảnh: P.NGÂN
Vận hành thuận lợi, nhanh chóng
Có mặt từ đầu giờ sáng ngày 1.7 ở Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Kim Long (TP Huế), bà Trần Thị Lâm (67 tuổi) được cán bộ hướng dẫn và xử lý hồ sơ nhanh chóng. Theo bà Lâm, “khoảng gần 10 phút, thủ tục xác nhận tình trạng hôn nhân của con trai tôi đã được cán bộ giải quyết xong, tôi thấy công tác tiếp đón và hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính ở phường mới rất thuận lợi, nhanh chóng, hiệu quả”.
Phường Kim Long là phường mới được sắp xếp từ ba phường cũ gồm Kim Long, Hương Long và Long Hồ của quận Phú Xuân, thành phố Huế, có quy mô diện tích hơn 90 km2 và dân số gần 49.000 người.
Trong khi đó, tại phường Phú Xuân, đơn vị hành chính cấp xã có quy mô dân số lớn nhất của thành phố Huế với hơn 130.000 người, ghi nhận cho thấy số lượng người dân đến thực hiện thủ tục hành chính trong ngày 1.7 khá đông, nhất là mảng Tư pháp hộ tịch; Địa chính, môi trường; Y tế, giáo dục, văn hóa… Chủ tịch UBND phường Phú Xuân Nguyễn Việt Bằng cho biết, do quy mô dân cư lớn nhất của TP Huế nên địa phương đã có chuẩn bị cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ người dân thông suốt khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Chính quyền đã bố trí lực lượng hướng dẫn người dân đến giao dịch thủ tục hành chính, hướng dẫn cho người dân tiếp nhận, kê khai số hóa thủ tục hành chính.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Huế, đến 10 giờ ngày 1.7, khi thực hiện hoạt động của chính quyền địa phương hai cấp, địa phương đã tiếp nhận khoảng 380 hồ sơ thủ tục hành chính của người dân. Cơ bản các hồ sơ được tiếp nhận thuận lợi và xử lý, giải quyết theo đúng trình tự. Cũng đã có một số trục trặc nhưng trên cơ sở kiểm tra, giám sát, và điều hành bằng hệ thống CNTT, cơ bản các đơn vị đã vận hành tốt, thuận lợi.

Cán bộ UBND phường Kim Long (TP Huế) tận tình hướng dẫn người dân làm thủ tục. Ảnh: S.THÙY
Khởi đầu mới từ tinh thần phục vụ dân
Sáng đầu tháng 7, tại Trung tâm Phục vụ hành chính công các phường Sầm Sơn và Nam Sầm Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn đã trực tiếp kiểm tra công tác vận hành mô hình chính quyền mới. Ghi nhận thực tế cho thấy, bộ máy được tổ chức bài bản, cán bộ công chức làm việc nghiêm túc, nền nếp, cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ, hiện đại.
Dù là ngày đầu tiếp nhận công việc trong diện mạo mới, số lượng người dân đến làm thủ tục tương đối lớn, nhưng các yêu cầu đều được tiếp nhận, giải quyết đúng quy trình, không để xảy ra tình trạng ùn ứ, chậm trễ.
Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận tinh thần trách nhiệm cao của đội ngũ cán bộ, công chức tại hai phường, đồng thời nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của các Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp xã trong mô hình chính quyền hai cấp. Đây là nơi gần dân nhất, trực tiếp tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, vì vậy cần được đầu tư kỹ lưỡng về con người và cơ sở vật chất.
Ông yêu cầu Trung tâm cấp tỉnh tăng cường hỗ trợ cấp xã về kỹ thuật, hướng dẫn thực thi gắn với các khẩu hiệu hành động như “5 biết” (biết nghe dân nói, biết nói dân hiểu, biết làm dân tin, biết xin lỗi, biết cảm ơn) và “3 không” (không phiền hà, không né tránh, không trễ hẹn).
Ngày đầu tiên triển khai mô hình chính quyền hai cấp tại Thanh Hóa đã để lại nhiều dấu ấn tích cực. Từ sự chủ động của lãnh đạo đến tinh thần tận tụy của cán bộ, công chức, tất cả đều hướng tới mục tiêu phục vụ người dân hiệu quả hơn. Đây chính là bước khởi đầu quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền hành chính hiện đại, minh bạch, vì nhân dân phục vụ.
Cán bộ hướng dẫn rõ ràng, xử lý nhanh gọn
Tại 130 đơn vị hành chính cấp xã, phường sau sáp nhập trên địa bàn tỉnh Nghệ An, không khí làm việc diễn ra khẩn trương, nghiêm túc; các Trung tâm Hành chính công vận hành thông suốt, người dân được tiếp đón, hướng dẫn tận tình.
Tại phường Thành Vinh, đơn vị mới thành lập trên cơ sở sáp nhập 6 phường, lượng công dân đến giao dịch trong sáng 1.7 khá đông. Tuy nhiên, nhờ chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở vật chất, dữ liệu tích hợp và phân công rõ ràng, việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ diễn ra nhanh chóng, trật tự.
Chị Nguyễn Thị Nga, người dân phường Thành Vinh bày tỏ: “Lần đầu làm thủ tục cấp đổi bìa đất tại trung tâm, tôi cảm thấy hài lòng vì cán bộ hướng dẫn rõ ràng, xử lý nhanh gọn”.
Theo ông Nguyễn Văn Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Thành Vinh cho biết: “Việc triển khai mô hình chính quyền hai cấp là bước đi đúng đắn, hướng tới xây dựng nền hành chính hiện đại, tinh gọn, phục vụ hiệu quả hơn cho người dân. Trung tâm đặt tại số 152 Đinh Công Tráng, vị trí thuận tiện giao dịch. Trong tương lai, đây không chỉ là nơi tiếp nhận, trả hồ sơ mà còn là cầu nối giữa chính quyền và nhân dân”.
Tại xã Mường Típ, cách trung tâm tỉnh Nghệ An khoảng 280 km. Xã giáp Mường Xén ở phía Đông, Na Ngoi ở phía Đông Nam và có đường biên giới dài 51 km với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ở phía Bắc, Tây và Tây Nam. Đơn vị mới hợp nhất từ hai xã Mường Típ và Mường Ải phiên họp đầu tiên của HĐND, UBND xã diễn ra trong không khí nghiêm túc, quyết tâm.
Bà Vi Thị Quyên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã nhấn mạnh: “Hôm nay là thời khắc lịch sử không chỉ với Mường Típ mà với từng cán bộ, đảng viên và người dân trên địa bàn. Việc tổ chức lại bộ máy chính quyền là cơ hội để nâng cao năng lực điều hành, xây dựng chính quyền tinh gọn, hiệu quả hơn”.

Trụ sở UBND phường Nam Nha Trang (Khánh Hòa) được trang hoàng cờ hoa chào đón người dân đến làm thủ tục. Ảnh: X.HƯỚNG
“Hôm nay tôi vui lắm”
Trong sáng sớm 1.7, rất đông người dân đã đến Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Việt Trì (Phú Thọ) để làm thủ tục; được cán bộ hướng dẫn tận tình, công việc hoàn thiện nhanh chóng. Đến làm thủ tục trong ngày đầu tiên hoạt động của bộ máy chính quyền hai cấp tại xã Trung Sơn, người dân mang theo niềm tin và kỳ vọng về một bộ máy tinh gọn, hiệu quả, thực sự gần dân. Trung Sơn là xã miền núi đặc biệt khó khăn của tỉnh Phú Thọ, với dân số hơn 6.200 người, chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số như Mường, Dao, Mông...
Tổng số cán bộ, công chức, viên chức sau sắp xếp tại xã Trung Sơn là 36 người. Ngay từ sáng sớm, nhiều người dân đã đến Trung tâm Hành chính công xã Trung Sơn để xin xác nhận hồ sơ, làm giấy tờ đất đai, hộ tịch…; đều được hướng dẫn tận tình. Các vị trí công tác đã được phân công rõ ràng, cán bộ ổn định nơi làm việc.
Chị Giàng Thị BLồng (người dân tộc Mông, ở khu Nhồi) chia sẻ, chị vừa sinh con thứ 3. Hiện cháu bé được hơn 3 tháng tuổi. “Hôm nay tôi ra xã làm thủ tục hưởng chế độ hỗ trợ 750 nghìn đồng/tháng cho con. Dù đến Trung tâm Hành chính công xã khá sớm, nhưng tôi được các cán bộ hướng dẫn tận tình, chu đáo. Công việc nhanh chóng được thực hiện, không mất nhiều thời gian. Tôi vui lắm. Cảm ơn Đảng, Nhà nước”, chị Giàng Thị BLồng vui vẻ nói.
Mở ra cơ hội phát triển mới
Từ ngày 1.7, tên gọi “huyện đảo Lý Sơn” chính thức đi vào quá khứ, nhường chỗ cho một danh xưng mới: Đặc khu Lý Sơn. Ông Phạm Văn Tân, người dân trên đảo chia sẻ: “Ngày xưa, nghe tin huyện đảo Lý Sơn được thành lập, người dân vui như Tết. Nay đổi tên thành đặc khu, nghe cũng lạ nhưng kỳ vọng nhiều hơn. Miễn sao dân sống tốt hơn, có đường sá, trường học, bệnh viện khang trang là mừng rồi”.
Với tầm nhìn dài hạn, Đặc khu Lý Sơn sẽ vận hành nền hành chính phục vụ hiện đại, chuyên nghiệp, đặt người dân và doanh nghiệp vào trung tâm. Kỳ vọng lớn của chính quyền là nâng cao hiệu quả hoạt động tổ chức chính trị, hành chính, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Ông Phan Đình Mười, người dân đảo gửi gắm: “Nguyện vọng của bà con là chính quyền đặc khu cần có các chương trình hỗ trợ rõ ràng cho nghề biển và phát triển du lịch. Hai ngành này là trụ cột để Lý Sơn thực sự trở thành đặc khu kiểu mẫu”.
Bí thư đặc khu Lý Sơn Nguyễn Minh Trí cho biết: “Giờ đây, khi trở thành đặc khu, Lý Sơn được kỳ vọng sẽ có cơ chế đặc thù, mở ra cơ hội phát triển mới. Bởi lẽ, mô hình phát triển tại nơi này vẫn không thay đổi đó là phát triển du lịch bền vững. Khi có cơ chế đặc thù, việc hiện thực hóa quy hoạch để trở thành trung tâm du lịch sẽ nhanh hơn”.
Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/doi-song/can-bo-nhiet-tinh-nguoi-dan-phan-khoi-148413.html